CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dễ dãi mở thẻ tín dụng, khách hàng 'lãnh đủ'

Invest Global 10:21 20/03/2024

Thống kê gần đây nhất của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, Việt Nam có tổng số khoảng hơn 145 triệu thẻ vật lý đang lưu hành, gồm 113,07 triệu thẻ nội địa và 32,81 thẻ quốc tế. Tuy nhiên, có thực tế là không ít người dù mở thẻ, thậm chí là mở nhiều thẻ nhưng lại không sử dụng. 

Mời phát hành thẻ tràn lan

Chị H. (Nam Từ Liêm. Hà Nội) cho biết, hiện nay chị đang có 4 loại thẻ của 4 ngân hàng. Thế nhưng, hơn 2 năm nay, chị không còn dùng đến thẻ nữa do các phương thức thanh toán online khác tiện dụng, dễ dàng hơn.

“Hầu như các siêu thị, cửa hàng và cả chợ truyền thống đều có mã QR để thanh toán online, hoặc vẫn có thể chuyển khoản nếu không có mã. Tôi đã không còn sử dụng đến thẻ nữa”, chị H. cho hay.

Trong khi số lượng người dân giảm sử dụng thẻ ATM tăng, thì các ngân hàng vẫn đua phát hành thẻ. Hệ quả là đang có hàng chục triệu thẻ, tài khoản rác.

-3509-1710841711.jpg

Trước khi ký hợp đồng mở thẻ tín dụng, khách hàng cần phải biết rõ lãi suất cho vay, lãi suất phạt chậm trả là bao nhiêu, các loại phí và mức phải nộp...

Theo ghi nhận của VnBusiness, thời gian qua, cuộc đua phát hành thẻ, tài khoản rất khốc liệt. Người dùng được mời chào lẫn yêu cầu mở thẻ, tài khoản mọi lúc mọi nơi. 

Chị Châu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) kể, một người bạn của chị làm nhân viên tín dụng tại một ngân hàng quốc doanh. Để đảm bảo doanh số phát hành thẻ, người bạn này mời chị “mở giúp” 3 thẻ tín dụng có hạn mức 50 triệu đồng.

“Bạn tôi bảo chỉ cần mở thẻ để bạn đủ chỉ tiêu trong quý, nếu không có nhu cầu sử dụng thì không cần kích hoạt. Vì vậy, tôi đã đồng ý mở 3 thẻ tín dụng”, chị Châu cho hay.

Chị Châu chia sẻ, đến nay, chị không nhớ là đã mở bao nhiêu tài khoản, vì ngoài tài khoản mà công ty trả lương hằng tháng, khi vay vốn ngân hàng nào cũng bị yêu cầu mở hàng loạt tài khoản như tài khoản thanh toán, tài khoản trả lãi. Nhưng hiện nay chị chỉ dùng thường xuyên 1, 2 tài khoản.

"Những cái còn lại, sau khi trả hết dư nợ, lại bị lãng quên. Không biết đến nay có bao nhiêu tài khoản bị tính phí", chị thú thực.

Thực tế, nhiều khách hàng khi mở thẻ tín dụng vì được khuyến mại hay “mở giúp người quen”… đều không đọc kỹ hợp đồng khi mở thẻ, và nghĩ rằng mình chưa kích hoạt thẻ xem như không sử dụng, chắc không có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau một thời gian nhận được thông báo của ngân hàng về khoản nợ đóng phí duy trì thẻ, phí thường niên… lên đến hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng mới tá hoả đi kiểm tra thì đã "dính nợ" ngân hàng.

Như trường hợp của chị Châu, chỉ đến khi vào kiểm tra sao kê trên mạng chị mới tá hỏa khi một thẻ đã phát sinh 880.000 đồng phí thường niên và một thẻ khác phát sinh phí 660.000 đồng. Khi chị liên hệ để tìm hiểu, nhân viên ngân hàng nói rằng nếu không sử dụng mà không hủy, thẻ vẫn phát sinh phí thường niên.

"Tôi đã chấp nhận trả phí và đóng tất cả thẻ, xem đó như bài học cho mình", chị Châu nói.

Cần có quy định về thời gian đóng thẻ, tài khoản ngân hàng không sử dụng

Việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng bởi lãi suất cao hơn so với cho vay thông thường. Đồng thời, các khoản thu phí từ thẻ như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn… đem lại nguồn thu lớn và rất ổn định.

Do đó, các ngân hàng chạy đua phát hành thẻ để mở rộng thị phần, bất chấp khách hàng đó có nhu cầu sử dụng hay không. Các ngân hàng liên tục đưa ra những chính sách nhằm thu hút và giữ chân khách hàng sử dụng thẻ tín dụng như: Hoàn tiền ở các điểm mua sắm, tặng tiền mặt khi chi tiêu nhiều, tặng vali, miễn thêm phí thường niên cho năm tiếp theo nếu chi tiêu đạt mức ngân hàng đưa ra...

Trong khi đó, khách hàng thấy việc mở thẻ có lợi và đặc biệt không cần phải đến quầy giao dịch, có thể mở tài khoản online thông qua app, mở bằng số điện thoại, CCCD... nên không đắn đo mở thẻ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có hàng chục triệu thẻ "rác" (khoảng 55 triệu thẻ), gây lãng phí cùng nhiều hệ lụy khác.

Trong bối cảnh thẻ “rác” tràn lan nhưng hiện nay vẫn chưa có quy định thời hạn đóng thẻ, tài khoản ngân hàng. 

Theo tìm hiểu của VnBusiness, hiện nay, mỗi ngân hàng có quy định riêng về việc xử lý thẻ “rác”. Như tại Agribank, tài khoản không đủ số dư tối thiểu cần duy trì trong tài khoản thanh toán đối với khách hàng cá nhân là 50.000 đồng và khách hàng tổ chức là 1 triệu đồng, không hoạt động trong vòng 12 tháng sẽ được ngân hàng đưa vào chế độ tài khoản ngủ, không hạch toán thu phí.

“Nếu 36 tháng tiếp theo, tài khoản vẫn không hoạt động thì Agribank thực hiện đóng tài khoản. Nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng lại tài khoản trong 48 tháng thì đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu”, đại diện Agrinbank cho biết.

Tuy nhiên, ngân hàng chỉ có thể "dọn dẹp" những tài khoản có số dư bằng 0, còn những tài khoản còn tiền dù chỉ 1 đồng thì cũng không đóng được. Những tài khoản như vậy hiện nay rất nhiều.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN, thừa nhận thời gian qua, nhiều ngân hàng khá thoáng trong việc mở thẻ tín dụng. Tuy nhiên, đối với khách hàng, chủ thẻ nên cân nhắc khả năng tài chính của mình trước khi chi xài.

Bởi thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ xài trước trả sau, tức là trong 45 - 55 ngày mà không bị tính lãi. Sau thời gian này, chủ thẻ không trả hết số tiền đã xài thì mới bị tính lãi suất, nợ quá hạn.

"Trước khi đặt bút ký hợp đồng mở thẻ tín dụng, khách hàng cần phải biết rõ lãi suất cho vay, lãi suất phạt chậm trả là bao nhiêu, các loại phí và mức phải nộp... Bên cạnh đó, cũng nên cân nhắc khả năng tài chính để có kế hoạch trả nợ", ông Tuấn khuyến cáo.

Huyền Anh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan