CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Đầu tư vào hợp tác xã nông nghiệp: Ngán nhất là cơ chế

Chuyên Gia 16:33 23/09/2020

Vướng về cơ chế đất nông nghiệp, chính sách trong khu vực đang đô thị hóa đã khiến doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tại TP.HCM.

Nhiều HTX nông nghiệp tại TP.HCM dù có nhiều chính sách hỗ trợ và là “điển hình”, nhưng doanh thu thua cả doanh nghiệp tư nhân.


Mô hình nuôi bò xã viên HTX tại TP.HCM.

Ế ẩm giữa thị trường hơn 10 triệu dân

Theo báo cáo mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM có 141 HTX đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng trong số đó, chỉ còn 117 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 5 HTX đã chuyển sang thương mại, dịch vụ; 19 HTX dự kiến giải thể vì đã ngưng hoạt động thời gian dài.

Thực tế, nếu so sánh với trước đây và với thu nhập vùng nông thôn nhiều vùng, miền nói chung, thì thu nhập của xã viên HTX nông nghiệp TP.HCM hiện nay không phải thấp. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân khu vực nông thôn TP.HCM là 25 triệu đồng/người/năm, thì năm 2019 đạt 63 triệu đồng/người, tăng gấp hơn 2,5 lần. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn với thành thị ngày càng thu hẹp, khi tỷ lệ thu nhập nông thôn tăng từ 68% lên 73% so với thu nhập ở thành thị.

Tuy nhiên, nếu xét giá trị ở TP.HCM thì giữa thành phố hơn 10 triệu dân, nhưng hiện chỉ có 70/117 HTX thực hiện được việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, chủ yếu trong lĩnh vực trồng rau an toàn, hoa kiểng, chăn nuôi bò sữa, heo, thủy sản, bánh tráng… là điều khó chấp nhận, nếu không nói là quá yếu kém.

Đó là chưa nói, rất ít HTX có giá trị sản xuất được xem là lớn, như HTX Sinh vật cảnh Sài Gòn (sản xuất cá cảnh, giá trị sản xuất đạt 43 tỷ đồng năm 2019), HTX Phước An (sản xuất rau an toàn, đạt hơn 22 tỷ đồng năm 2019), HTX Phú Lộc (sản xuất rau an toàn, đạt 39 tỷ đồng năm 2019). Những con số trên thua xa giá trị sản xuất của một doanh nghiệp tư cũng sản xuất nông nghiệp ở liền kề TP.HCM.

Thêm vào đó, thu nhập của thành viên HTX tại TP.HCM chỉ đạt bình quân 5,5 triệu đồng/tháng, được xem là khá thấp.

Nguyên nhân chính là sản phẩm nông nghiệp của các HTX tại TP.HCM tiêu thụ khó. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thừa nhận, về tiêu thụ, mặc dù Thành phố đã tổ chức nhiều phiên chợ nông sản an toàn, nhưng công tác tiêu thụ vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tới thời điểm này, đã có một số doanh nghiệp liên kết đầu tư vào HTX, nhưng số lượng chưa nhiều để có thể giúp HTX giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Sợ đầu tư vì chuyện đất đai và vay vốn

Chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhỏ với một số doanh nghiệp nông nghiệp “ăn nên làm ra” ở một số tỉnh liền kề về việc không mặn mà liên kết đầu tư vào mô hình HTX tại TP.HCM, trong khi mô hình này đang được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước về vốn, hạ tầng.

Một doanh nghiệp (đề nghị giấu tên) phân tích, quá trình đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp bị chia cắt, manh mún và đặc biệt thiếu ổn định, cùng việc thiếu kiểm soát dẫn tới hàng loạt dự án bất động sản “ma” lấn chiếm, biến đất nông nghiệp thành nhà ở… là những cản trở lớn khiến doanh nghiệp không “to gan” đầu tư để phát triển nông nghiệp ở TP.HCM, hay đầu tư vào các HTX, dù đã sẵn có đất.

Thực tế, không chỉ doanh nghiệp “hãi”, mà chính chính quyền địa phương cũng “băn khoăn” trong định hướng phát triển nông nghiệp, thậm chí chỉ ý định cầm chừng chờ đô thị hóa. Minh chứng là, tại Chương trình Lắng nghe và Trao đổi hồi tháng 7/2020 với chủ đề “Phát triển nông nghiệp đô thị TP.HCM: Thực trạng và giải pháp”, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, ông Hoàng Tùng cho hay, thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị của Thành phố, Nhà Bè đã cơ cấu lại nuôi tôm nước lợ, với 379 ha trên tổng số khoảng 400 ha đất canh tác nông nghiệp (268 hộ). Bên cạnh đó, huyện khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để chuyển đổi sản xuất. Từ năm 2010 đến nay, Nhà Bè đã hỗ trợ 41 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã hỗ trợ 7,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Hoàng Tùng cũng thừa nhận, có nhiều thách thức bởi huyện giáp ranh với vùng phát triển đô thị sôi động và khó khăn trong xây dựng các công trình phụ trợ. Thời gian tới (lộ trình tới năm 2030), định hướng huyện trở thành quận, nên phải xem xét chuyển đổi nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là khai thác các diện tích đất trống trong thời gian chờ phát triển đô thị.

Một doanh nghiệp khác cho hay, trong trường hợp đầu tư vào HTX nông nghiệp, họ sẽ đầu tư vào nhà máy chế biến, công trình phụ trợ để phục vụ nuôi trồng, thay vì đầu tư sản xuất trực tiếp.

Tuy nhiên, chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM thừa nhận, ngay cả HTX có nhu cầu xây dựng nhà kính, nhà lưới, nhà sơ chế theo mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khép kín, thì cũng không được làm ngay trên đất của mình, vì theo Luật Đất đai 2013 và Luật Xây dựng 2014, công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp không được xây dựng trên đất sản xuất.

Một ví dụ điển hình là, nông trại Vinamit rộng hơn 152 ha ở Bình Dương, có giấy tờ sổ đỏ là đất sản xuất nông nghiệp, nên chỉ được trồng trọt, chăn nuôi. Trường hợp doanh nghiệp muốn xây dựng nhà máy chế biến ngay tại chỗ để đảm bảo nông sản tươi xanh, khép kín quy trình, thì phải thực hiện cắt, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Vấn đề khác, theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, các HTX chưa tiếp cận được vốn vay tín chấp, dù Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP và Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn cho HTX nông nghiệp có thể vay vốn theo hình thức tín chấp tối đa 1 tỷ đồng.

Nguyên nhân là HTX không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp, nhưng tổ chức tín dụng lại định giá đất nông nghiệp và tài sản trên đất quá thấp, không đúng giá trị thị trường.

Người quản trị cũng… rời rạc như đất

Một trong những điều then chốt để phát triển HTX và để doanh nghiệp đầu tư vào HTX là câu chuyện nhân sự. Với kinh nghiệm của mình, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit phân tích, một sản phẩm nông nghiệp làm ra sạch, tốt cỡ nào, nhưng không có chiến lược nhân sự thông suốt, thống nhất trong quản trị, xây dựng thương hiệu, thị trường…, thì không thể có đầu ra, tức hoạt động sẽ bế tắc.

Trong khi đó, theo thừa nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tư duy quản lý của phần lớn HTX tại TP.HCM hiện nay chưa thích ứng với cơ chế thị trường, nhiều HTX còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí, ngay cả khi tham gia xây dựng HTX, các thành viên còn chưa xác định rõ vị trí của mình, thiếu sự gắn kết lợi ích giữa thành viên và HTX… Thực tế đó dẫn tới phần lớn HTX chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất - kinh doanh khả thi, thị trường nội bộ của chính HTX đó bị thu hẹp, chưa nói thị trường bên ngoài.

Để HTX nông nghiệp TP.HCM không thua ngay trên sân nhà, theo các doanh nghiệp, phải giải quyết được tất cả những vướng mắc trên.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM vừa có văn bản tham mưu UBND Thành phố trình HĐND TP.HCM ban hành chính sách hỗ trợ cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, nâng mức hỗ trợ từ 60% lên 100% lãi suất hỗ trợ vay. Đưa ra chính sách khuyến khích chuyển đổi đất đai; chính sách hỗ trợ vay vốn ngân hàng… cho các doanh nghiệp, HTX theo hình thức tín chấp và thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai của dự án…

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, xem xét giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng mục đích của HTX nông nghiệp để các HTX này xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Sở Xây dựng trong việc cấp giấy phép xây dựng cho HTX đối với phần đất được giao, cho thuê, chuyển mục đích đất khi có yêu cầu của Sở Xây dựng; khuyến khích các ngân hàng thương mại ưu tiên hỗ trợ, giúp HTX tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận lợi khi có nhu cầu vay vốn. Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao ưu tiên hỗ trợ, hướng dẫn các HTX đầu tư vào Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Nguồn Báo Đầu Tư

 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan