CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Công tác quản lý thuế sẽ có bước chuyển lớn nhờ chuyển đổi số

Invest Global 09:34 24/11/2023

(TBTCO) - Phát biểu tại hội thảo Tax & Legal Institute do KPMG tổ chức chiều 23/11 tại Hà Nội, ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, công tác quản lý thuế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những bước chuyển rất lớn nhờ sự hỗ trợ của chiến lược chuyển đổi số.

Quản lý thuế dựa trên dữ liệu lớn

Phát biểu tại sự kiện, ông Đặng Ngọc Minh đã chia sẻ về một số quan điểm, đánh giá của Chính phủ cũng như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính trong điều hành, quản lý thuế của Việt Nam.

Công tác quản lý thuế sẽ có bước chuyển lớn nhờ chuyển đổi số Ông Đặng Ngọc Minh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo.

Ông Minh cho biết, công tác quản lý thuế của Việt Nam trong thời gian tới sẽ có những bước chuyển rất lớn nhờ sự hỗ trợ của chiến lược chuyển đổi số, hướng tới đa dạng đối tượng nộp thuế, từ các doanh nghiệp (DN) đa quốc gia có các hoạt động xuyên biên giới, tới các cá thể kinh doanh hộ gia đình và mỗi cá nhân công dân người nộp thuế.

Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường kết nối dữ liệu thông tin, giao cho các cơ quan thuế ở cấp thấp có cơ sở dữ liệu đánh giá các hộ kinh doanh và rà soát lại toàn bộ hệ thống mã số thuế cá nhân. Bằng cách này, nghĩa vụ nộp thuế của mỗi cá nhân, đơn vị sẽ được đồng nhất, thuận tiện cho việc quản lý.

Ông Đặng Ngọc Minh cho biết, hiện nay cơ quan thuế đã cấp 75 triệu mã số thuế cá nhân và vẫn có tình trạng 1 cá nhân có nhiều hơn 1 mã số thuế. Cơ quan thuế đang ráo riết rà soát hệ thống để quyết toán, gộp tất cả vào 1 mã số thuế, để từ năm 2024, mỗi cá nhân có 1 mã số thuế, tiến tới mỗi một công dân có 1 mã định danh điện tử chính là mã số thuế mà không nhất thiết phải có quan hệ với cơ quan thuế.

Với điều kiện và đầu tư hạ tầng như vậy, các công tác thanh kiểm tra cũng theo hướng hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bằng hình thức điện tử, hạn chế hình thức kiểm tra tại cơ quan thuế và tập trung thu thập dữ liệu cũng như xử lý thông tin dữ liệu lớn.

“Trong cuối năm 2023 và trong năm 2024, ngành Thuế sẽ triển khai mạnh mẽ việc kiểm tra tại cơ quan thuế, hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tăng cường kết nối thông tin điện tử giữa DN và cơ quan thuế, xử lý bằng dữ liệu lớn”- đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Tại hội thảo, ông Đặng Ngọc Minh cũng chia sẻ một vấn đề hiện đang rất được DN quan tâm hiện nay là thuế tối thiểu toàn cầu. Ông cho biết, Việt Nam là một thành viên trong chương trình BEPS của OECD, đã thống nhất chương trình hành động về việc thực hiện các trụ cột của chương trình thuế tối thiểu toàn cầu.

Qua rà soát và lấy ý kiến cộng đồng DN, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội về nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu trong vòng 2 năm tới. Đối tượng áp dụng của nghị quyết này chỉ là các pháp nhân thuộc tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EUR trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.

“Như vậy, 36.500 DN FDI tại Việt Nam vẫn cơ bản áp dụng theo chính sách ưu đãi hiện tại. Dự kiến có khoảng 122 pháp nhân là DN FDI lớn tại Việt Nam là đối tượng điều chỉnh sẽ chịu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu, áp dụng từ năm tài chính 2024. Chính phủ Việt Nam và cơ quan quản lý sẽ có những điều chỉnh về mức ưu đãi thuế đối với các DN FDI trong thời gian tới”- ông Minh thông tin.

Nhiều doanh nghiệp đã sẵn sàng cho thực thi thuế tối thiểu toàn cầu

Từ góc độ đơn vị tư vấn, ông Hoàng Thùy Dương - Phó Tổng Giám đốc, Trưởng bộ phận Thuế (KPMG Việt Nam) chia sẻ phản ứng của các DN FDI tại Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu. Ông Dương cho biết, mức độ phản ứng và nắm bắt vấn đề của các DN FDI tại Việt Nam với thuế tối thiểu toàn cầu là rất khác nhau.

Công tác quản lý thuế sẽ có bước chuyển lớn nhờ chuyển đổi số Đại diện Tổng cục Thuế và các diễn giả tại phiên thảo luận

Cụ thể, với các DN FDI thuộc nhóm DN qua Việt Nam theo chiến lược “Trung Quốc +1” thì mức độ nắm bắt chưa cao, một phần do Trung Quốc hiện vẫn chưa có động thái chính thức sẽ áp dụng Trụ cột 2 của thuế tối thiểu toàn cầu như thế nào.

Trong khi đó, các DN Singapore hoặc EU đa phần đều nắm được rõ vấn đề và đã sẵn sàng cho hệ thống báo cáo để có thể kê khai và nộp các tờ khai bổ sung khi Việt Nam áp dụng.

Ông Dương cho biết, điểm quan tâm chung của các DN là DN muốn biết trong quá trình triển khai thực hiện sẽ có sự lệch pha một chút giữa các quốc gia. Vì vậy, DN rất quan tâm trong quá trình triển khai, quy định, hướng dẫn áp dụng của Việt Nam có sự khác biệt nào hay không.

Bên cạnh đó, một câu hỏi chung mà các DN cũng đặt ra là trong những lĩnh vực ưu đãi của Việt Nam, liệu có những chương trình hỗ trợ hoặc đền bù nếu trường hợp ưu đãi không áp dụng theo nội luật nữa hay không.

Chia sẻ thêm xung quanh vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hường- Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Bộ phận Giải quyết tranh chấp & bất đồng về thuế (KPMG Việt Nam) cho biết, song song với việc đề xuất lên Quốc hội về nghị quyết thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ưu đãi về đầu tư bổ sung mới cho các DN thuộc các lĩnh vực ngành trọng điểm mà Việt Nam đang đặc biệt thu hút đầu tư, như ngành công nghệ cao, sản xuất chíp bán dẫn, trung tâm nghiên cứu phát triển…

“Đây là động thái cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng nghiên cứu và đưa ra chính sách. Tuy nhiên, để đưa ra một chính sách mới về ưu đãi đầu tư mới bổ sung là một vấn đề phức tạp đặt ra đối với các bộ ngành và Chính phủ, ví dụ về đối tượng áp dụng, loại hỗ trợ, mức hỗ trợ... Việt Nam đang nghiên cứu chính sách nhưng có rất nhiều vấn đề mà các bộ ngành không phải ngay tại thời điểm này có ngay chính sách đó”- bà Hường nhận định.

Ngoài những vấn đề về thuế, tại phiên thảo luận về định hướng cải cách thuế và tương lai của chuỗi cung ứng, các chuyên gia KPMG đã chia sẻ nhiều điểm đáng lưu ý trong công tác thanh tra hải quan và giá giao dịch liên kết cùng những phần cập nhật về các quy định mới nhất về chuyển đổi đối với doanh nghiệp chế xuất.

Một vấn đề được DN quan tâm nhất năm nay là dự định bãi bỏ một số quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ. Về vấn đề này, ông Huỳnh Nhân- Trưởng bộ phận Thuế quốc tế tổng hợp (KPMG Việt Nam) cho biết: “Các doanh nghiệp nên chủ động rà soát, đánh giá và tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng nếu cần thiết đối với các hoạt động sản xuất và giao nhận hàng hóa tại Việt Nam, nhằm tuân thủ các thay đổi này một cách hiệu quả nhất về chi phí, tối ưu hóa về thuế và hải quan cũng như tối thiểu hóa rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng khi đề xuất bãi bỏ được phê duyệt".

Tax & Legal Institute là sự kiện thường niên do KPMG Việt Nam tổ chức, nhằm kết nối lãnh đạo doanh nghiệp với các nhà làm chính sách và đơn vị tư vấn, mang tới những cuộc đối thoại mở về hệ thống luật thuế, hải quan. Nội dung chương trình năm nay xoay quanh những vấn đề mới nhất mà phần lớn DN đang băn khoăn như thuế tối thiểu toàn cầu, các chính sách ưu đãi thuế, hoàn thuế và định hướng hoạt động thanh, kiểm tra trong thời gian sắp tới.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan