CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Điểm mặt 15 doanh nghiệp bất động sản lãi lớn nhất thị trường quý 1/2021: Nhiều doanh nghiệp lãi gấp 5 cùng kỳ 2020

Invest Global 14:35 10/05/2021

Các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất toàn ngành là Kinh Bắc (tăng 556%), Vinaconex (tăng 323%), SIP (tăng 232%), Novaland (tăng 158%), Nam Long (tăng 149%), Becamex IJC (tăng 144%).

Thống kê số liệu của chúng tôi cho thấy top 15 doanh nghiệp bất động sản lãi lớn nhất thị trường quý 1/2021 có tổng doanh thu đạt 56.726 tỷ đồng, tăng 57% cùng kỳ năm trước, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 16.718 tỷ đồng, giảm 1% trong đó chủ yếu do hai ông lớn là Vinhomes và Vingroup giảm lợi nhuận, còn hầu hết các doanh nghiệp khác tăng bằng lần hoặc chí ít cũng tăng trưởng hai con số.

Các doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất toàn ngành là Kinh Bắc (tăng 556%), Vinaconex (tăng 323%), SIP (tăng 232%), Novaland (tăng 158%), Nam Long (tăng 149%), Becamex IJC (tăng 144%).


Quán quân lãi lớn nhất thị trường bất động sản vẫn là Vinhomes (mã VHM) với 7.085 tỷ đồng, giảm 30% cùng kỳ năm trước mặc dù doanh thu quý 1/2021 của Vinhomes đạt gần 13.000 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ 2020. 

Về cơ cấu, doanh thu chuyển nhượng bất động sản 10.016 tỷ đồng, tăng 75%; doanh thu dịch vụ tổng thầu xây dựng và giám sát thi công ghi nhận hơn 1.826 tỷ đồng, tăng đột biến; các hoạt động dịch vụ quản lý bất động sản đem về 478 tỷ đồng, tăng 31%; dịch vụ cho thuê 354 tỷ đồng, tăng 27%. 

Mặc dù doanh thu gấp đôi song lợi nhuận của Vinhomes giảm là do khoản thu nhập từ chuyển nhượng đầu tư quý 1/2020 cao đột biến (7.508 tỷ đồng so với con số 1.745 tỷ đồng của kỳ này).

Vingroup có doanh thu cao nhất, đạt 23.305 tỷ đồng, tăng 50% cùng kỳ năm trước nhưng về lợi nhuận đứng thứ hai sau Vinhomes, với 2.786 tỷ đồng LNTT, giảm 19% cùng kỳ năm trước. 

Khoảng hơn 1 tỷ doanh thu của Tập đoàn Vingroup trong quý 1, 10.656 tỷ đồng đến từ chuyển nhượng bất động sản, tăng 55%; sản xuất đem về 4.814 tỷ đồng, tăng 48%; dịch vụ cho thuê bất động sản 1.885 tỷ đồng, tăng 5%; doanh thu khách sạn, du lịch, giải trí 933 tỷ đồng, giảm 48%; đặc biệt doanh thu khác đem về 3.505 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần… Vingroup cho biết doanh thu bất động sản tiếp tục đến từ việc bàn giao tại ba đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park. Doanh thu hoạt động sản xuất tăng mạnh nhờ doanh số bán xe và điện thoại tiếp tục tăng trưởng tốt.


Ông lớn bất động sản thứ hai trên thị trường sau Vingroup là Novaland (mã NVL), có lợi nhuận lớn thứ ba trong top 15 doanh nghiệp BĐS có lợi nhuận lớn nhất toàn ngành. Quý này NVL gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ một quý, đạt 1.261 tỷ đồng LNTT, tăng 158% cùng kỳ năm trước. Doanh thu tăng đột biến đạt 4.507 tỷ đồng, tăng 372%.

Năm 2021 Novaland đặt mục tiêu doanh thu thuần 27.500 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với kết quả đạt được trong năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.100 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với thực hiện năm trước.

Các dự án nằm trong kế hoạch bàn giao năm nay gồm: Aqua City (Đồng Nai), NovaHills Mui Ne Resort & Villas, NovaWorld Phan Thiet (Bình Thuận) và NovaWorld Ho Tram (Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong đó, dự án Novaworld Phan Thiet có giá trị đầu tư khoảng 5 tỷ USD sẽ bắt đầu bàn giao từ quý II năm nay.

Thời gian tới Novaland sẽ phát triển thêm 2 dự án mới bao gồm một dự án nhà ở tại khu Đông TP HCM và một dự án nghỉ dưỡng tại một trong ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Xếp hạng thứ tư là Vincom Retail (mã VRE) với LNTT quý 1/2021 đạt 980 tỷ đồng, tăng 58% cùng kỳ năm trước. 

Doanh thu của VRE trong quý 1 đạt 2.226 tỷ đồng, tăng 32%. Trong đó, hoạt động cho thuê bất động sản đầu tư đạt 1.712 tỷ đồng, tăng 18,2%. Doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản đạt 452 tỷ đồng, tăng 124,9%, chủ yếu đến từ việc bàn giao ba dự án nhà phố thương mại lớn là Mỹ Tho, Bạc Liêu và Uông Bí. Tính đến hết ngày 31/3/2021, Vincom Retail sở hữu và vận hành 80 TTTM tại 43 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tổng diện tích sàn bán lẻ đạt khoảng 1,7 triệu m2.

Vào tháng 4/2021, với việc khai trương siêu quần thể Phú Quốc United Center, Vincom Retail đã chính thức đưa vào hoạt động "Thành phố giải trí 24/7" Grand World, khai thác mô hình du lịch mua sắm tại Việt Nam và kỳ vọng lượng du khách lớn trong mùa cao điểm du lịch.

Thứ năm, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (mã KBC) đạt 2.002 tỷ đồng doanh thu, tăng 260% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 882 tỷ đồng, tăng 556%. Năm 2021, Kinh Bắc đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 lần và 6,25 lần thực hiện năm 2020. Công ty cho biết sẽ tăng tốc đầu tư hạ tầng các dự án KCN Quang Châu, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Tân Phú Trung, KCN Tràng Duệ 3, KĐT mới Phúc Ninh, KĐT Tràng Duệ, KĐT Tràng Cát.

Xếp hạng thứ 6, Becamex IDC (mã BCM) với doanh thu hợp nhất quý 1/2021 đạt 1.398 tỷ đồng, tăng 13,7%; lợi nhuận trước thuế đạt 508 tỷ đồng, tăng 39% cùng kỳ 2020.

Năm 2021 Becamex IDC đặt mục tiêu đạt 8.900 tỷ đồng tổng doanh thu. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 5,2% so với lợi nhuận thực hiện năm 2020.

Năm 2021, Tổng công ty Becamex đặt mục tiêu động thổ và khởi công các dự án trọng điểm đồng thời khánh thành đưa vào khai thác sử dụng các dự án tạo lực về công nghiệp – đô thị và dịch vụ như KCN Cây Trường (Bình Dương) với diện tích quy hoạch 700ha với vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; Khởi công Khu Văn hóa - Thương mại, Dịch vụ - Nhà ga trung tâm A1 (Khu Phức hợp WTC Bình Dương New City); Khánh thành Trung tâm triển lãm WTC Expo TPM Bình Dương; Khánh thành Xưởng thực nghiệm sinh viên; Thông xe toàn tuyến Tân Vạn – Mỹ Phước – Bàu Bàng.

Vị trí thứ 7, Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) có doanh thu hợp nhất quý 1/2021 đạt 1.354 tỷ đồng, tăng 25% cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế đạt 495 tỷ đồng, tăng 68%.

Vị trí thứ 8, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – mã VCG) đạt 952 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% cùng kỳ 2020 nhưng LNTT đạt 452 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2020; lãi sau thuế 345 tỷ đồng cao gấp 5,4 lần so với quý 1/2020.

Tại ĐHĐCĐ, ông Đào Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT cho biết doanh thu bất động sản năm 2021 của Vinaconex có thể để từ dự án 93 Láng Hạ, hiện xây xong tầng 20, có thể bán được. Doanh thu còn có thể đến từ một dự án bất động sản shophouse tại Móng Cái hiện đang trong quá trình thi công.

Ngoài ra dự án tại Cát Bà cũng dự kiến kinh doanh một phần, đó là các dự án biệt thự và nhà liền kề đã ký hợp đồng với khách trong thời gian trước. Từ năm 2022, Vinaconex cố gắng có doanh thu lớn từ dự án Cát Bà.

CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) có doanh thu quý 1/2021 đạt 236 tỷ đồng giảm 43% cùng kỳ năm trước nhưng LNTT đạt 348 tỷ đồng, tăng 149% nhờ khoản lợi nhuận khác đột biến 427 tỷ đồng. 

Năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.963 tỷ đồng, tăng 124% năm trước, lợi nhuận sau thuế 1.367 tỷ đồng, tăng 61% năm 2020. Như vậy, quý 1, công ty đã hoàn thành 26,77% kế hoạch năm.

Nam Long cho biết với hai mảng kinh doanh cốt lõi Phát triển quỹ đất và Phát triển nhà ở, trong 3 năm tới, Nam Long dự kiến tăng trưởng doanh số trung bình 85% mỗi năm, tăng trưởng doanh thu trung bình 72% mỗi năm ở mảng lõi này.

Tập trung phát triển các khu đô thị tích hợp như Southgate (waterpoint giai đoạn 1 - 165 ha), Mizuki 26 ha, Izumi City (Waterfront – 190 ha), Akari, Nam Long – Cần Thơ (43 ha)…chuyển đổi Nam Long dần từ phát triển nhà ở "vừa túi tiền" hàng đầu thành nhà phát triển khu đô thị tích hợp. 

Tại phân khúc nhà ở, Công ty dự kiến phát triển thêm các phân khúc mới tại các quận ưu tiên của vùng Tp.HCM, bên cạnh các dòng sản phẩm quen thuộc như EHome, Flora, Valora. NLG cũng mở rộng địa bàn ra Hà Nội và các đô thị cấp 2 có tiềm năng phát triển.

Về cơ bản, mặt bằng lãi suất thấp đang hỗ trợ rất lớn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản. 

Về vấn đề giá vật liệu xây dựng tăng cao, điều này ảnh hưởng mạnh đến các nhà thầu xây dựng. Chỉ trong 4 tháng đầu năm, giá thép thành phẩm tại thị trường trong nước đã tăng 30% - 40%. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thép tăng gần gấp đôi. Nhiều chủ đầu tư có thể sẽ phải tính toán lại giá bán nhà. Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) nhận định, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ "vỡ trận", phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến trong 4 tháng đầu năm 2021.

(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan