CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Việc Vimedimex tích cực tìm kiếm vaccine COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đang mang tới động lực đáng kể cho giá cổ phiếu VMD của công ty này trên sàn chứng khoán.
Diễn biến cổ phiếu VMD trong 3 tháng gần đây
Tham vọng vaccine Covid-19
Cổ phiếu VMD của CTCP Y dược phẩm Vimedimex vừa trải qua chuỗi tăng điểm "điên rồ" nhất trong lịch sử doanh nghiệp này, khi tăng trần 10 phiên liên tiếp trên sàn HOSE, đẩy giá cổ phiếu gần gấp đôi, từ 25.350 đồng/CP lên 48.150 đồng/CP chốt phiên 20/8.
Cổ phiếu VMD tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp này được chấp thuận nhập khẩu vaccine COVID-19 và thời gian gần đây rất tích cực tìm kiếm đối tác cung cấp để nhập khẩu về Việt Nam.
Mới đây nhất, vào ngày 20/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, cho biết đã nhận được đề nghị của Vimedimex về việc thẩm định nhanh hồ sơ đăng ký khẩn cấp vaccine COVID-19 Hayat-Vax (sản xuất ở UAE). Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Y tế kiểm tra để hướng dẫn và thực hiện nhất quán việc quản lý Nhà nước, bao gồm kiểm tra chất lượng, cấp phép, bảo quản và tổ chức tiêm miễn phí theo quy định.
Vimedimex rút khỏi VietABank, nhưng...
Vimedimex cũng trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners (UAE). Thông qua thỏa thuận nguyên tắc, Group 42 ủy quyền cho Vimedimex là đơn vị nhập khẩu, phân phối tại thị trường Việt Nam và là cơ sở đề nghị, đứng tên nộp hồ sơ đề nghị Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin COVID-19 Hayat-Vax, được sản xuất tại UAE.
Theo Vimedimex, Royal Strategics Partners cũng đã đồng ý bán và ký hợp đồng nhập khẩu với Vimedimex 10 triệu liều vaccine COVID-19 Janssen; 5 triệu liều vaccine COVID-19 Pfizer; 10 triệu liều vaccine COVID-19 Sputnik V. Hiện nay, các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp vào Bộ y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được Bộ y tế phê duyệt, cấp phép.
Trước đó, ngày 7/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý đề nghị hỗ trợ Vimedimex mua vaccine Sputnik V của Tập đoàn Royal Strategic Partner. Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý và có văn bản hỗ trợ theo nguyên tắc chung.
Việc tích cực, thậm chí có phần sốt sắng tìm kiếm vaccine COVID-19 của Vimedimex thể hiện qua diễn biến vào tháng 2/2021, Vimedimex đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Y tế, cho biết công ty này đã liên hệ với Tập đoàn SB Capital Management và Tập đoàn Moderna (Mỹ), thống nhất những nội dung liên quan đến việc nhập khẩu 50 triệu liều vaccine COVID-19 về Việt Nam.
Trong văn bản, Vimedimex đề cập tới Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại SB Vina với vai trò là bên bán, được Moderna ủy quyền phân phối vaccine của hãng này tại Việt Nam.
SB Vina là công ty mới được thành lập vào tháng 3/2020 đăng ký ngành nghề chính là vận tải hành khách hàng không với vốn điều lệ 136,8 tỷ đồng, trong đó, ông Nguyễn Văn Anh (SN 1982) nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu chi phối 95%.
Dù vậy, quyết định lựa chọn SB Vina làm đối tác của Vimedimex được cho là có phần vội vàng khi chỉ một tháng đề xuất lên Bộ Y tế, ông Nguyễn Văn Anh vào đầu tháng 3/2021 đã bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hoá truy nã với tội danh "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người".
Trước đó, ông Nguyễn Văn Anh được xem là lãnh đạo cấp cao nhất, là thành viên sáng lập của các công ty Goldgame, New Life và Bigbuy 24h - những pháp nhân từng bị truyền thông nhiều lần phản ánh có dấu hiệu núp bóng kinh doanh, huy động vốn trái pháp luật, lừa đảo khách hàng và người tham gia.
Trở lại với Vimedimex, ngày 1/4/2021, công ty này cho biết đã làm việc với đại diện của Công ty Moderna và Công ty SB Capital đi đến thống nhất năm 2021, các đối tác này sẽ bán cho Vimedimex 20 triệu liều vaccine COVID-19.
Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại tổng cộng số vaccine COVID-19 mà Vimedimex đã thoả thuận đưa về Việt Nam lên tới 45 triệu liều, chưa kể vaccine Hayat-Vax.
Tiềm lực của Vimedimex
Vimedimex là nhà nhập khẩu, phân phối dược phẩm hàng đầu cả nước, cùng với các đối thủ Zuelig Pharma Vietnam, Sang Pharma hay Phytopharma. 4 doanh nghiệp này đều đặn thu về doanh thu khoảng 3 tỷ USD mỗi năm trong các năm qua.
Tuy nhiên trong vài năm trở lại, Vimedimex bắt đầu chú trọng hơn vào khâu sản xuất thuốc, với việc hợp tác với CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 (cổ đông lớn nhất, sở hữu 45% vốn Vimedimex). Những viên thuốc đầu tiên được sản xuất tại nhà máy Vimedimex 2 tại xưởng sản xuất Nonbetalactam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, được Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp phép lưu hành từ tháng 8/2020.
Vimedimex hiện đang trong quá trình đầu tư xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-EU, với tổng mức đầu tư 1.670 tỷ đồng, gồm xưởng sản xuất Nonbetalactam, xưởng sản xuất Cephalosporin, xưởng sản xuất thuốc ung thư.
Cùng với đó, doanh nghiệp này cho biết sẽ tiếp tục hợp tác với các hãng dược lớn trên thế giới để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc.
Dù vậy, báo cáo tài chính thể hiện phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Vimedimex hiện vẫn đến từ mảng phân phối. Trong đó, riêng công ty con Công ty TNHH MTV Vimedimex Bình Dương đã chiếm đến 96% trong tổng số 7.937 tỷ đồng doanh thu bán hàng của Vimedimex trong nửa đầu năm 2021. Lợi nhuận trước và sau thuế nửa đầu năm nay lần lượt đạt 26 tỷ đồng và 19,2 tỷ đồng.
Năm 2021, Vimedimex đặt kế hoạch tổng doanh thu 18.442,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 50,33 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, Vimedimex đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 51,6% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tại ngày 30/6/2021, vốn điều lệ của công ty là 154,4 tỷ đồng, trong đó CTCP Dược phẩm Vimedimex 2 nắm giữ nhiều nhất với 45,34% vốn. Hiện, Chủ tịch HĐQT Vimedimex – bà Nguyễn Thị Loan cũng đang đồng thời đảm nhiệm Chủ tịch tại CTCP Dược phẩm Vimedimex 2.
Cộng thêm 7,4% vốn cổ phần con trai bà Loan là Lê Xuân Tùng đang sở hữu, như vậy, nhóm của bà Nguyễn Thị Loan nắm giữ 52,7% vốn cổ phần của Vimedimex, ít nhất là trên giấy tờ.
Lưu ý rằng, Vimedimex chỉ là một mảnh ghép trong hệ sinh thái đa ngành trong các lĩnh vực dược phẩm, tài chính, bất động sản của nữ doanh nhân gốc Hoà Bình này.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ