CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Theo Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, trong 88 thị trường xuất/nhập khẩu chủ yếu, Việt Nam xuất siêu sang 52 thị trường, trong đó có 11 thị trường xuất siêu trên 1 tỷ USD.
Các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần tranh thủ lợi thế để tiếp tục tăng xuất khẩu, xuất siêu trong những tháng cuối năm 2021.
Nếu như các thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn (trên 1 tỷ USD) thường ở châu Á, châu Úc, thì các thị trường mà Việt Nam xuất siêu lớn tập trung chủ yếu ở châu Âu, châu Mỹ.
Trong số những thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay, Hồng Kông tuy có diện tích nhỏ, dân số ít, nhưng là thị trường xuất khẩu lớn (với gần 5,7 tỷ USD, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2020) và đứng thứ 2 về xuất siêu (sau Mỹ).
Hồng Kông có GDP bình quân đầu người và tổng kim ngạch nhập khẩu cao, là thành phố thương cảng lớn, trung tâm thương mại, trung tâm tài chính của thế giới, là thị trường gần của Việt Nam. Từ kết quả 6 tháng, có thể dự báo, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông năm 2021 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu sang Hồng Kông 10 tỷ USD - cao hơn mức 9,32 tỷ USD của năm 2020.
Hà Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3. Hà Lan cũng có diện tích và dân số không lớn, nhưng do ở trung tâm EU - thị trường rộng lớn đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam - đồng thời có GDP bình quân đầu người và tổng kim ngạch nhập khẩu lớn, nên xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan thuận lợi.
6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lan đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020, song chỉ nhập khẩu 340 triệu USD. Dự báo cả năm 2021, xuất khẩu sang Hà Lan đạt khoảng 7,7 tỷ USD, nhập khẩu từ Hà Lan khoảng 0,7 tỷ USD, xuất siêu có thể vượt mốc 7 tỷ USD, cao hơn mức 6,34 tỷ USD của năm 2020.
Thị trường xuất siêu lớn thứ 4 của Việt Nam là Anh. Nửa năm qua, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020; trong khi nhập khẩu của Việt Nam từ Anh chỉ 413 triệu USD. Anh là nền kinh tế có quy mô GDP và quy mô nhập khẩu lớn, nên có thể tiếp tục kỳ vọng con số khả quan từ thị trường này.
Đứng tiếp theo trong danh sách là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong 6 tháng đạt 2,24 tỷ USD, tăng tới 45,2% so với cùng kỳ năm 2020. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam chỉ đạt gần 228 triệu USD. Dự báo cả năm 2021, Việt Nam xuất siêu sang thị trường này 4,05 tỷ USD, cao hơn mức 3,5 tỷ USD của năm 2020.
Canada là thị trường xuất siêu lớn thứ 6 của Việt Nam, với 2,074 tỷ USD xuất siêu từ Việt Nam trong nửa đầu năm. Tính chung cả năm 2021, Việt Nam có thể xuất siêu sang Canada 4,2 tỷ USD, cao hơn mức 3,63 tỷ USD của năm 2020. Dự báo này có tính khả thi, bởi xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đã tăng liên tục sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.
Cùng là thành viên của CPTPP như Canada, Mexico là thị trường xuất siêu lớn thứ 7 của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021. Kỳ vọng cả năm 2021, Việt Nam có thể xuất siêu sang thị trường này 3,7 tỷ USD, cao hơn mức xuất siêu 2,64 tỷ USD của năm 2020.
Đức, Bỉ, Áo là các thị trường xuất siêu lớn của Việt Nam tiếp theo trong top 10, mức xuất siêu của Việt Nam sang các thị trường này trong 6 tháng đầu năm lần lượt là 1,811 tỷ USD; 1,46 tỷ USD và 1,226 tỷ USD. Dự báo, xuất siêu của Việt Nam sang Đức, Bỉ, Áo trong cả năm 2021 lần lượt đạt 3,6 tỷ USD; 2,9 tỷ USD và 2,46 tỷ USD.
Để tiếp tục tăng xuất khẩu, xuất siêu trong những tháng cuối năm 2021, các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần tranh thủ lợi thế (lực lượng lao động đông, giá nhân công rẻ, chênh lệch tỷ giá hối đoái và tỷ giá sức mua tương đương còn lớn, các FTA đã có hiệu lực…) để xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ; đồng thời cũng tranh thủ nhập khẩu, nhất là máy móc, thiết bị công nghệ nguồn, công nghệ sạch từ các thị trường này.
Bên cạnh đó, cần lưu ý tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, quá tập trung vào các thị trường lớn; giảm mức xuất siêu đối với Mỹ. Đồng thời, cần kiểm tra chặt chẽ, vừa bảo đảm quy định về xuất xứ, vừa tránh “xuất khẩu hộ”, “tiêu thụ giùm”…
THEO BÁO ĐÀU TƯ