CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Cú hích đến từ ChatGPT

Invest Global 14:30 27/02/2023

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Mới đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chiến lược trí tuệ nhân tạo ứng dụng. Đây được coi là những "đòn bẩy" hiệu quả đưa AI góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

ChatGPT được các chuyên gia công nghệ đánh giá là có khả năng tạo ra câu trả lời tự nhiên cho các câu hỏi về nhiều lĩnh vực khác nhau. Về những câu trả lời, ngoại trừ liên quan đến công nghệ, phải thừa nhận ChatGPT là một bước tiến quan trọng trong việc phát triển công nghệ trợ giúp tìm kiếm thông tin, giải đáp các câu hỏi nhanh, chính xác.

Nếu như chatbot (phần mềm, ứng dụng để tương tác với con người tự động) có thể dễ dàng bị nhận ra trong quá trình nói chuyện vì ngôn ngữ máy, câu chữ ngô nghê; thì ChatGPT làm rất xuất sắc trong các câu trả lời biểu cảm và cho cảm giác đang trò chuyện với con người. Đây là điều khác biệt cơ bản giữa ChatGPT với nhiều sản phẩm chatbot hiện nay...

Theo chuyên gia bảo mật Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty NCS, với những câu hỏi về kiến thức phổ thông, ChatGPT có thể thay thế được con người trong việc giải đáp. Do vậy, lĩnh vực liên quan đến tổng đài trả lời, giải đáp, tư vấn có lẽ là lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng từ làn sóng ChatGPT và các công cụ sử dụng AI.

Cùng quan điểm, Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) Nguyễn Mạnh Quý nhận định, trước khi ChatGPT ra đời, các chatbot trên thị trường được phát triển trong phạm vi hẹp. Ví dụ một con chatbot chăm sóc khách hàng chỉ có thể trả lời các nội dung hẹp liên quan đến công việc của mình. Từ "cú hích" này, các công ty AI của Việt Nam nên tham gia vào một số lĩnh vực hẹp của trí tuệ nhân tạo như thị giác máy tính, camera thông minh; chatbot, gợi ý sản phẩm trong thương mại điện tử hoặc những bài toán liên quan tới việc tạo ra nội dung.

Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam Nguyễn Thế Hùng cho rằng, có thể ứng dụng ChatGPT thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong việc phát triển phần mềm. ChatGPT chưa thể thay thế được lập trình viên, nhưng nó hỗ trợ viết code nhanh hơn, thậm chí là giúp mọi người học lập trình. Với cách tiếp cận đó, công ty cần thay đổi đề thi tuyển dụng hoặc giám sát quá trình làm của ứng viên vì các câu hỏi giải thuật hiện ChatGPT có thể xử lý dễ dàng...

Trao đổi với báo chí về việc phát triển ChatGPT vào phục vụ cộng đồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, tận dụng ChatGPT có thể giúp ích trong thay đổi cách học, thi. Thực tế khi chưa có ChatGPT, các em học sinh lên mạng tìm kiếm bài tập về nhà, dù nhà trường cấm hoặc không khuyến khích. Nhưng nay, sau khi ChatGPT ra đời, sự thay đổi nên là, giáo viên phải tìm trên Google trước, để điều chỉnh bài thi của mình. Hoặc, giáo viên phải kiểm tra trước xem ChatGPT thực thi theo kiểu nào để biết trước và sáng tạo bài tập mới.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình thì nhìn nhận, ChatGPT tạo những sự thay đổi đột phá trong nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực. "Mặc dù chúng ta không tạo ra được nhiều công nghệ lõi quan trọng, nhưng lại là nơi sử dụng, ứng dụng rất nhanh. Vì thế, rất có thể trong năm nay chúng ta sẽ được thấy nhiều ứng dụng có tính chất "thay đổi cuộc chơi" tại Việt Nam", ông Vũ Thế Bình tin tưởng.

Mới đây, tại cuộc gặp gỡ đầu xuân Quý Mão 2023 với giới công nghệ thông tin - truyền thông cả nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị, từ "cú hích" ChatGPT, doanh nghiệp công nghệ số có thể dùng AI để tạo ra trợ lý ảo chuyên sâu cho từng lĩnh vực chuyên môn. Vì khi dữ liệu phải xử lý chỉ bằng một phần triệu so với ChatGPT thì trợ lý ảo sẽ xuất sắc, đạt đến mức chuyên gia. Đây sẽ thị trường rất phong phú và không hề nhỏ cho doanh nghiệp thử sức…

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan