CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư FDI để 'rửa xuất xứ' và cuộc chiến của ngành nhôm Việt Nam

Invest Global 14:36 09/05/2023

(KTSG Online)- Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng và các bộ ngành, UBND tỉnh Hải Dương, đề nghị có biện pháp ngăn chặn đối với các dự án đăng ký có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tìm cách đặt cứ điểm sản xuất tại Việt Nam, sau khi bị Việt Nam áp thuế chống bán phá giá mức cao.

Việt Nam áp thuế lên tới 35,58% đối với nhôm Trung QuốcRà soát thuế chống bán phá giá nhôm với 5 công ty Trung Quốc

Khi Xingfa muốn đặt chân vào ngành nhôm Việt Nam

Lãnh đạo Hội Nhôm thanh định hình cho biết, cuối tháng 2 vừa qua, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Hải Dương đã đăng tin về việc lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp và làm việc với lãnh đạo Công ty Xingfa Quảng Đông (Trung Quốc) khi doanh nghiệp này đến tìm hiểu môi trường đầu tư và mong muốn được đầu tư nhà máy gia công, lắp dựng nhôm, kính tại Khu công nghiệp Cao Thắng (Thanh Miện, Hải Dương). Dự kiến nhà máy có tổng mức đầu tư 3.200 tỉ đồng, sử dụng 17 héc ta đất và sản xuất khoảng 150.000 tấn sản phẩm/năm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Trong văn bản gửi Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành có liên quan, UBND các tỉnh (trong đó có Hải Dương), Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam bày tỏ sự hoang mang của các doanh nghiệp khi Xingfa là đối thủ chính của các nhà máy nhôm định hình trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt họ cũng là đối tượng chính của quyết định chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc mà Việt Nam thực hiện từ 2019 đến nay. “Dự án này tưởng chừng đem lại lợi ích cho đất nước và địa phương, nhưng sâu xa tiềm ẩn nhiều hệ lụy cho ngành công nghiệp nước ta”, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch hội, cho biết.

Ngành nhôm Việt Nam mới phát triển trong những năm gần đây. Số nhà máy sản xuất nhôm định hình phục vụ xây dựng và công nghiệp có hơn 80 nhà máy. Năng lực sản xuất nhôm cũng tăng lên 40%, nay đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trong số này có 35% doanh nghiệp FDI.

Nhưng đến nay, công suất của ngành nhôm Việt Nam bắt đầu dư thừa. Sản lượng thực tế chỉ đạt 70% công suất thiết kế song lượng hàng hóa đã vượt xa nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, những năm 2016-2018, nhôm Trung Quốc dư thừa sản lượng, tràn vào bán phá giá khiến doanh nghiệp nhôm nội địa đã lâm vào cảnh ngừng hoạt động, công nhân mất việc.

Trước tình hình khó khăn đó, Hội Nhôm thanh định hình đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá nhôm định hình vào thị trường Việt Nam với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Mặt hàng nhôm trong nước và nhập từ Trung Quốc tương tự về chủng loại, đặc tính kỹ thuật và mác nhôm. Như vậy, hàng trong nước hoàn toàn có thể thay thế được hàng nhập.

Năm 2019, khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm định hình có xuất xứ từ Trung Quốc, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chống buôn lậu và gian lận thương mại, đã ngăn chặn được nhôm Trung Quốc bán phá giá vào Việt Nam. Việc này giúp các nhà sản xuất trong nước tiêu thụ được hàng hóa, lấy lại được thị trường trong nước và phục hồi mạnh mẽ.

Vấn đề là sau khi bị áp thuế, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tìm cách chuyển hướng đầu tư trực tiếp sang Việt Nam để tránh bị áp thuế. Đồng thời, việc chuyển cứ điểm sản xuất có thể giúp nhôm Trung Quốc tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại mà nhôm Việt Nam đang được hưởng, nhằm tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước như Mỹ, EU, Anh…

Hội Nhôm cho biết, vì Xingfa là doanh nghiệp lớn, đến Việt Nam có thông tin như trên mới nắm được, còn rất nhiều doanh nghiệp nhôm Trung Quốc khác đang tìm kiếm các dự án đầu tư mới hoặc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để trực tiếp cạnh tranh với nhôm Việt Nam bằng việc xuất khẩu từ đây. Hội nhôm đã có văn bản vào tháng 8-2022 gửi Chính phủ, các bộ ngành liên quan, đề nghị xem xét lưu ý đối với các dự án đầu tư dạng này vào ngành nhôm.

Những hệ lụy…

Khi Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá nhôm với mức từ 2,58% đến 35,58%, các doanh nghiệp trong nước đã thoát được phá sản, giữ được thị trường trong nước. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra vụ việc áp thuế chống bán phá giá trên, nhóm Công ty Xingfa Quảng Đông vẫn là đơn vị có lượng xuất khẩu nhôm định hình lớn và chủ yếu vào thị trường Việt Nam. Đến nay, lượng nhôm Xingfa nhập khẩu đã chiếm 87% tổng lượng nhôm định hình Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, bất chấp thuế chống bán phá giá hay những khó khăn khác.

Như vậy, nếu địa phương chấp nhận dự án đầu tư của Xingfa thì sẽ làm mất đi hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại, đẩy các nhà máy đứng trước nguy cơ mất thị trưởng lần hai. Hay nói khác đi thì việc thu hút đầu tư khiến cho tình hình ngành nhôm nội địa trở nên trầm trọng, bế tắc và bất cập hơn trước sức tấn công trực diện của nhôm Trung Quốc bán phá giá.

Hội Nhôm thanh định hình dẫn Nghị định của Chính phủ về một số điều của Luật Quản lý ngoại thương (về các biện pháp phòng vệ thương mại), coi việc đầu tư của Xingfa là hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng thông qua việc đưa nguyên vật liệu, linh kiện hoặc vật tư có xuất xứ từ nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại vào Việt Nam để sản xuất chính hàng hóa đang áp thuế này. Như vậy rất cần Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước lưu ý ngăn chặn từ sớm, không để dự án “chạy” từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Còn một hệ lụy sâu xa hơn, doanh nghiệp nhôm đang ráo riết tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhưng nếu Xingfa vào Việt Nam thì với lượng xuất khẩu dự kiến của họ dưới “mác” Việt Nam, toàn bộ ngành nhôm của Việt Nam sẽ bị các nhà nhập khẩu nước ngoài nhanh chóng áp dụng các biện pháp điều tra và áp thuế lẩn tránh phòng vệ thương mại, thậm chí có thể còn cao hơn mức thuế mà họ đang siết với nhôm Trung Quốc (Mỹ đang áp thuế nhôm Trung Quốc 106% từ 2017)…

Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đề nghị Thủ tướng và các bộ, nhất là lãnh đạo các địa phương, kịp thời có có biện pháp ngăn chặn các nguy cơ xấu có thể xảy ra nếu doanh nghiệp nước ngoài tiến hành đầu tư để “rửa” nguồn gốc, xuất xứ, né thuế tại Việt Nam, gây áp lực lên ngành công nghiệp, ngành điện (giá rẻ) và ô nhiễm môi trường.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan