CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cơ hội bước vào chuỗi giá trị của thị trường bán dẫn hàng tỉ đô

Invest Global 15:44 18/06/2023

(KTSG Online) – Bối cảnh kinh tế và chính trị thế giới đang mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam phát triển ngành vi mạch bán dẫn cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vấn đề cấp thiết hiện nay, theo các chuyên gia là cần có chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ ngành và thực hiện các chính sách thu hút đầu tư, nhân tài để đón thị trường lên đến 1.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Thiếu kỹ sư chip bán dẫn đe dọa vị thế dẫn đầu của Đài LoanGiải bài toán nhân lực trên con đường phát triển công nghiệp vi mạch

Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại. Hàng loạt thiết bị con người đang sử dụng như ô tô, điện thoại, máy tính, tivi, máy bay, robot, thiết bị y tế, đồ điện tử gia dụng khác… đều cần chip và hệ thống vi mạch để vận hành.

Việt Nam đang có cơ hội để trở thành một trong những điểm đến của các tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới. Ảnh minh họa: DNCC

Bờ bến mới của những “ông lớn” ngành bán dẫn

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cùng sự ổn định chính trị đã giúp nâng cao vị thế, uy tín và mở ra cơ hội để Việt Nam trở thành một trong những điểm đến của các tập đoàn công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới.

Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) đang gấp rút triển khai đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh để có thể đưa vào sản xuất thử vào cuối tháng 10 tới. Với tổng vốn 1,6 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư, dự án nhà máy bán dẫn công nghệ cao tại KCN Yên Phong II-C sẽ là nhà máy lớn của Amkor trên toàn cầu.

Tương tự, Samsung mới đây cũng tổ chức vòng thi tuyển dụng GSAT (Global Samsung aptitude test) đợt I năm 2023 nhằm phục vụ hoạt động của Trung tâm R&D (Hà Nội) và kế hoạch sản xuất lưới bóng chíp bán dẫn tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) ở Thái Nguyên. Đây là dự án có vốn trên 2,6 tỉ đô la.

Trong khi đó, những doanh nghiệp đang hoạt động không ngừng gia tăng quy mô và vị thế dự án tại Việt Nam. Đơn cử Tập đoàn Meiko (Nhật Bản) vừa đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hỗ trợ đầu tư nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đô la tại KCN bờ trái Sông Đà.

Tập đoàn sản xuất bản mạch điện tử và lắp ráp các bản mạch điện tử hoàn chỉnh này đầu tư vào năm 2006 và hiện đã có 3 nhà máy sản xuất, lắp ráp các bản mạch điện tử với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la.

Hay Intel nhiều năm trước đã rót hơn 1 tỉ đô la vào Việt Nam và cho đến nay nhà máy này vẫn là một trong những cứ điểm sản xuất quan trọng của tập đoàn. Đáng chú ý những nguồn đáng tin cậy tiết lộ rằng Tập đoàn bán dẫn đến từ Mỹ này đang cân nhắc cho kế hoạch rót thêm vốn để nâng công suất dự án của mình tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP).

Tiếp nối là các tập đoàn đa quốc gia khác đổ vốn vào ngành bán dẫn Việt còn có Qualcomm, Texas Instruments, Hayward Quartz Technology, NXP Semiconductors, SK Hynix,… Tất cả dần tạo nên hệ sinh thái ngành bán dẫn ngày càng chuyên sâu.

Có thể nói cùng với làn sóng chuyển dịch vốn FDI, Việt Nam đang được đón các dự án đầu tư chất lượng cao, gia tăng giá trị hơn. Trong đó, các nhà đầu tư chọn Việt Nam là điểm đến đưa ngành công nghiệp bán dẫn vào Việt Nam, từ thiết lập các cơ sở sản xuất linh kiện, vật liệu bán dẫn, kiểm định chip đến cả việc đào tạo kỹ sư thiết kế chip.

Việt Nam cũng xuất hiện trên bản đồ sản xuất chip thế giới với ba dòng chip của FPT Semiconductor. Viettel đề xuất tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.

Đáng chú ý, trong ngành bán dẫn khâu thiết kế được xem rất quan trọng và tạo được giá trị gia tăng cao, Việt Nam cũng đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn về thiết kế chip.

Vào tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) công bố thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM trên cơ sở nâng cấp chi nhánh công ty đặt tại Khu Chế xuất Tân Thuận (TPHCM).

Ảnh minh họa: TL

Mô hình kinh doanh của Marvell toàn cầu là “Fabless”, nghĩa là thiết kế chip và sau đó thuê các nhà sản xuất gia công chip. Marvell không có bất cứ nhà máy nào trên phạm vi toàn cầu. Việc sản xuất chip sẽ do các bên thứ 3 đảm nhiệm như TSMC (Đài Loan), Samsung, UMC…

Theo ông Lê Quang Đạm, Tổng Giám đốc Marvell Việt Nam, Tập đoàn có khoảng 20 trung tâm thiết kế trên thế giới. Với việc “nâng cấp” này, Marvell Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm mang tầm thế giới của Marvell (cùng với 3 trung tâm gồm Mỹ, Ấn Độ và Israel).

“Trung tâm thiết kế ở Việt Nam sẽ là nơi nghiên cứu và phát triển các công nghệ vi mạch tiên tiến nhất; đồng thời là nơi làm việc lý tưởng đối với các kỹ sư công nghệ Việt Nam, cho phép họ trau dồi các kỹ năng chuyên môn, mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch và bán dẫn”, ông Đạm nhấn mạnh.

Việc Tập đoàn hàng đầu về giải pháp vi mạch và bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu với hơn 10.000 bằng sáng chế trên khắp thế giới thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch tại Việt Nam được giới phân tích đánh giá là một bước quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách nhân tài và thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Liền ngay sau đó, Infineon Technologies AG, nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Đức, thông báo thành lập trung tâm phát triển chip điện tử ở Hà Nội, với quy mô khoảng 25 chuyên gia kỹ thuật vào cuối năm.

Lực lượng này tập trung vào việc kiểm thử và tùy chỉnh mạch kỹ thuật số, mạch tín hiệu analog, tích hợp, hỗ trợ ứng dụng lái xe tự động, giám sát và cân bằng pin, cũng như nghiên cứu về chip vi điều khiển cho ứng dụng ô tô.

Các hoạt động của đội ngũ phát triển chip tại Hà Nội được quản lý bởi Infineon Technologies Việt Nam, công ty con trực thuộc Infineon Technologies châu Á – Thái Bình Dương.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng SHTP, cho biết ngoài 2 dự án thiết kế bán dẫn đang hoạt động của Công ty Microchip Technology (Việt Nam) và của Công ty SNST & Finger Vina, SHTP cũng đang thu hút sự quan tâm và tìm cơ hội đầu tư của các nhà thiết kế sản xuất chip khác trên thế giới.

Sớm hơn là nhà thiết kế chip đến từ Nhật Bản Renesas cũng đã không ngừng mở rộng sự hiện diện, gia tăng mở rộng quy mô cũng như phát triển đội ngũ kỹ sư trong nước cho ngành.

Sự hấp dẫn của Việt Nam ra sao?

Từ khi dịch bệnh Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến khó khăn về ngành sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn trên khắp toàn cầu. Trong bối cảnh đó, các tập đoàn đang sắp xếp lại chuỗi sản xuất, mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới.

Theo TS. Lợi Nguyễn, có 4 yếu tố chính tạo nên sự hấp dẫn của Việt Nam với Marvell để tập đoàn đưa dự án tại Việt Nam trở thành một trong bốn trung tâm quan trọng trên thế giới. Đó lá nguồn nhân lực; sự ổn định về kinh tế và xã hội; văn hóa năng động; và quan trọng nhất, Việt Nam là nơi đầu tư rất hiệu quả về mặt chi phí.

“Ngành công nghệ đang cắt giảm nhân sự rất mạnh; tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước mang đến hiệu quả rất tốt về mặt đầu tư thiết kế vi mạch. Đó là lý do tại sao Marvell toàn cầu vẫn cam kết phát triển và mở rộng tuyển dụng tại Việt Nam”, Phó Chủ tịch Marvell, TS. Lợi Nguyễn chia sẻ.

Hiện nay, có 2 lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, Marvell Việt Nam đã có 300 kỹ sư. Marvell Việt Nam hiện có 2 văn phòng ở Etown (quận Tân Bình) và KCX Tân Thuận (quận 7) TPHCM.

Theo đánh giá của Marvell, trong hơn 10 năm qua, các kỹ sư Việt Nam đã chứng minh được năng lực của mình, từ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, kỹ năng quản lý dự án. “Nguồn nhân lực của Việt Nam đã phát triển đủ để có thể đảm nhận những dự án công nghệ mới nhất. Đó là lý do tại sao Marvell quyết định nâng tầm Marvell Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế tầm cỡ thế giới”, ông nói.

Các khách mời nghe giới thiệu về chip của Đại học Bách khoa TPHCM tại phòng thiết kế vi mạch trong ngày khai trương vào năm 2022.

Còn ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies Châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng với dân số gần 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang phát triển thành một thị trường trọng điểm và trở thành điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân tài kỹ thuật.

“Việt Nam nổi lên như một nhân tố quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành điện tử với các khoản đầu tư kỷ lục vào ngành sản xuất trong những năm gần đây”, ông C.S. Chua nói.

Nền kinh tế gần 100 triệu dân cũng sở hữu một số lợi thế có thể tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường bán dẫn, như dân số đông và trẻ, số lượng nhân công lành nghề trong ngành điện tử ngày càng nhiều. Chi phí lao động thấp và vị trí chiến lược ở Đông Nam Á góp phần tạo nên môi trường kinh doanh thân thiện của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang mở cửa cho thương mại và đầu tư nước ngoài, đồng thời điều chỉnh khuôn khổ pháp lý để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mặt khác, Việt Nam có hệ sinh thái các doanh nhân địa phương luôn sẵn sàng học hỏi và cải thiện, có kế hoạch rõ ràng cho quỹ đạo phát triển trong tương lai…

Hành động để gia nhập thị trường trị giá hàng ngàn tỉ đô la

Nhu cầu ngày càng tăng đối với sản phẩm chip bán dẫn trong nhiều ngành công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất ô tô, chăm sóc sức khỏe, trí tuệ nhân tạo, điện tử, gia dụng… đã thúc đẩy mở rộng nhanh chóng thị trường chất bán dẫn toàn cầu.

Phía trước nhà máy Intel trong khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: L.H

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỉ đô la và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỉ đô la vào năm 2030. Điều này có nghĩa, tham gia thị trường bán dẫn toàn cầu, Việt Nam sẽ có được các cơ hội tiếp cận thị trường lên đến hàng tỉ đô la.

Trong bối cảnh ngành công nghiệp bán dẫn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cạnh tranh toàn cầu, hầu hết các nước có tiềm lực công nghệ đều xây dựng chiến lược hỗ trợ, thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời tăng cường liên kết, hợp tác nhằm chi phối lĩnh vực này.

Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Với thế mạnh sẵn có này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất, thiết kế chip của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh các tập đoàn công nghệ lớn có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất linh kiện bán dẫn ở Việt Nam.

Giới phân tích cho rằng Việt Nam đang sở hữu cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và tham gia vào thị trường bán dẫn toàn cầu. Để đạt được điều này, Việt Nam phải giải quyết một số trở ngại như: thiết lập chuỗi cung ứng nội địa; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; tài trợ cho nghiên cứu và phát triển và hợp tác với các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên, đáng chú ý là cần đào tạo lực lượng lao động lành nghề, chất lượng để có thể tham gia vào ngành. Bởi lẽ theo ông Robert Li, Phó chủ tịch kinh doanh của Synopsys khu vực Đài Loan và Nam Á, thách thức lớn hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh nhân lực này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực…

Do đó, Synopsys, nhà cung cấp các công cụ thiết kế vi mạch lớn hàng đầu thế giới gần đây cũng hỗ trợ SHTP đào tạo, phát triển nguồn nhân lực về thiết kế vi mạch cho giảng viên các trường, viện; và tổ chức các khóa đào tạo cao cấp về thiết kế vi mạch.

Còn theo Marvell Việt Nam, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư sắp tới rất lớn. Do đó để đủ lực lượng nhân sự cho thiết kế chip, nhà đầu tư này đang phối hợp với các trường đại học lớn để đào tạo.

PGS. Nguyễn Văn Quy, giảng viên Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ĐH Bách khoa Hà Nội), cũng dẫn các báo cáo từ quốc tế cho thấy Việt Nam đang rất thiếu nhân lực chất lượng cao, nắm giữ các vị trí chủ chốt trong việc thiết kế, sản xuất chip, vi mạch.

Theo ông Quy, khi khảo sát nhu cầu từ hơn 30 doanh nghiệp để xây dựng chương trình ngành Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ nano, nhiều công ty lớn như Samsung hay LG chia sẻ sẵn sàng nhận vài trăm nhân sự một năm vào vị trí kỹ sư thiết kế, chế tạo, sản xuất chip và linh kiện điện tử.

Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực bán dẫn, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ cần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho ngành phát triển.

Cánh cửa đến với cuộc phát triển thiết kế, sản xuất chip toàn cầu rộng mở với Việt Nam nhưng điều quan trọng là Việt Nam cần có chiến lược và sẵn sàng nguồn lực, hạ tầng, cũng như chính sách ưu đãi tốt và cạnh tranh với các nước trong khu vực,… để có thể thu hút và giữ chân nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan