Đại biểu Quốc hội: Cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp hậu COVID-19
THY HẰNG |
ENTERNEWS.VN Cho biết tình trạng doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng xin thủ tục đầu tư, Đại biểu đề nghị lưu ý có những ưu đãi hỗ trợ với DNNVV để thực sự có được sự công bằng.
Ngày 15/6, theo chương trình làm việc của Quốc hội, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường và nghe thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng tới thời điểm này, cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá, cùng với việc kiểm soát tốt dịch, chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện mục tiêu kép là tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế.
Doanh nghiệp chạy lòng vòng 3-4 năm vì thủ tục đầu tư
Theo Đại biểu, tới thời điểm này, cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, chúng ta cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.
“Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó, với những sự ưu ái đó thì đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài”, Đại biểu Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh.
Cụ thể, Đại biểu chỉ ra, các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, thậm chí đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp từ quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.
Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí.
“Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế”, Đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.
Bố trí đủ vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội
Đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị với Chính phủ, khi xây dựng, ban hành những cơ chế, chính sách tín dụng xã hội, cần tính toán bố trí đủ nguồn lực, nguồn vốn cho ngân hàng Chính sách xã hội nhằm kịp thời triển khai thực hiện, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của chương trình. Đồng thời, xem xét mở rộng đối tượng thụ hưởng của các chương trình cho vay như học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng là hộ có mức sống trung bình, xem xét có chính sách ưu đãi tín dụng cho những người có thu nhập thấp đang được vay vốn để phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng thu nhập để ổn định cuộc sống, cho phép tiếp tục cho vay đối với hộ mới thoát nghèo khi hết thời gian quy định là 31/12/2020.
Cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa 5 năm.
Đồng quan điểm cần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp sau đại dịch, Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng: "Cần kịp thời thực hiện tăng cường củng cố nguồn lực nhằm vượt qua thử thách khó khăn trong năm 2020 tạo sự vững chắc, chuẩn bị bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo để phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu".
Mặt khác, cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh kịp thời quy trình kế hoạch xuất nhập khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam để phù hợp với tình hình diễn biến bất thường, thiên tai dịch bệnh. Cần hết sức tránh những vấn đề lúng túng, bị động như điều chỉnh xuất khẩu gạo trong đêm khuya, giảm giá thì kêu trên tivi như trong thời gian vừa qua.
Nhanh chóng ổn định và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ổn định thị trường trong nước với hơn 96 triệu người dân góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lời giải lâu dài cho bài toán nông sản lặp đi lặp lại trong thời gian vừa qua.
Nguồn: Báo Điễn đàn Doanh nghiệp.