CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Địa phương duy nhất thăng hạng trong top 15 tỉnh thành GRDP cao nhất: Vượt qua Thái Nguyên, Vĩnh Phúc

Invest Global 14:56 16/01/2023

Năm 2021, top 15 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước lần lượt là TP. HCM (1), Hà Nội (2), Bình Dương (3), Đồng Nai (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (5), Hải Phòng (6), Quảng Ninh (7), Bắc Ninh (8), Thanh Hoá (9), Nghệ An (10), Hải Dương (11), Long An (12), Vĩnh Phúc (13), Thái Nguyên (14), Bắc Giang (15).

Năm 2022, Bắc Giang tăng liền 2 bậc lên vị trí thứ 13, vượt qua Thái Nguyên, Vĩnh Phúc trong bảng xếp hạng GRDP, đứng đầu vùng Trung du miền núi phía bắc, vượt mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra đến năm 2025.

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực KT-XH, tăng trưởng kinh tế nhiều năm liền trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 19,3%, cao nhất từ trước đến nay. Quy mô và cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022 theo giá hiện hành ước tính đạt 155.876,0 tỷ đồng. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: Khu vực, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,9%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 62,3%; khu vực dịch vụ chiếm 20,7%, còn lại là thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 2,1%

Ngành công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm của Bắc Giang, với vai trò là động lực cơ bản cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Công nghiệp tiếp tục là ngành có tốc độ phát triển cao nhất, đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn trong định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của tỉnh đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao như các ngành thuộc công nghiệp chế biến chế tạo. Tạo ra nguồn thu ngoại tệ lớn với giá trị xuất khẩu cao, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của cả nước với nhiều doanh nghiệp công nghiệp lớn trong lĩnh vực điện tử, dệt may…

Chỉ số phát triển công nghiệp dẫn đầu cả nước, tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 31,51% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 33,06%; ngành khai khoáng giảm 11,89%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,65%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,41%.

Để đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp như trên do một số doanh nghiệp thuộc ngành điện tử mở rộng sản xuất như: Công ty Luxshare ICT (năm 2022 doanh thu tăng 80% so với năm 2021); Công ty Fuyu (doanh thu năm 2022 tăng gấp 1,45 lần so với năm 2021)…; tình hình tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, ngoài ra có nhiều doanh nghiệp được ưu đãi về thuế, cơ sở vật chất để tăng năng suất lao động.

Ngành công nghiệp chủ chốt của tỉnh với một số sản phẩm chính tăng cao, như: Tai nghe có kết nối với micro ước đạt 66,4 triệu cái, tăng 101,13% so với cùng kỳ; Mạch in khác ước đạt 569,3 triệu chiếc, tăng 4,31% so với cùng kỳ; mạch điện tử tích hợp ước đạt 515,9 triệu chiếc, tăng 4,27% so với cùng kỳ,… Bắc Giang đang dần trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh đạt hơn 43,7 tỷ USD năm 2022, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 8 cả nước.

Đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển KT-XH của Bắc Giang chính là lực lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh với hơn 480 dự án; tổng số vốn đăng ký hơn 8,2 tỷ USD.

Những ngày đầu năm mới 2023, tỉnh Bắc Giang vui mừng được chào đón các nhà đầu tư lớn đến triển khai và cam kết đầu tư 2 dự án quy mô lớn. Các nhà đầu tư đã mang đến một khởi đầu vô cùng tốt đẹp cho bức tranh KT-XH của tỉnh năm 2023.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan