CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cho vay cầm đồ: Chiêu lách luật lãi suất 110% | Báo Công Thương

Invest Global 15:24 05/04/2023

Phí dịch vụ "đè nặng" khách hàng

Thông tin trên website của Người Bạn Vàng cho thấy, lãi và phí cho vay của các dịch vụ như cầm kim cương, vàng và trang sức, túi hiệu, đồng hồ khá cao.

Ví dụ của Người Bạn Vàng đưa ra cho thấy, nếu khách hàng cầm kim cương hoặc vàng với gói cầm 20 triệu đồng trong 95 ngày, số tiền phí và lãi suất khách cần phải trả là 2.288.000 đồng, tương ứng với lãi suất 11,44% trong 95 ngày và tương ứng với 43,9%/năm.

Biểu phí, lãi suất cầm đồ tại chuỗi Người Bạn Vàng. Ảnh: Chụp màn hình. Biểu phí, lãi suất cầm đồ tại chuỗi Người Bạn Vàng. Ảnh: Chụp màn hình

Trong khi đó, đối với lãi suất cầm túi hiệu và đồng hồ, khi khách hàng cầm các sản phẩm này với số tiền 50 triệu đồng trong 65 ngày, số tiền phí và lãi phải trả sẽ là 5.775.000 đồng, tương ứng với lãi suất hơn 60%/năm.

Tuy nhiên, lưu ý rằng số tiền này chưa bao gồm phí kiểm định. Theo đó, phí kiểm định túi xách tại quầy lên đến 4 triệu đồng/sản phẩm, khiến lãi suất và phí phải trả cho khoản vay ở ví dụ trên có thể lên đến gần 110%/năm.

Một chuỗi cầm đồ khác theo ghi nhận của PV cũng đưa ra mức lãi suất chỉ là 1,1%/tháng, tương đương 13%/năm. Thế nhưng, ngoài mức lãi suất công bố, khi sử dụng dịch vụ, còn một số khoản phí khác mà hầu hết các đơn vị đều áp dụng như phí thẩm định hồ sơ, phí bảo quản tài sản cầm cố, phí tư vấn thì mức lãi suất thực tế khách hàng phải trả cho khoản vay tại các đơn vị này bị đội lên rất nhiều lần.

Trong đó, các gói vay đăng ký xe máy/ôtô được quảng cáo, khách hàng không bị giữ xe, vừa có tiền vừa có xe đi. Thủ tục nhanh chóng, giải ngân trong vòng 15-30 phút, khoản vay từ 30 triệu lên đến 1 tỉ đồng với chi phí vay hợp lý. Thời hạn khoản vay tối thiểu 3 tháng và tối đa 12 tháng, lãi suất vay trong hạn hàng năm tối đa 13,2%/năm.

Thế nhưng, trên thực tế, nếu cộng với các chi phí khác, mức lãi suất thực tế khách hàng phải trả hàng tháng cho các khoản vay cao hơn rất nhiều. Theo đó, khi khách hàng có nhu cầu thế chấp tài sản vay tín dụng, khách hàng phải nộp thêm nhiều khoản phí như: Phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo.

Như vậy, nếu tính đủ các loại phí khác, mỗi tháng, người vay phải trả tới 5,5-7,5% số tiền vay, tương đương 66-90% cả năm.

Lỗ hổng pháp lý

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLaw, đang có lỗ hổng pháp lý lớn trong hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân đặc biệt là dịch vụ cầm đồ.

Cụ thể, hiện nay, theo quy định của Bộ luật Dân sự, các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng hoặc ngay cả dịch vụ cầm đồ được phép áp dụng mức lãi suất thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm.

Một đơn vị áp dụng mức lãi suất quá 20%/năm sẽ là vi phạm pháp luật và khi lên đến mức 100%/năm sẽ phạm tội cho vay nặng lãi. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng đang cố lỗ hổng pháp lý lớn với kinh doanh cầm đồ. Ảnh: Tùng Thư. Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng đang cố lỗ hổng pháp lý lớn với kinh doanh cầm đồ. Ảnh: Tùng Thư.

Tuy nhiên, các công ty dịch vụ cầm đồ có cách để lách quy định này bằng việc để mức lãi suất hàng tháng thay vì hàng năm. Bên cạnh đó họ còn tính thêm các loại phí như phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm cho khoản vay, phí tư vấn, phí khác...

Chuyên gia pháp lý phân tích rằng, phần lớn dịch vụ cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay đều vi phạm trần lãi suất, chưa có quy định pháp luật về việc có tính các chi phí thẩm định hồ sơ, quản lý hồ sơ xem là lãi suất hay không.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cho rằng trên thị trường hiện vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động cầm đồ, nhưng lại núp bóng cho vay cầm cố tài sản, cho vay tiêu dùng; thậm chí có dấu hiệu của tín dụng đen.

Trong khi Luật các Tổ chức tín dụng nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng mà không được sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Các tiệm cầm đồ không phải là tổ chức tín dụng nên không có khái niệm cho vay tín chấp, cho vay thế chấp bằng sổ đỏ, đòi nợ, xử lý tài sản... Vì thế, nếu tiệm cầm đồ cho vay bất hợp pháp, lãi suất cho vay cao vượt quy định và đòi nợ bất hợp pháp là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), kiến nghị rà soát lại việc đặt tên “công ty tài chính” của loại hình cho vay cầm đồ hiện nay liệu có đang vi phạm Luật các Tổ chức tín dụng để tránh việc nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng. Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn văn bản gửi Sở KHĐT các tỉnh, thành phố rà soát lại.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan