CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ


Được biết, trong 3-4 năm qua, Ban IV đã theo dõi vấn đề chuyển đổi xanh rất sát sao. Theo ông, tại sao công nghiệp xanh lại trở thành “người thay đổi cuộc chơi” như vậy?
Từ năm 2022, Ban IV đã phối hợp cùng McKinsey thực hiện báo cáo đầu tiên về chuyển đổi xanh, gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đã nhận diện đây là một cuộc đua toàn cầu – một bước ngoặt chiến lược, đồng thời cũng chỉ ra một số lợi thế cạnh tranh riêng có của Việt Nam.
Tôi rất mừng là đến nay đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, khi chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đã được nhiều doanh nghiệp biết đến, lựa chọn như một hướng đi trong bối cảnh mới.
Việt Nam đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và duy trì mức tăng trên 10% từ 2026 đến 2030, nhằm vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt được Net Zero vào năm 2050. Đây là những mục tiêu khó, đầy thách thức nhưng không thể không thực hiện.
Trong lịch sử, chỉ rất ít quốc gia vượt qua được bẫy thu nhập trung bình. Các mô hình thành công như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản được hỗ trợ bởi các chính sách bảo hộ mạnh mẽ và ít chịu ràng buộc về điều kiện môi trường – điều mà Việt Nam hiện tại phải đối mặt khi các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững toàn cầu ngày càng khắt khe. Chúng ta đang ở trong tình thế “nội công” – những cải cách tự thân để chuyển đổi mô hình tăng trưởng - và “ngoại ép” - khi bối cảnh quốc tế đặt ra nhiều thách thức cho tăng trưởng của Việt Nam.

Bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tạo ra sức ép cho Việt Nam, ông có thể phân tích rõ hơn các xu hướng quốc tế hiện nay? Đặc biệt, ông có thể chia sẻ về các rào cản phi thuế quan “xanh” đang gia tăng?
Bối cảnh quốc tế hiện nay thay đổi rất nhanh chóng, có thể diễn biến theo từng ngày. Tuy nhiên, có ba xu hướng chính.
Thứ nhất, hệ thống thương mại đa phương suy yếu với cuộc chiến thuế quan của Hoa Kỳ và sự gia tăng các rào cản phi thuế quan.
Thứ hai, sự trở lại của chính sách công nghiệp với các chiến lược ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và nhiều thị trường quan trọng của Việt Nam.
Thứ ba, những thay đổi ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp với mục tiêu và cam kết Net Zero.
Như vậy, “ngoại ép” chính là áp lực từ chuyển dịch chính sách, chuỗi cung ứng, yêu cầu carbon thấp và sự thoái trào của toàn cầu hóa để chuyển sang “khu vực hóa”. Sau sự đứt gãy của chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19, kinh tế và thương mại toàn cầu đã gắn nhiều với an ninh quốc gia.
Hoa Kỳ là ví dụ điển hình. Dù là chính quyền Tổng thống Donald Trump hay bất kỳ tổng thống nào, thì phương châm “Nước Mỹ trên hết” vẫn không thay đổi, chỉ khác ở cách thể hiện. Thuế đối ứng của Hoa Kỳ hướng đến mục tiêu tăng chi phí nhập khẩu, bảo hộ ngành sản xuất trong nước; tạo lợi thế cạnh tranh với các đối tác thương mại; giảm phụ thuộc trong chuỗi cung ứng và biến thương mại thành công cụ cho các đàm phán khác. Tất cả đều nhằm duy trì vị trí của Hoa Kỳ trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Một xu hướng đáng lưu ý là sự gia tăng các rào cản phi thuế quan. Châu Âu đã ban hành hàng loạt chính sách liên quan đến chuyển đổi xanh, phát triển bền vững như Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Đạo luật Chống phá rừng EU (EUDA), và các yêu cầu nghiêm ngặt về chuỗi cung ứng bền vững. Giá tín chỉ carbon của EU dự kiến tăng từ 25 Euro năm 2021 lên 55 Euro vào năm 2026 . Điều này tạo ra những hàng rào phi thuế quan mà hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào châu Âu phải tuân thủ, làm giảm khả năng cạnh tranh.

Theo ông, với những thách thức này, Việt Nam có đủ nguồn lực để thực hiện chuyển đổi xanh không? Con số hơn 360 tỷ USD theo ước tính của WB là rất lớn, Việt Nam có thể huy động nguồn lực này từ đâu?
Mục tiêu Net Zero của Việt Nam có một từ khóa rất quan trọng, đó là chuyển đổi công bằng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Nhiều quốc gia phát triển đã đi trước, họ đã có nền tảng công nghệ và tài chính để chuyển đổi dễ dàng hơn. Thêm vào đó, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không phải là một chính sách đơn lẻ, mà là một hệ sinh thái các chính sách như công nghiệp, tài khóa, giảm phát thải… Ở khía cạnh này, chuyển động chính sách của chúng ta còn thiếu tính tổng thể, chưa theo kịp các chuyển động trong nước và quốc tế.
Liên quan đến tài chính, Việt Nam với xuất phát điểm thấp đang gặp nhiều áp lực. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040 để xây dựng khả năng chống chịu và giảm phát thải nhà kính, tương đương 6,8% GDP mỗi năm, trong đó khu vực tư nhân là 184 tỷ USD, khu vực công là 130 tỷ USD và bên ngoài là 54 tỷ USD.
Nhu cầu tài chính tăng thêm là rất lớn, trong khi chúng ta hiện vẫn thiếu các chiến lược tài chính phù hợp. Hệ thống phân loại xanh (taxonomy) – bộ tiêu chí để xác định các hoạt động kinh tế bền vững vừa mới được ban hành, có nghĩa là chúng ta vẫn chưa có một “ngôn ngữ chung” đủ mạnh để thu hút các dòng vốn xanh. Do đó, để có thể chuyển đổi, cần phát huy các nguồn hỗ trợ quốc tế, các sản phẩm của tài chính xanh và phát huy vai trò của khu vực tư nhân.

Ông có nhận xét gì về sự trở lại của chính sách công nghiệp trên thế giới, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể nào trong phát triển công nghiệp xanh?
Thông thường, chính sách công nghiệp bị phê phán là can thiệp thị trường, chọn người thắng cuộc (picking the winner), dễ gây méo mó cạnh tranh và tham nhũng. Tuy nhiên, khi Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nhiều nền kinh tế lớn đều quay lại với chính sách công nghiệp như một phần trong chiến lược an ninh quốc gia.
Hoa Kỳ ban hành các đạo luật quan trọng về hỗ trợ sản xuất và công nghệ như IRA, đạo luật bán dẫn, sử dụng các gói hỗ trợ tài chính, nhân lực và thu hút đầu tư về nước hoặc đến các đối tác chiến lược.
Trung Quốc với chương trình "Made in China 2025" đặt mục tiêu: đến năm 2025 vào nhóm trung bình các cường quốc sản xuất; năm 2035 nằm trong nhóm dẫn đầu và đến năm 2049, đúng dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sẽ trở thành cường quốc sản xuất số 1 thế giới. 13 lĩnh vực chiến lược được xác định cụ thể như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xanh, xe điện, robot... Đến nay, chỉ riêng ngành máy bay dân dụng là còn tụt hậu, các ngành còn lại đều đang vươn lên dẫn đầu toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng cần thiết kế chính sách công nghiệp hợp lý với cơ cấu các ngành phù hợp, trong đó có các ngành công nghiệp xanh. Với lợi thế về năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời, chúng ta có thể phát triển các cụm ngành công nghiệp xanh tại các địa phương có nhiều lợi thế cạnh tranh, tạo bước phát triển đột phá của địa phương, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng và giảm phát thải quốc gia. Ví dụ như Bà Rịa - Vũng Tàu (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), báo cáo của Mc Kinsey năm 2022 đã phân tích tiềm năng của các ngành và đề xuất cụm ngành công nghiệp lọc hóa dầu, năng lượng tái tạo có thể đóng góp 15 tỷ USD và tạo ra 102.000 việc làm cho kinh tế địa phương.
Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của một mô hình công nghiệp mới – nơi các chính sách về nhân lực, hạ tầng, thể chế và ưu đãi đầu tư phải được thiết kế đồng bộ. Ví dụ, muốn thu hút chuyên gia chất lượng cao trong ngành bán dẫn, cần cơ chế visa vàng, ưu đãi thuế thu nhập, cơ chế thủ tục hành chính một cửa (One Stop shop) và quy hoạch khu công nghiệp thế hệ mới có thể bao gồm cả cảng biển, trung tâm logistic…

Theo ông, Việt Nam đang ở vị trí nào trong hành trình phát triển so với các nước khác? Chúng ta có lo ngại gì về cam kết Net Zero của các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới?
Theo khung phân tích của WEF, một quốc gia phát triển qua 3 giai đoạn: (1) dựa vào tài nguyên thô và lao động giá rẻ; (2) nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; (3) dựa vào đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số.
Việt Nam đang thực hiện song song giai đoạn 2 và 3 khi tiến hành các cải cách để nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng thông qua nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết 57/NQ-TW đã mở ra một không gian mới cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Sau 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình với tốc độ tăng trưởng hàng năm thuộc nhóm quốc gia cao nhất thế giới. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng tài nguyên đã tới hạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang có xu hướng chậm lại theo giai đoạn 10 năm và nếu không có sự thay đổi mô hình, Việt Nam khó đạt được mức tăng trưởng trung bình hàng năm 7% để trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045. Những chuyển động chính sách trong nước, đặc biệt là “Bộ tứ Nghị quyết” cho thấy tầm nhìn và quyết tâm đúng đắn của lãnh đạo trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức.
Liên quan đến mục tiêu Net Zero, chúng ta nên xem mục tiêu phát triển bền vững là mục tiêu tự thân của nền kinh tế, phục vụ cho phúc lợi và hạnh phúc của người dân. Trong quá trình chuyển đổi, cần hài hòa giữa quốc tế và trong nước, giữa chính sách và thực tiễn, giữa tăng trưởng và phát triển bền vững. Để đạt được sự tối ưu trong tăng trưởng và phát triển bền vững, đòi hỏi tư duy chuyển đổi phải toàn diện, thực tế và đặt trong bối cảnh quốc tế.
Một xu hướng gần đây cho thấy nhiều tổ chức tài chính lớn như HSBC, Morgan Stanley đang âm thầm gia hạn thời hạn, hoặc tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Net Zero. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp và cả chính phủ các nước bắt đầu “nới tay” với các mục tiêu phát triển bền vững do áp lực kinh tế và bất ổn toàn cầu. Khi phải chọn giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhiều quốc gia buộc phải ưu tiên tăng trưởng.
Theo diễn biến hiện tại, rất ít quốc gia đảm bảo được lộ trình đạt Net Zero đã cam kết. Việt Nam đã thể hiện sự tiên phong trong giải quyết các vấn đề toàn cầu khi cam kết đạt được Net Zero vào năm 2050. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, sáng kiến và cả những đột phá trong tiến trình chuyển đổi nền kinh tế.

Với những lợi thế về địa lý và tài nguyên, Việt Nam có thể khai thác như thế nào? Chính phủ đã có những định hướng chính sách nào hỗ trợ phát triển công nghiệp xanh? Ông có thể đưa ra một số khuyến nghị chính sách cụ thể để thúc đẩy công nghiệp xanh?
Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi và điện mặt trời. Với hơn 3.260 km bờ biển và tốc độ gió trung bình 7m/s, chúng ta có thể phát triển điện gió, sản xuất hydrogen và hình thành các cụm ngành công nghiệp xanh ven biển.
Ba hướng phát triển chính của công nghiệp xanh gồm: xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu như thép; hình thành ngành công nghiệp mới: năng lượng tái tạo, nhiên liệu thay thế như hydrogen xanh, ammonia xanh, nhiên liệu sinh học tiên tiến; hình thành các cụm ngành công nghiệp xanh ven biển theo mô hình liên kết chuỗi giá trị. Đây là những hướng đi đột phá có thể giúp Việt Nam tăng năng suất lao động, đạt được tăng trưởng cao, đồng thời hướng đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050 theo đúng cam kết.
Thông điệp về sự “hài hòa” giữa tăng trưởng và phát triển bền vững - điều mà Diễn đàn Công nghiệp xanh đã nhấn mạnh, theo ông, là như thế nào?
Chúng ta đang theo đuổi những mục tiêu rất khó: vừa tăng trưởng cao, vừa đạt Net Zero vào năm 2050. Điều này đòi hỏi sự hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển bền vững, giữa yếu tố nội tại và quốc tế, giữa chính sách nhà nước và năng lực thực thi của doanh nghiệp, và đặc biệt là trong thiết kế hệ thống ngành công nghiệp tương lai.
Về định hướng công nghiệp xanh, chúng ta cần nhấn mạnh tính hài hòa giữa tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây không phải là sự đánh đổi, mà là sự tương hỗ. Công nghiệp xanh có thể vừa tạo ra giá trị kinh tế cao, vừa đáp ứng yêu cầu môi trường.

Với tầm nhìn 2045, ông kỳ vọng Việt Nam sẽ có những thương hiệu công nghiệp nào để tự hào?
Nếu năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao như kỳ vọng, một câu hỏi đặt ra là nước Việt Nam thu nhập cao có những sản phẩm chiến lược và thương hiệu toàn cầu nào? Giống như Hàn Quốc có Samsung hay Nhật Bản có Toyota – câu hỏi này không chỉ là sự hình dung, mà là những mục tiêu chiến lược cần được định hình từ hôm nay.
Một nền kinh tế không thể cất cánh chỉ với một chiếc cánh. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến số khó lường như hiện nay, Việt Nam cần phải gia tăng “nội lực”. Do đó, việc phát triển năng lực của các doanh nghiệp trong nước là một trụ cột quan trọng, cùng với việc xây dựng hệ sinh thái công nghiệp toàn diện.
Nghị quyết số 68/NQ-TW bên cạnh tư duy “cởi trói”, giải phóng doanh nghiệp khỏi các khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, tín dụng, còn góp phần định hình tư duy phát triển của khu vực tư nhân khi nhấn mạnh vai trò chủ lực trong tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, gắn sự phát triển doanh nghiệp tư nhân vào các bài toán quốc gia.
“Tư duy toàn cầu – Hành động thực tế” là thông điệp tôi muốn gửi đến cộng đồng doanh nghiệp. Chúng ta không đứng ngoài các chuyển động toàn cầu, mà phải xác định mình là một phần trong dòng chảy đó, thậm chí là người định hình tương lai nếu có sự chuyển đổi thông minh.

VnEconomy 21/07/2025 07:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2025 phát hành ngày 21/07/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://premium.vneconomy.vn/dat-mua/an-pham/tap-chi-kinh-te-viet-nam-so-29.html
