CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết rằng một thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu sẽ được hoàn tất "rất sớm", đồng thời cho biết ông hy vọng những thay đổi này có thể có hiệu lực vào năm 2023.
Chờ đợi 'phán quyết' của G20 đối với thuế toàn cầu. Ảnhh: Internet.
Ngày 9/7, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết: "Chúng tôi đang tiến rất gần đến kết quả cuối cùng. Chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận tại G20 khi 20 quốc gia đồng ý cùng một ý tưởng về việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu".
Việc áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu đang được chú ý vào cuối tuần này khi các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới tập trung tại Venice, Ý. Mục đích của họ là thực hiện một thỏa thuận buộc các công ty đa quốc gia lớn nhất trên thế giới phải trả nhiều thuế hơn.
Điều này diễn ra sau khi 130 quốc gia và khu vực pháp lý đã đồng ý vào tuần trước về đề xuất thuế tối thiểu doanh nghiệp toàn cầu mà G7 trình bày vào tháng 6.
Theo thỏa thuận này, các công ty đa quốc gia có thể bị buộc phải trả mức thuế tối thiểu là 15% ở bất cứ nơi nào họ hoạt động, thay vì chỉ đóng thuế tại các quốc gia nơi họ đặt trụ sở chính. Điều này đã cho phép các công ty lớn chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có thuế suất rất thấp hoặc có các ưu đãi khác.
"Sự thay đổi chính quyền Mỹ là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực này và tôi thực sự tin tưởng rằng chúng ta sẽ có một thỏa thuận cần đạt được vào thời điểm này tại Venice", Nadia Calvino, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, cho biết hôm thứ Sáu.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã thúc đẩy một thỏa thuận thuế toàn cầu kể từ khi nhậm chức. Đánh thuế được coi là một cách để tìm nguồn vốn mới nhằm đối phó với cú sốc kinh tế từ đại dịch COVID-19, đồng thời giải quyết tình trạng bất bình đẳng.
Wopke Hoekstra, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan, cũng nói rằng ông "lạc quan" về một thỏa thuận vào cuối tuần này.
"Những gì tôi nghe được từ các đồng nghiệp là mọi người thực sự hứng thú về điều này, vì vậy, rất có thể, chúng ta sẽ có thể đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa", ông nói.
Phản đối thỏa thuận
Tuy nhiên, một số quốc gia vẫn còn hoài nghi về thỏa thuận này, đặc biệt là Ireland và Hungary, và cũng không rõ liệu ông Biden có thể thuyết phục Quốc hội về giá trị của thỏa thuận hay không.
Khi được hỏi những gì sẽ được cung cấp cho Ireland và Hungary để thuyết phục họ đồng ý một thỏa thuận, Bộ trưởng Tài chính Đức cho biết ông tin tưởng rằng các cuộc đàm phán sẽ thành công. Tuy nhiên, ông không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào.
Ireland được biết đến với việc đưa ra mức thuế doanh nghiệp thấp 12,5% và thoả thuận thuế toàn cầu gần đây có khả năng thách thức điều đó. Hungary cũng ở vị trí tương tự với mức thuế doanh nghiệp là 9%.
Phát biểu vào tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Ireland Paschal Donohoe cho biết ông muốn tìm một "thỏa hiệp" với các đối tác quốc tế.
Một vấn đề nổi bật khác chính là kế hoạch của Ủy ban Châu Âu về việc áp dụng thuế kỹ thuật số trong tương lai gần.
Khi G7 đồng ý với một mức thuế doanh nghiệp toàn cầu vào tháng trước, họ cũng đã quyết định rằng thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số sẽ được loại bỏ để tránh đánh thuế hai lần. Tuy nhiên, cơ quan điều hành của EU (đã hứa sẽ tìm ra các nguồn doanh thu mới để trả cho khoản nợ phát sinh trong cuộc khủng hoảng COVID), lại đưa ra đề xuất về một mức thuế kỹ thuật số mới trên toàn châu Âu.
Ủy ban đã nói rằng điều này sẽ bổ sung cho thuế doanh nghiệp toàn cầu, nhưng Mỹ lại lo lắng rằng các kế hoạch của EU sẽ bị lệch tiến độ.
Phát biểu vào đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: "Tôi nghĩ rằng cần phải giải thích với chính quyền Joe Biden những gì thực sự đằng sau một khoản thuế kỹ thuật số". Ông nói thêm rằng nó "không liên quan gì đến việc đánh thuế đối với những gã khổng lồ công nghệ".
(Theo CNBC)