CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Từ gần 10 năm nay, xu hướng may mặc mới của thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển châu Âu, châu Mỹ, khách hàng rất quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm cũng như quy trình sản xuất đầu - cuối có đạt các tiêu chuẩn xanh hay không. Ở Việt Nam, xu hướng chuyển đổi này càng rõ hơn trong và sau đại dịch Covid-19, khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra vô vàn cơ hội cho sản phẩm nội địa được hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp kịp thích ứng và có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt cơ hội.
ÁP LỰC TRUY XUẤT NGUỒN GỐC NGUYÊN PHỤ LIỆUTại Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc nguyên liệu dệt may trước tác động của tình hình địa chính trị mới” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI) tổ chức ở TP.HCM mới đây, các chuyên gia nhận định doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành.
“Đặc biệt, khi doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi khi xuất nhập khẩu ở những thị trường mà Việt Nam có ký kết và tham gia Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thì phải sử dụng nguyên phụ liệu đảm bảo yêu cầu của nước sở tại nhập khẩu hàng hóa”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nói.
Ông Cẩm cũng lưu ý thêm: “Tới đây, nhiều FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu”.
Xác nhận điều này, bà Vũ Kim Thanh, đại diện Công ty Fashion Garments 2 (tỉnh Đồng Nai), thừa nhận rằng doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc khi các thông tin về mặt hàng vải còn chưa rõ ràng, tìm kiếm thông tin nguyên phụ liệu từ doanh nghiệp cung cấp còn chưa đầy đủ. Mặt khác, hoạt động truy xuất nguồn gốc nguyên liệu còn khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra tăng 10%, khó cạnh tranh với thị trường. Các thủ tục truy xuất cũng còn chiếm nhiều thời gian của doanh nghiệp Việt và khách hàng nước ngoài.
Xu hướng may mặc mới của thế giới là khách hàng quan tâm tới tính bền vững của sản phẩm cũng như quy trình sản xuất đầu - cuối đạt các tiêu chuẩn xanh.Ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng từ thực tiễn đứt gãy chuỗi cung ứng của ngành dệt may trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, doanh nghiệp nhận thấy làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững.
“Chúng tôi đã có chiến lược để phát triển chuỗi cung ứng nội địa trong hệ thống tập đoàn, từ sợi, dệt, nhuộm, may và hướng đến trở thành một nhà cung cấp trọn gói, một điểm đến cho các doanh nghiệp là khách hàng lớn. Dự kiến là chúng tôi tập trung từ giờ cho đến năm 2025 sẽ phát triển một chuỗi dệt kim hoàn chỉnh”, ông Vương Đức Anh cho biết.
Là doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong việc trồng cây gai xanh và sản xuất sợi gai tại Việt Nam, ông Tô Đức Minh, Phó giám đốc kinh doanh Tập đoàn An Phước, cho hay: vừa qua Tập đoàn đã đầu tư nhà máy đầu tiên ở Việt Nam có công nghệ sản xuất tự động hóa theo dây chuyền hiện đại nhập khẩu sản xuất sợi gai với quy mô 1.000 tỷ đồng. Hiện nhà máy đã đi vào sản xuất ổn định và đã sản xuất được sợi có chỉ số khác nhau theo nhu cầu thị trường. Nhà máy cũng đã và đang tối ưu định mức chi phí, tiêu hao trong sản xuất.
Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean, nhận định: “Doanh nghiệp hiện chỉ có cách tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ; nghiên cứu kỹ tiêu chuẩn của nhãn hàng, nhu cầu thị trường. Ngoài ra, cần đa dạng nguồn cung cấp nguyên liệu; tăng cường kết nối, sáng tạo giữa các doanh nghiệp trong nước để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu trong nước để tăng tính chủ động, giảm lệ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc”.
Cũng theo ông Việt, hiện nay, chúng ta có sẵn hệ thống tham tán thương mại ở các nước, hy vọng cơ quan này giúp doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra và nguồn nguyên liệu uy tín, hiệu quả hơn.
LỢI THẾ KHI THAM GIA SỚM CÁC QUY TRÌNH CHUẨN QUỐC TẾTại tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ngành dệt may trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức ngày 16/8 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết với việc tham gia các FTA, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam.
Đây cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước. Vì vậy, ngành dệt may cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học - công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may... nhằm hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.
Riêng đối với doanh nghiệp ngành dệt may làm hàng FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán), ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc), các chuyên gia trong ngành khuyến cáo phải nghiên cứu kỹ những quy định về truy xuất nguồn gốc của Việt Nam và nước nhập khẩu. Doanh nghiệp nên yêu cầu nhà cung cấp nguyên phụ liệu những tài liệu liên quan đến truy xuất nguồn gốc, cũng như theo dõi và tìm hiểu hiểu kỹ thông tin liên quan đến công ty nằm trong doanh sách cảnh báo của nước nhập khẩu.
Nhiều thị trường quốc tế đang lựa chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất xanh và sử dụng nguyên phụ liệu dệt may bền vững.Câu chuyện thực tế cho thấy: xu hướng lựa chọn hàng tái chế, sản phẩm xanh, đầu vào, đầu ra đúng quy định và sử dụng nguyên liệu bền vững ngày càng tăng nên khách hàng dễ chấp nhận giá thành cao hơn. Đây cũng là một lợi thế khi doanh nghiệp tham gia sớm các quy trình chuẩn quốc tế. Bà Đặng Hồng Thùy, đại diện Công ty TNHH Sung IL Việt Nam, cho biết nhiều khách hàng đã tin tưởng thông qua việc truy xuất nguồn gốc, nên đơn hàng của doanh nghiệp đã tăng 30-40% trong năm nay, dù giá thành sản phẩm cao hơn thị trường.
Cùng quan điểm, bà Phùng Thị Minh Hằng, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, cho rằng trong bối cảnh đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi, thực hiện tốt quy định truy xuất hàng hóa, bởi nhiều thị trường quốc tế đang lựa chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất xanh và sử dụng nguyên phụ liệu dệt may bền vững. “Nhờ tham gia tốt hoạt động truy xuất nguồn gốc, so với năm 2020, đơn hàng xuất khẩu của TNG tăng 103% trong năm 2021 và tăng 218% trong nửa đầu năm 2022”, đại diện TNG cho biết.
Theo thống kê, ngành dệt may không chỉ xuất khẩu lớn mà còn xuất siêu cũng khá lớn, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế. Thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, vươn lên vị trí thứ hai thế giới và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2022 xuất khẩu dệt may đạt khoảng 22 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ.