CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Để công nghiệp 4.0 không là 'giấc mơ' thời hậu COVID-19

Invest Global 08:44 07/12/2021

Tại Diễn đàn Cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt yêu cầu, để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cần đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, tạo động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược như hạ tầng viễn thông… 

Cần sớm có quy hoạch công nghệ

Tại diễn đàn năm nay, nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đã nêu lên những điều kiện cần và đủ để nền kinh tế Việt Nam bắt kịp Cách mạng Công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế số nhằm đưa quốc gia phát triển trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

cong-nghiep-4-0-8722-1638780624.jpg

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bắt kịp Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. 

Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel đã nêu loạt kiến nghị. Cụ thể, DN đề xuất có cơ sở chính sách, hạ tầng kết nối viễn thông đi đầu để hỗ trợ cho hạ tầng chuyển đổi số phát triển. Nhà nước cần sớm có quy hoạch công nghệ, cấp phép tần suất vô tuyến điện, giúp cho DN chủ động chuyển sang triển khai công nghệ viễn thông mới.

Để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, việc xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia tập trung rất quan trọng, tránh việc dữ liệu rời rạc, đầu tư manh mún không hiệu quả.

Mặt khác, ông Dũng cho rằng, cần thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ lớn, cung cấp dịch vụ điện toán số, logistics, tự động hóa sản xuất, chuyển đổi số tất cả nền kinh tế xã hội. Đồng thời, cần liên thông các dữ liệu, mạnh dạn cấp phép thử nghiệm cho các dịch vụ số mới.

Đặc biệt, lãnh đạo Viettel mong muốn Chính phủ tạo điều kiện cho DN Việt Nam đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, dữ liệu lớn. Nghiên cứu phát triển công nghệ lõi, phát triển hệ sinh thái sản phẩm made in Việt Nam, từ đó gia tăng năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia và sức cạnh tranh quốc tế.

"Chúng ta cần phát triển thị trường nội địa sử dụng công nghệ cao made in Việt Nam, thúc đẩy mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh, phù hợp trong giai đoạn Công nghiệp 4.0", ông Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nền kinh tế số cần thể chế số, trong khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận Công nghiệp 4.0 cần nhân lực 4.0. Muốn đào tạo nhân lực 4.0 cần có nền giáo dục 4.0, nếu không đạt được thì khó kỳ vọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đang ưu tiên phát triển mạng lưới trường đại học công nghệ, đặc biệt đào tạo các lĩnh vực như IT, AI, đảm bảo số lượng và chất lượng. Một khảo sát gần đây cho thấy, ngành an toàn thông tin mạng đang thiếu hụt hàng chục nghìn người lao động. "Chúng tôi đang khuyến khích DN lớn phát triển trường đại học, phát triển nhân lực được đào tạo chất lượng cao. Trước mắt, tăng cường đào tạo về kỹ năng số, văn hoá số cho học sinh, sinh viên", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay.

Không làm theo phong trào

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 có thể kéo dài hơn dự kiến nhưng rồi sẽ đi qua, còn chuyển đổi số không thể thiếu trong phục hồi kinh tế sau đại dịch. Bởi, đây là động lực quan trọng để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Vì vậy, chuyển đổi số giúp cho DN thích ứng linh hoạt, sản xuất trong môi trường kinh doanh mới. Thực tế từ đại dịch đã cho thấy, DN nào tiếp cận được nhiều khách hàng thông qua nền tảng trực tuyến sẽ ít bị ảnh hưởng và ngược lại. Chuyển đổi số không chỉ là liều thuốc mà còn là đòn bẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

"Chúng ta đã chứng kiến dòng người rời bỏ TP.HCM khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy, nếu ứng dụng công nghệ thì không nhất thiết người dân phải đến TP.HCM mới làm được việc, mọi người có thể ở địa phương làm việc thông qua ứng dụng công nghệ", ông Thắng chia sẻ.

Do vậy, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khuyến nghị: Chính phủ cần nhận diện đúng, nhanh chóng bắt kịp hoạt động kinh tế không tiếp xúc, đẩy mạnh công nghệ trong sản xuất, học tập, làm việc.

Trong đó, việc thay đổi nhận thức, thói quen là thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số, chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy phát triển, hành động phù hợp, quyết đoán vượt qua rào cản. Chuyển đổi số, phát triển Công nghiệp 4.0 không phải là làm theo phong trào, đổi mới tư duy cần đi kèm quyết tâm và hành động thực tiễn. 

"Dám thay đổi là yêu cầu cấp bách của DN khi chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu. Đồng thời, cần phải đặt người dân vào trung tâm chuyển đổi số để không ai bị bỏ lại phía sau", ông Thắng nhấn mạnh.

Theo Người đứng đầu Chính phủ, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia dưới tác động của đại dịch COVID-19 trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài; đặc biệt là tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.

Quay trở lại câu chuyện ban đầu về xây dựng hạ tầng số, Thủ tướng yêu cầu việc bảo đảm điện và sóng cho các vùng sâu, vùng xa dù khó mấy cũng phải làm và không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế. Không có điện và sóng thì không có chuyển đổi số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Chia sẻ với các đại biểu về một số vấn đề như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường…, Thủ tướng nêu rõ, cùng với dịch bệnh COVID-19, đây là những vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới mọi quốc gia và mọi người dân, do đó cần phải có tư duy và cách tiếp cận toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới; đồng thời phải có tư duy và cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực.

“Tình hình thế nào thì giải pháp như thế, trong bối cảnh đặc biệt, chúng ta cần có tầm nhìn, hành động và cách làm đặc biệt, phù hợp, linh hoạt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh-chup-Man-hinh-2021-12-06-l-2949-6456

Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT&TT

Muốn phát triển kinh tế số thì phải có thể chế số, trong đó cần xây dựng thể chế cho chữ kỹ số, thanh toán số... Bên cạnh đó, kinh tế số cũng cần hạ tầng số, DN công nghệ số, thị trường số, công dân số và xã hội số. Muốn quản lý, thúc đẩy được kinh tế số thì phải đo lường đánh giá được rủi ro. Từ năm 2022, Bộ TT&TT sẽ thực hiện đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Theo mục tiêu đến năm 2025, giá trị kinh tế số chiếm 20% GDP, năm 2030 là 30%. Tuy nhiên, nếu làm tốt điều này thì đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP có thể cao hơn nhiều.

Anh-chup-Man-hinh-2021-12-06-l-5780-2149

Ông Võ Văn Hoan

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Mọi hoạt động kinh tế - xã hội của TP.HCM đã bị gián đoạn vì sự lây lan của dịch bệnh trong thời gian qua, chưa bao giờ thành phố phải giãn cách xã hội lâu như vậy. Theo dự báo, năm 2021 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM có thể tăng trưởng âm 6,78%. 

Để vực dậy nền kinh tế sau "cơn bão" dịch bệnh, TP.HCM đã xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế trong điều kiện mới. Biến nguy thành cơ, đau thương thành hành động gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động phục hồi được đặt ra. Mục tiêu là giảm dần DN thâm dụng lao động, khuyến khích DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ, sản xuất thông minh để thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Anh-chup-Man-hinh-2021-12-06-l-4719-5559

TS. Mary C. Hallward - Driemier

Cố vấn kinh tế cấp cao về tài chính, năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo (Ngân hàng Thế giới)

Hãng giày thể thao hàng đầu thế giới là Adidas từng xây dựng nhà máy sản xuất giày bằng robot tự động tại Đức. Tuy nhiên, tháng 4/2020 hãng này tuyên bố đóng cửa để chuyển sang Việt Nam, bởi nơi đây gần chuỗi cung ứng. Việc Adidas dùng công nghệ robot để sản xuất giày nhưng phải đóng cửa ngay sau đó cho thấy không phải ngành, lĩnh vực nào cũng áp dụng thành công tự động hóa. Đồng thời, các quốc gia đang có lợi thế về địa chính trị kinh tế, lợi thế về năng lực con người sẽ bất lợi trong cuộc đua về công nghệ mới, tự động hóa. Với Việt Nam, điều quan trọng là cần đảm bảo năng lực kinh tế, dịch vụ tốt hơn để gia tăng tính cạnh tranh trong những ngành có thế mạnh, lợi thế của mình. Cách mạng Công nghiệp 4.0 không phải nguy cơ mà là tiền đề để nâng cao năng lực cạnh tranh, tính kết nối, giá trị trong tương lai.

Lê Thúy 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan