CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Chống tín dụng đen, nhiệm vụ không của riêng ai

Invest Global 09:04 23/06/2022

Theo kế hoạch, ngày 23/6, NHNN và Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có cuộc làm việc với HDBank và VPBank để thảo luận cách thức triển khai gói cho vay tiêu dùng 10.000 tỷ đồng với lãi suất bằng 50% lãi suất thị trường nhằm đẩy lùi tín dụng đen. Hai ngân hàng này có hai công ty tài chính HDSaison và FE Credit chiếm hơn 50% thị phần trên thị trường cho vay tiêu dùng.

chong tin dung den nhiem vu khong cua rieng ai Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, Chính phủ giao nhiệm vụ đối với ngành Ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói và khoản cho vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Theo thẩm quyền nghiên cứu ban hành hoặc tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, sản phẩm dịch vụ tài chính, ngân hàng. Đồng thời, phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen...

Theo thống kê của NHNN, những năm gần đây tín dụng tiêu dùng tăng trưởng bình quân 19,3%/năm. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng cao do sản phẩm đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn với nhu cầu cũng có xu hướng tăng theo phát triển của nền kinh tế.

Đặc biệt các chương trình tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân 22%/năm đã góp phần hạn chế tín dụng đen. Hiện các chương trình tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai như cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, thuê mua và tạo lập nhà ở… với lãi suất ưu đãi đã hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, qua đó góp phần tích cực hạn chế tín dụng đen.

Theo số liệu thống kê của NHCSXH, tính đến tháng 4/2022 tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 6,3 triệu hộ nghèo trên cả nước vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 5,4 triệu lao động, trong đó có trên 135 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tín dụng chính sách cũng giúp gần 3,8 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 16,1 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng gần 747 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách... Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP NHCSXH đã cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là 140 tỷ đồng với 794 khách hàng…

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, tín dụng đen phát sinh chủ yếu từ những tệ nạn xã hội cờ bạc, cá độ… Do đó để hạn chế tín dụng đen phát sinh cần sự phối hợp của các ngành, các cấp với những nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể được giao theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Chính phủ. Chẳng hạn, Bộ Công an phổ biến các quy định của pháp luật, phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân; Phối hợp với các đơn vị triển khai kế hoạch điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, các hoạt động hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo... Siết chặt việc cấp giấy chứng nhận và tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ. Đặc biệt, chúng ta cần có đủ chế tài để xử lý các vi phạm trên nghiêm khắc, đủ sức răn đe.

Phát biểu tại buổi đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với công nhân mới đây ở Bắc Giang, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, để đẩy lui tín dụng đen cần nhận thức rõ hai vấn đề. Thứ nhất là làm rõ nhu cầu vay chính đáng của người dân, khi họ có nhu cầu vay tín dụng ở những món nhỏ, lẻ cho sinh hoạt hàng ngày thì cần có nguồn tín dụng chính thức đáp ứng. Phần này là thuộc trách nhiệm NHNN cùng các cấp chính quyền triển khai. Thứ hai là nhu cầu vay tín dụng nhưng không chính đáng để phục vụ nhu cầu bất chính như hoạt động lô đề, cá độ hay những tệ nạn xã hội,… Về điều này thì các cơ quan chức năng phải trấn áp, dẹp bỏ kể cả cầu và cung.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan