CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thị trường chuỗi cà phê Việt Nam dự tính sẽ bước đến điểm bão hòa trong 3-5 năm tới. Cuộc đua vào top dẫn đầu cũng sẽ quyết liệt hơn.
Không chỉ The Coffee House, mà toàn bộ ngành F&B đều phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Cuộc đua vào top dẫn đầu
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, đầu tháng 8/2021, doanh nhân trẻ Lê Bá Nam Anh sẽ trở thành Giám đốc điều hành chính thức của Công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Trà Cà phê Việt Nam (đơn vị vận hành chuỗi The Coffee House).
Thực tế, trong nội bộ, ông Nam Anh đã đảm nhận vai trò trên và là Giám đốc tài chínhkiêm phụ trách chiến lược, pháp lý tại Seedcom (đơn vị sở hữu, vận hành Trà Cà phê Việt Nam) từ tháng 4/2019 đến nay.
Trên trang Linkedin, ông đã cập nhật công việc mới nhất của mình là CEO The Coffee House từ tháng 7/2021 và đặt ra sứ mệnh sẽ “mang một tách cà phê Việt Nam đến mỗi người trên trái đất”.
Vị CEO này cũng là tác giả của hàng loạt giải pháp được áp dụng vào The Coffee House trong thời gian qua, thể hiện cách mà hệ thống này đang chuyển mình. Ví như cho phép nhân viên nội bộ kiêm thêm công việc giao hàng để có thêm thu nhập khi cửa hàng không có nhiều khách.
Ngoài ra, ông Nam Anh còn đưa ra sản phẩm dịch vụ theo gói (subscription) bằng cách phục vụ cà phê cho khách hàng theo thói quen 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, nửa tháng và 1 tháng.
Không chỉ The Coffee House, mà toàn bộ ngành F&B đều phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP.HCM.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch Seedcom xác định, Covid-19 không ngày một ngày hai biến mất, mà có thể trở lại nhiều lần với các biến chủng mới và diễn biến phức tạp hơn.
“The Coffee House, với hệ thống cửa hàng ở nhiều địa phương, luôn đặt mình trong cảnh sống chung với dịch, ít nhất đến giữa năm 2022”, ông Huân nói và cho biết, trong đợt dịch lần thứ tư này, xấp xỉ 2/3 trong số 178 cửa hàng của chuỗi buộc phải đóng cửa, đồng nghĩa với việc giảm doanh thu.
Ba yếu tố quyết định thành công
Đầu tháng 6 năm nay, Tập đoàn Kido công bố chiến lược gia nhập vào thị trường trà, cà phê Việt Nam qua mô hình chuỗi cửa hàng, ki-ốt, xe đẩy… và đặt kỳ vọng có 1.000 cửa hàng đến năm 2025 trên cả nước, trong đó có phát triển theo hình thức nhượng quyền. Như vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường chuỗi cà phê Việt Nam sẽ càng gay gắt hơn, bởi Kido đang có nhiều lợi thế cả về vốn lẫn nguồn nguyên liệu, logistics.
Phân tích về thị trường và mục tiêu The Coffee House hướng đến, ông Đinh Anh Huân cho rằng, Việt Nam là đất nước có văn hóa uống cà phê, nhu cầu sử dụng cà phê trên mỗi người dân ngày một tăng. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam với dân số trẻ, những người được sinh ra từ năm 1990 đến 2010 đang trở thành một tập khách hàng lớn, luôn muốn thử những cái mới, khác biệt mở ra những tiềm năng cho một thị trường F&B đa dạng và lớn.
“Việc các thương hiệu nước ngoài hoặc các nhà đầu tư Việt Nam muốn vào một thị trường như thế là đương nhiên. Vấn đề còn lại là làm sao phục vụ được gu uống cà phê hoặc gu thưởng thức nói chung của những người sành cà phê và luôn sẵn sàng đón nhận thử món mới”, ông Huân nói.
Quan sát ở những quốc gia có thị trường cà phê đã phát triển bão hòa, định hình rõ những mô hình và thương hiệu cà phê dẫn đầu như Nhật Bản, Mỹ, Anh, Hàn Quốc..., ông Huân nhận thấy thị trường cùng tồn tại từ 2 đến 3 thương hiệu lớn. Tại Việt Nam, theo nhận định của ông Huân, thì từ 3 đến 5 năm nữa thị trường chuỗi cà phê sẽ phát triển đến điểm bão hòa, tức sẽ có từ 2 đến 3 thương hiệu chuỗi cà phê lớn.
“Tại The Coffee House, Seedcom đang đầu tư và nỗ lực thay đổi, chuyển mình để không bị đào thải. Từ đó, The Coffee House có thể là thương hiệu nằm trong top đầu thị trường”, Chủ tịch Seedcom kỳ vọng.
Thách thức của các doanh nghiệp tham gia thị trường, bất kể là doanh nghiệp triệu đô hay một chủ chuỗi cửa hàng cà phê chỉ 2-3 cửa hàng đều giống nhau. Seedcom nhận thấy các yếu tố quyết định thành công trong cuộc đua chinh phục người dùng sẽ xoay quanh 3 yếu tố và The Coffee House phải chú tâm vào điều này.
Thứ nhất, là sản phẩm tốt. Nghĩa là làm sao để tạo ra được những sản phẩm cà phê ngon theo đúng gu cà phê của người Việt.
Thứ hai, là hiểu khách hàng đúng và nhanh, bởi khách hàng có rất nhiều lựa chọn và xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh.
Thứ ba, là trải nghiệm khách hàng đồng nhất trên quy mô lớn.
“Phục vụ hàng triệu khách hàng trên khắp mọi miền đất nước ở hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng thì thách thức nằm ở việc làm sao có thể nâng tầm đội ngũ quản trị, ứng dụng công nghệ để từ đó có thể tạo ra trải nghiệm khách hàng xuyên suốt trên toàn chuỗi”, ông Đinh Anh Huân nhấn mạnh.
THEO BÁO ĐẦU TƯ