CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhà đầu tư:Từ những nền tảng công nghệ như Postmart, Vỏ Sò, Sen Đỏ, Shopee, Lazada, Tiki đã tham gia hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang. Cho đến Chợ Tốt, Grab và Be cũng tham gia giúp đỡ nhà vườn và cửa hàng trái cây vượt qua khó khăn mùa dịch.
Dịch COVID-19 là thảm họa toàn cầu nhưng cũng được nhận định là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, một thách thức lớn với phát triển kinh tế số tại Việt Nam là kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng yêu cầu.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, dịch COVID-19 đang là tác nhân khiến người tiêu dùng gia tăng tần suất dùng thương mại điện tử, thanh toán số, vì thế cần thúc đẩy mạnh để các hộ nông dân nhanh chóng làm quen với phương thức kinh doanh qua sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang là chính yếu, một số nền tảng còn tích cực tìm đầu ra cho các cửa hàng nhỏ, nông dân, thương lái chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nhiều nền tảng công nghệ cùng tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ảnh: ICTNews
Theo đó, Vietnam Post và Viettel Post đã đẩy mạnh hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên tiêu thụ trên các sàn Postmart, Vỏ Sò.
Từ ngày 10/5, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã khởi động chiến dịch hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản có tính mùa vụ.
Vải thiều Hải Dương, dưa hấu Quảng Bình và mít Thái ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là ba loại nông sản được Vietnam Post chọn đưa lên tiêu thụ qua sàn Postmart của doanh nghiệp mình.
Tương tự Vietnam Post, cùng với việc kích hoạt trở lại các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đang hỗ trợ bà con nông dân Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm hành tím qua sàn Vỏ Sò.
Từ kinh nghiệm có được từ đợt hỗ trợ nông dân Hải Dương hồi tháng 3, cả Vietnam Post và Viettel Post đều cho rằng, để nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho các hộ nông dân, hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cần được thực hiện theo cách “cầm tay chỉ việc”.
Cũng vì thế, Viettel Post lên kế hoạch tại mỗi địa phương, sẽ tổ chức các nhóm nhân sự xuống tận trang trại, nhà vườn, hợp tác xã… để trực tiếp hướng dẫn bà con cách tạo tài khoản, livestream, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và vận hành gian hàng trên sàn Vỏ Sò.
Vietnam Post và sàn Postmart đã đào tạo để các nhân viên bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã có thể hướng dẫn tận nơi cho các hộ nông dân trên địa bàn về các công đoạn bán hàng online, cách thức để đăng ký và bán hàng trên sàn Postmart...
Một ông lớn dịch vụ công nghệ khác là Grab vừa tung ra hai kênh để tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, trong đó có dự án đặt mục tiêu bán được 300 tấn vải Lục Ngạn.
Cụ thể, Grab và chuỗi siêu thị Big C vừa kết hợp mở bán vải thiều Bắc Giang trên nền tảng này. Khách có thể chọn mua vải ở các cửa hàng Big C trên GrabMart với giá 29.000 đồng/kg. Người dùng được giảm phí giao hàng hoặc giảm giá nếu mua số lượng nhiều. Hiện nay, người dân ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM đều có thể mua qua kênh này.
Ngoài ra, nền tảng gọi xe này triển khai chương trình GrabConnect, cho khách đặt trước vải Lục Ngạn trên GrabMart. Người mua điền thông tin mua hàng, chờ gọi xác nhận và thanh toán, nhận hàng. Chương trình này dự kiến tiêu thụ 300 tấn vải. GrabConnect đặt mục tiêu kết nối nông sản và đặc sản địa phương từ nông dân đến người tiêu dùng khắp cả nước thông qua ứng dụng công nghệ. Trong đó, dự án đầu tiên là tiêu thụ vài thiều Bắc Giang.
Tiki cũng lần đầu hợp tác với BigC để bán vải Bắc Giang. Theo đó, vải thiều được bán với giá từ 29.900 đồng/kg, miễn phí vận chuyển với đơn hàng nhất định và tặng mã giảm giá trực tiếp. Hiện gian hàng của BigC trên Tiki có thể tiếp cận người mua ở 26 tỉnh thành. Dự kiến, lượng vải thiều tiêu thụ trong chiến dịch đạt 16 tấn. Mỗi đơn hàng thành công Tiki sẽ trích 5% để góp vào Quỹ phòng chống COVID-19.
Chợ Tốt và ứng dụng gọi xe be đã mở chiến dịch hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Với hợp tác này, nhà vườn hay sạp bán trái cây có thể đăng bán trên Chợ Tốt mà không mất phí hay chiết khấu trên đơn hàng.
Các đơn hàng mua trái cây và nông sản sẽ được Be hỗ trợ giao hàng tận nhà miễn phí trong vòng bán kính 4km (tối đa 20.000 đồng/chuyến), áp dụng khi mua tại TP.HCM và Hà Nội.
Phía Chợ Tốt cho biết hiện có hơn 1.400 tin đăng bán trái cây các loại từ sầu riêng, bưởi, bơ, vải, mận, khoai lang… do nông dân, thương lái, cũng như các tổ chức hỗ trợ giải cứu nông sản đăng lên.
Trước đó, trên nền tảng này, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ TP.HCM phối hợp cùng Sở Công Thương Đồng Tháp triển khai chương trình bán khoai lang tím cho các đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn TP.HCM. Mức giá 6.000 đồng/kg, miễn phí giao hàng tại TP.HCM cho đơn hàng từ 50kg. Giá thu mua hỗ trợ nông dân là 5.000 đồng/kg.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ