CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo các hãng thông lớn trên thế giới, mô hình nuôi lợn tập trung trong các nhà "chung cư" lớn, bên cạnh lợi ích cũng còn nhiều nguy cơ đặt ra. Ảnh: New York Times
Ngày 04/5 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án Chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 3 tại xã Nguyệt Ấn, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 29-5, Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc báo cáo đề xuất phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng.
Sau đó, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết UBND tỉnh này vừa giao cho sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu đề nghị của Công ty CP Xuân Thiện Thanh Hóa về việc xây dựng nhà cao tầng để chăn nuôi lợn công nghệ cao.
"Cũ người mới ta"
Có thể thấy, đề xuất đầu tiên ở Việt Nam về mô hình chăn nuôi lợn trong nhà cao tầng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng cũng như giới đầu tư. Tuy nhiên, mô hình nuôi lợn trong nhà cao tầng đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, các trang trại nuôi lợn cao tầng mọc lên rất nhiều ở Trung Quốc. giúp đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho thị trường nội địa cũng như mong muốn hiện đại hóa quy trình sản xuất thịt lợn của Trung Quốc.
Có thể dẫn ví dụ của công ty Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry (UZKMAH) hiện đang sở hữu nhiều trang trại nuôi lợn cao tầng, trong đó có trang trại nuôi lợn 26 tầng tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc.
Theo thông tin được các hãng thông tấn lớn của thế giới đưa tin, trang trại cao tầng của UZKMAH hoạt động giống như một nhà máy thực sự với những dây chuyền sản xuất hiện đại. Mỗi tầng của tòa nhà vận hành giống như một hệ thống chuồng trại khép kín dành cho các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của lợn, từ khi thụ tinh đến lúc trưởng thành.
Lợn sẽ được đưa vào các thang máy công nghiệp để di chuyển đến những khu vực phù hợp. Thức ăn được vận chuyển trên băng truyền lên bể chứa khổng lồ ở tầng trên cùng trước khi được chia ra thông qua các máng ăn công nghệ cao. Hệ thống này có thể cung cấp hơn 450 tấn thức ăn mỗi ngày và tự động phân phối thức ăn dựa trên nhu cầu của từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và tình trạng sức khỏe của lợn.
Ngoài ra, một “ông lớn” khác cũng chuyên xây “chung cư” cho lợn tại Trung Quốc là Yangxiang. Đây là một trong những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp chăn nuôi lợn ở Trung Quốc, cũng xây dựng hơn 10 trang trại nuôi lợn cao tầng. Trong số đó, trang trại ở núi Yaji (thành phố Quý Cảnh) là khu chăn nuôi lớn nhất, hiện đại nhất quy mô 9 tầng cùng hàng chục nghìn con lợn.
Theo Yangxiang, hệ thống chăn nuôi nhiều tầng này có thể xuất bán khoảng 840.000 con lợn/năm sau khi đưa vào hoạt động.
Theo New York Times, tính đến đầu năm 2022, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông đã có hơn 170 trang trại nuôi lợn cao tầng. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng trong thời gian qua.
Còn nhiều câu hỏi về việc liêu có “lợi bất cập hại”
Theo đánh giá của các hãng thông tấn lớn trên thế giới, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi vào năm 2018, ngành công nghiệp nuôi lợn của Trung Quốc bị tàn phá đáng kể.
Bloomberg đánh giá, sự chuyển hướng sang các trang trại nuôi lợn cao tầng có thể giải cơn khát nguồn cung, lấp khoảng trống protein thịt đỏ ở Trung Quốc. Kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc cũng giảm mạnh, làm dịu đi sức ép về nguồn cung thịt trên toàn cầu,.
Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp giải bài toán về nhân lực cho ngành chăn nuôi Trung Quốc. Theo Yangxiang, với mức độ tự động hóa cao, một nhân công có thể giám sát tới 2.000 con lợn. Họ có thể ngồi trong phòng điều khiển để quan sát những con lợn qua camera giám sát; ra lệnh chuẩn bị thức ăn và nước cho mỗi tầng hay kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ số nồng độ khác. Đây là điều mà các mô hình chăn nuôi truyền thống khó có thể làm được.
Mặc dù giúp giải khát nguồn cung trên thị trường nhưng mô hình này cũng gây ra một hệ lụy nhất định: cung vượt quá cầu. Các trang trại nuôi lợn quy mô lớn, nuôi lợn nhiều tầng bùng nổ dẫn đến thị trường tràn ngập nguồn cung. Hậu quả là giá thịt lợn tại Trung Quốc giảm khoảng 60% so với mức cao nhất năm 2019.
Theo New York Times, ngành công nghiệp thịt lợn của quốc gia này cũng có nhiều biến động khiến nhiều công ty chăn nuôi lợn quy mô lớn phải đối mặt với thua lỗ do mở rộng đầu tư trong lúc giá thịt heo giảm mạnh
Bên cạnh đó, mô hình chăn nuôi cao tầng với còn dấy lên những lo ngại liên quan đến vấn đề môi trường. Chăn nuôi quy mô lớn và mật độ dày đặc gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm đất do phân hay ô nhiễm không khí do khí thải carbon dioxide và amoniac.
Một bài viết trên tờ EL PAÍS USA Edition đã chỉ trích các chủ sở hữu chỉ đơn thuần tuyên bố rằng, các trang trại cao tầng được xây dựng ở những vùng sâu, vùng xa, những nơi ít người sinh sống để tránh ô nhiễm môi trường để che dấu việc thiếu đánh giá và đầu tư đúng mức về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, rủi ro dịch bệnh cũng được cảnh báo ở mức cao độ trong mô hình nuôi lợn tháp đứng này.
Brett Stuart, CEO của Công ty nghiên cứu thị trường Global AgriTrends cho biết, mô hình nuôi lợn cao tầng vẫn có thể làm trầm trọng thêm rủi ro về dịch bệnh. Việc nuôi lợn với số lượng lớn trong một cơ sở khép kín khiến tình trạng lây nhiễm chéo trở nên phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Xuân Thiện Group muốn làm tổ hợp lọc hoá dầu 2.500ha ở Ninh Bình