CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đằng sau động thái thoái vốn của các cổ đông HHV

Invest Global 14:25 30/08/2021

Nhàđầutư: Thời gian qua, các cổ đông lớn của CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV-UpCoM) liên tục thoái vốn. Một số chuyên gia kinh tế phân tích động thái trên liên quan đến chiến lược dài hạn của chủ sở hữu cũng như của chính doanh nghiệp. 

Đèo Cả ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm đạt hơn 973 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ

CTCP Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc, người có liên quan đến Trưởng Ban kiểm soát CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV-UpCoM) mới đây nhất đã đăng ký bán 25.000.000 CP HHV.

Theo đó, giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 24/8 đến ngày 22/9/2021 nhằm huy động vốn phục vụ cho hoạt động đầu tư các dự án hạ tầng theo phương thức PPP.

Trước đó, từ ngày 14/7 đến ngày 27/7/2021, Hạ tầng Miền Bắc đã bán 50 triệu cổ phiếu HHV, theo đó, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 88,23 triệu cổ phiếu, chiếm 33% giảm còn hơn 38,23 triệu cổ phiếu HHV, chiếm 14,3% vốn điều lệ tại HHV.

Vào tháng 6 vừa qua, Công ty CP BOT Hưng Phát cũng báo cáo đã bán ra toàn bộ 16,4 triệu cổ phiếu HHV.

Công ty CP Đầu tư Hải Thạch BOT cũng đã có thông báo đăng ký bán bớt 25 triệu cổ phiếu HHV trong tổng số gần 131,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 49,29%) đang sở hữu.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, HHV ghi nhận doanh thu đạt hơn 973 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ (549 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt gần 138 tỷ đồng, tăng 423,11% so với cùng kỳ (26,34 tỷ) và hoàn thành 64% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt hơn 123 tỷ đồng – cùng kỳ đạt 22,73 tỷ đồng.

HHV cho biết, lợi nhuận sau thuế tăng 423,11% so với cùng kỳ nguyên nhân là doanh thu tăng 44,4% so với cùng kỳ trong đó chủ yếu tăng nhờ doanh thu vận hành các trạm phí, tăng 189 tỷ, tăng 26,26%; hoạt động xây lắp tăng 61,58 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ.

Cắt nghĩa động thái nói trên, TS. Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt PostBank, chuyên gia chứng khoán cho rằng trước tình hình dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng xấu đến nhiều doanh nghiệp, việc một công ty có lợi nhuận lớn nhưng các cổ đông lại thoái vốn liên quan đến chiến lược dài hạn của chủ sở hữu cũng như của chính doanh nghiệp.

Đơn giản thoái không phải để bảo toàn vốn mà là thực hiện chiến lược mới, là kết nối nguồn lực để thu hút cổ đông chiến lược và cổ đông phổ thông nhỏ lẻ, tạo hệ sinh thái mới, phong phú cơ cấu cổ đông, chính là bí quyết kinh doanh của các công ty đại chúng.

TS. Nguyễn Đức Hưởng phân tích, cổ đông đăng ký thoái vốn thời gian vừa qua là công ty Cổ phần đầu tư Hải Thạch BOT, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng miền Bắc đều là các công ty con mà Tập đoàn Đèo Cả sở hữu nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, cổ đông khác trong ngoài nước cùng tham gia đầu tư vào HHV. Đây là lộ trình huy động vốn thông thường, thông qua các hình thức như tăng vốn điều lệ, phát hành trái phiếu… tạo ra hệ sinh thái của nhiều hộp, nhiều ngăn tài chính. Một chiến lược rất phù hợp đặt trong bối cảnh các nguồn tín dụng cho đầu tư theo hình thức PPP rất khó khăn và lãi suất cao để đồng hành cùng Tập đoàn Đèo cả (DCG) thì HHV phải chuẩn bị tiềm lực tài chính là điều đương nhiên.

Thông qua việc thoái vốn, dường như Tập đoàn Đèo Cả đã rất chủ động, sẵn sàng nguồn lực với tư cách là cổ đông chi phối đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng mà HHV là nhà đầu tư tài chính chủ lực.

Với việc cổ phiếu HHV đang hoàn thiện các thủ tục để niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE), TS. Nguyễn Đức Hưởng đánh giá, việc niêm yết chứng khoán với bất cứ công ty nào trên sàn HoSE, trước hết thể hiện sự minh bạch, chấp nhận sự giám sát công khai của các cơ chế quản lý và đặc biệt là mạnh dạn “mời chào” đông đảo các cổ đông vào giám sát chi tiết các hoạt động của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, uy tín thì việc niêm yết trên sàn Hose chính là  thực hiện chiến lược tài chính tầm cỡ, chiến lược PR “tiếng lành đồn xa” lan tỏa nhanh nhất, hiệu quả nhất!

"Doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực quản lý của mình theo tiêu chuẩn một công ty niêm yết, tối ưu hóa cơ cấu quản trị, cải tiến cơ chế kiểm soát đảm bảo vững chắc cho chiến lược phát triển dài hạn", TS. Nguyễn Đức Hưởng nói.

Theo ông, khi niêm yết cổ phiếu, doanh nghiệp sẽ có các cơ hội lựa chọn các kênh bổ sung vốn rẻ liên tục và ổn định, quy mô lớn… giải quyết chủ yếu bài toán tắc nghẽn vốn tạm thời trong phát triển kinh doanh, không phụ thuộc vào kênh vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời tiếp tục cải thiện được uy tín thương hiệu, giảm chi phí tài chính trong việc thông qua việc phát hành trái phiếu, thuận lợi hơn cho việc tăng vốn điều lệ trong chiến lược đầu tư của doanh nghiệp.

Việc HHV niêm yết trên HoSE sẽ thu hút thêm sự quan tâm đặc biệt của các cổ đông chiến lược, các quỹ đầu tư cũng như các cổ đông phổ thông khác để có nguồn lực tài chính thông qua các kênh huy động vốn hiệu quả, là cách tạo nền tảng vững chắc để hiện thực hóa chiến lược của kinh doanh theo cách mà các tập đoàn quốc tế đã thực hiện thành công.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan