CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp có thể hướng tới cấp và giao dịch tín chỉ carbon

Invest Global 09:31 25/11/2024

Với chủ đề “Khơi thông nguồn lực đất đai, hướng tới mục tiêu NetZero, bảo vệ môi trường nông thôn”, Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam– Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được xem như là tiền đề để lắng nghe, tổng hợp ý kiến của bà con nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trước thềm hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân năm 2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy ước tính, lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm. Điều này, đòi hỏi cần nỗ lực chung tay kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050. Nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp có thể hướng tới cấp chứng chỉ carbon và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: “Diễn đàn là dịp để chúng tôi được lắng nghe các đại biểu nông dân, hợp tác xã tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn… phán ánh, đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thi hành Luật Đất đai vừa được Quốc hội thông qua; việc quản lý, điều hành,thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, về các giải pháp hướng tới mục tiêu NetZero”.

KÉO GIẢM PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH TRONG NGÀNH NÔNG NGHIỆP, HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NETZERO

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng khơi thông nguồn lực đất đai, bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước.

“Thực tiễn đang đòi hỏi cần phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên; giải quyết tốt các thách thức về ô nhiễm môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi đây là những vấn đề đang ảnh hưởng trực tiếp đến các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Theo ước tính lượng phát thải của hoạt động nông nghiệp chiếm khoảng 43% tổng lượng phát thải quốc gia, tương đương 65 đến 150 triệu tấn CO2/năm. Bộ trưởng cho rằng “điều này, đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực chung tay cùng bà con nông dân kéo giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp, hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050”.

Nhiều lĩnh vực trong nông nghiệp có thể hướng tới cấp và giao dịch tín chỉ carbon - Ảnh 1

Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn xác định Hội Nông dân các cấp là hệ thống nối dài, lực lượng quan trọng trong triển khai các chiến lược, cơ chế, chính sách, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ngành, trong đó: quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là các nhiệm vụ được ưu tiên.

Do đó, diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” là dịp để Bộ Tài nguyên và Môi trường truyền tải những thông điệp, phổ biến những cơ chế chính sách mới và quan trọng đến từng cấp hội nông dân, từ đó lan tỏa đến từng bà con nông dân trên cả nước, Bộ trưởng nói.

HƯỚNG TỚI QUÁ TRÌNH CANH TÁC, SẢN XUẤT CÓ MỨC PHÁT THẢI THẤP NHẤT

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Huy, nông dân Việt Nam xuất sắc 2023, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã nấm Tam Đảo (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), thông tin hiện nay Hợp tác xã nấm Tam Đảo đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại một số tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Cao Bằng. Dâu tằm là cây lâu đời ở Việt Nam, dâu là cây lấy lá nhưng luôn được duy trì tối thiểu 5 lá ở thời điểm cuối vụ, do vậy trên bề mặt luôn giữ được mặt bằng phủ xanh.

Trồng dâu đang mang lại thu nhập cao đến 300 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn 180 triệu đồng/năm. Đồng thời trong toàn bộ quá trình trồng dâu nuôi tằm rất hạn chế sử dụng phân bón hoá học có chứa đạm vô cơ giúp bảo vệ môi trường, tạo dinh dưỡng cho đất.

Hợp tác xã đang làm việc với nhiều tỉnh, thành để phát triển cây dâu tằm, xuất khẩu sản phẩm ra thế giới. Cơ hội tơ tằm, tơ lụa của Việt Nam rất tiềm năng, đi ra thế giới, nhất là tại thị trường Ấn Độ, ông Huy cho biết.

Đặc biệt để mang hiệu quả lâu dài, các cơ sở không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng phân bón hàm lượng đạm cao nên mức độ bảo vệ môi trường rất tốt. Từ thực tế này, ông Huy đặt vấn đề đo kiểm, cấp chứng nhận tín chỉ carbon cho các diện tích trồng dâu theo vùng lớn để phát triển nông nghiệp xanh.

Giải đáp thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy chỉ rõ hiện nay nhu cầu phát triển trồng râu nuôi tằm lớn, không chỉ trong nước và ngoài nước. Tiêu biểu như tại các địa phương vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc... đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả kinh tế rất cao, ước tính có thể thu nhập từ 250- 300 triệu đồng/ha/ năm. Cây trồng này có thể phát triển được trên đất đồi, đất dốc vẫn có thể phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy.

Ngoài ra tại Yên Bái, còn thu hút được nhà máy ươm tơ quy mô lớn và cho chất lượng cao xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với hiệu quả kinh tế rất cao.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, nếu đầu tư thêm, dùng phân hữu cơ, an toàn sinh học... áp dụng vào trồng dâu thì phát thải rất thấp, có tiềm năng bán tín chỉ carbon.

Bộ trưởng cũng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng tới đưa ra các công cụ để đo kiểm mức phát thải CO2 trong hoạt động trồng dâu nuôi tằm; có các biện pháp để hướng tới quá trình canh tác, sản xuất có mức phát thải thấp nhất.

“Chúng ta có thể xây dựng các công thức, phương thức để cấp tín chỉ carbon và giao dịch tín chỉ carbon với các diện tích trồng dâu nuôi tằm, nâng cao hơn hiệu quả kinh tế, góp phần đạt mục tiêu Net zero vào năm 2050”, Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng cho rằng không chỉ lĩnh vực này mà còn nhiều lĩnh vực khác trong sản xuất nông nghiệp hoàn toàn có thể hướng tới cấp chứng chỉ và giao dịch tín chỉ carbon để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

SẼ CÓ TIÊU CHÍ HƯỚNG DẪN NÔNG DÂN THỰC HIỆN SẢN XUẤT HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NET ZERO

Theo ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chủ đề về sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đang các bộ, ngành và các địa phương rất quan tâm.

Phát thải thấp trong nông nghiệp gắn với phát triển ở địa phương, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai rất nhiều giải pháp để giảm phát thải. Trong tổng cơ cấu phát thải khí nhà kính thì phát thải lớn nhất là năng lượng chiếm đến 62%, sau đó là nông nghiệp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành nông nghiệp trong giảm phát thải, Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu cho biết triển khai công tác giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những giải pháp rất tích cực.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo COP26 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch giảm phát thải đến năm 2030, trong đó có nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, đất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai để ban hành các quy định mang tính chất hướng dẫn thực hiện giảm phát thải thấp, đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ cũng đang xây dựng và ban hành tín chỉ carbon.

Ông Cường thông tin thêm trong lâm nghiệp, các đối tác quốc tế đang rất chú ý đến Việt Nam với tiềm năng về rừng. Việt Nam đã chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng).

Đây là bước khởi đầu về tiềm năng thương mại tín chỉ carbon rừng. Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,86 triệu ha, đạt tỉ lệ che phủ 42,02% và là lĩnh vực duy nhất phát thải ròng âm.

Trong nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Ngân hàng thế giới và các đối tác triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua 2 năm triển khai, Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và hướng tới mục tiêu Net Zero, Cục Biến đổi khí hậu sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dần đưa ra được tiêu chí hướng dẫn cụ thể để bà con thực hiện, ông Cường cho biết.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan