CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Sản xuất kinh doanh khôi phục và phát triển trong trạng thái bình thường mới đã khiến nhu cầu tiêu dùng điện tăng cao. Kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhiều doanh nghiệp ngành điện vì thế cũng đã có sự bứt phá ngoạn mục. Điều đó đã nhen nhóm thêm nhiều kỳ vọng mới cho nhà đầu tư muốn cập bến lâu dài ở một ngành vốn ít chịu rủi ro bởi dịch bệnh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục còn diễn biến phức tạp, trong khi suất hao nhiệt vẫn ở mức cao khiến CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP-UPCoM) xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế giảm 24,6% còn 435,86 tỷ đồng, cho dù mục tiêu doanh thu tăng 11% lên 9.121,33 tỷ đồng. Thế nhưng báo cáo tài chính quý I/2022 của QTP lại khiến nhà đầu tư "nức lòng" với tổng doanh thu đạt 2.598,17 tỷ đồng, hoàn thành 28,% kế hoạch năm và tăng gần 44,9% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của QTP đạt tới 345,9 tỷ đồng, tăng 228,6 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Như vậy dù mới đi hết 1/4 quãng đường của năm 2022, song QTP đã gần hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Ảnh minh họaCTCP Thủy điện Miền Trung (CHP - HoSE) cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế “tụt lùi”, dự kiến chỉ đạt 132 tỷ đồng, bằng 54,5% so với năm 2021, cho dù mục tiêu doanh thu tăng thêm gần 5%. Nhưng chỉ sau quý I/2022, CHP đã hoàn thành 59,1% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, trong khi doanh thu chỉ đạt 24,4% kế hoạch (666 tỷ đồng). Nguyên nhân là do Nhà máy thủy điện A Lưới đi vào hoạt động thay vì ngừng máy để kiểm tra sửa chữa đường hầm dẫn nước nên đã thúc đẩy tổng doanh thu quý I/2022 của công ty tăng mạnh hơn 343% (tương ứng tăng 162,6 tỷ đồng) so với quý I/2021.
CTCP Điện Gia Lai (GEG-HoSE) cũng có bước đột phá trong kết quả kinh doanh quý I/2022 với doanh thu đạt hơn 570,16 tỷ đồng, tăng 270 tỷ đồng (tương đương tăng gần 90%) so với cùng kỳ năm trước nhờ đưa 3 nhà máy điện gió (NMĐG) với tổng công suất gần 130 MW vào vận hành theo đúng kế hoạch để hưởng giá ưu đãi FiTl trong 20 năm từ quý IV/2021. Lợi nhuận sau thuế quý I của GEG đạt 173,7 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, so với kế hoạch ĐHCĐ giao là 345 tỷ đồng, GEG đã thực hiện được 53% kế hoạch lợi nhuận chỉ trong quý đầu năm. Được biết GEG đặt mục tiêu kinh doanh năm 2022 với doanh thu tăng 2.037 tỷ đồng, tăng 37%; trong khi lợi nhuận lại giảm 7%. Tuy nhiên, GEG còn dự kiến một kế hoạch khác, đó là khi nền kinh tế khởi sắc, điều độ công suất sẽ giảm, công ty có thể đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Cũng như GEG, việc 3 dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên vào vận hành trong quý I/2022 khiến lợi nhuận gộp của CTCP Tập đoàn PC1 (PC1-HoSE), tăng 162 tỷ đồng, tương đương tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Chiến lược chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỷ trọng năng lượng tái tạo (NLTT) gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững, cùng việc Việt Nam cam kết giảm phát thải các bon về 0%, tăng công suất điện gió, không có điện than đã và đang là cơ hội cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong ngành mở rộng đầu tư cũng như hưởng lợi từ việc theo đuổi định hướng này.
Như CHP đang nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời lòng hồ thủy điện A Lưới với công suất khoảng 105 MW; Nghiên cứu đầu tư dự án mở rộng công suất Nhà máy điện mặt trời Cư Jut với công suất khoảng 20MW. CHP cũng đặt chiến lược tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh, khai thác tối ưu hồ chứa đạt doanh thu hiệu quả với giá bán điện bình quân hàng năm cao hơn giá hợp đồng. Đây cũng là điều mà CHP đã làm được trong năm 2021, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp tăng vọt 35% so với kế hoạch, trong khi doanh thu chỉ tăng 7%.
Còn với GEG, việc vận hành các dự án điện sử dụng NLTT không chỉ mang lại nguồn thu từ việc bán điện, mà từ cuối năm 2021 doanh nghiệp bắt đầu có thêm nguồn thu từ việc bán các chứng chỉ NLTT từ các dự án đã đi vào vận hành. Tổng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chứng chỉ đến nay đạt hơn 5 tỷ đồng. Định hướng của GEG vẫn ưu tiên phát triển điện gió. Hiện đang nghiên cứu mở rộng các loại hình năng lượng khác như điện rác, điện sinh khối, điện trấu ở khu vực miền Tây.
PC1 thì cho biết doanh nghiệp hiện đang nghiên cứu các dự án đầu tư điện gió và thủy điện với tổng công suất khoảng 400 MW. Năm 2022 PC1 chưa ghi nhận doanh thu dự án mới, do các dự án điện gió và thủy điện đang trong giai đoạn khảo sát đo gió, nghiên cứu các kịch bản giá bán điện, phân tích các phương án chào giá, chuẩn bị đầu tư để có thể trình duyệt đầu tư vào năm 2023.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mong mỏi cơ chế giá điện sử dụng NLTT nhất là điện gió sớm được ban hành. Bởi hiện các doanh nghiệp có danh mục các dự án phát triển NLTT mới, nhưng vẫn đang trong thời gian chờ cơ chế giá.