CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh do lo ngại lạm phát tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng bởi cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga – Ukraina và việc thay đổi chính sách của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Trong báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm, Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã đánh giá về triển vọng cũng như kịch bản trong thời gian tới cho VN-Index.
Theo đó, báo cáo chỉ ra mối tương quan giữa TTCK Việt Nam với TTCK Mỹ. Cụ thể, sự tương quan (R-Squared) giữa chỉ số VN-Index và chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ trong giai đoạn đầu năm 2022 đến hết 15/6 có giá trị tương đối cao là 0,73. Điều này cho thấy diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay đồng pha, và chịu ảnh hưởng khá lớn từ thị trường thế giới.
Trong 2 tuần đầu tháng 6, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến tiêu cực trong 2 tuần đầu tháng 6 cùng xu hướng với thị trường tài chính toàn cầu. Tính tới hết ngày 15/6, PSI nhận định thị trường VN đã ở giai đoạn Downtrend trong dài hạn khi giảm hơn 20% kể từ đỉnh và khoảng 19% kể từ đầu năm. Chỉ số VN-Index liên tục phá vỡ các mức hỗ trợ quan trọng trước đó. NĐT cũng được khuyến nghị với trạng thái thận trọng hơn khi hầu hết đều đã ghi nhận mức lỗ đáng kể.
Thanh khoản giảm về mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua
Nhận định về thanh khoản trên thị trường, chứng khoán Dầu khí cho rằng cùng với xu hướng giảm điểm trong tháng 5, thanh khoản cũng liên tục "mất hút" trên toàn thị trường. Tính tới hết ngày 27/5, tổng GTGD bình quân 3 sàn đạt 16.229 tỷ đồng trong tháng 5, giảm về mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua.
Về xu hướng dòng tiền của từng nhóm NĐT, thống kê cho thấy giai đoạn tháng 4 và nửa đầu tháng 5, tổng giá trị giao dịch danh nghĩa trên thị trường HĐTL chỉ số VN30 đã tăng vọt. Cụ thể, GTGD liên tục ở ngưỡng hơn 50.000 tỷ đồng, kỷ lục lên tới 56.000 tỷ đồng trong khi thanh khoản của thị trường cổ phiếu tụt xuống mức rất thấp. Ngoài ra, số liệu từ Sở GD CK TP.HCM (HoSE) cho biết khối ngoại tiếp tục gom ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên HoSE, tháng thứ 2 liên tiếp quay trở lại mua ròng bất chấp chỉ số giảm sâu.
Mức định giá hấp dẫn trong lịch sử và trong khu vực
Với những diễn biến điều chỉnh trong tháng 5, việc thị trường tiếp tục giảm sâu sau tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6 khiến định giá P/E hiện tại của thị trường đang ở mức thấp so với khu vực, tương ứng 13,1 lần, thấp hơn nhiều lần mức trung bình 10 năm là 15 lần.
Đặc biệt, PSI đánh giá Việt Nam có mức tăng trưởng EPS cao nhất trong khu vực tính tới hết tháng 5 ở mức 7%. Hiện, thị trường đang được định giá rất hấp dẫn với P/E 13,1 lần.
03 kịch bản cho chỉ số VN-Index 6 tháng cuối năm
Theo PSI, trong bối cảnh "bóng ma" đình lạm – một trạng thái kinh tế hiếm hoi với sự kết hợp cả lạm phát cao, thất nghiệp cao và tăng trưởng thấp, sẽ làm cho áp lực điều chỉnh cũng như rủi ro trên thị trường tài chính ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, là một quốc gia sản xuất và gia công trong chuỗi cung ứng hàng hóa thế giới, đa phần sản xuất hàng hóa thiết yếu, Việt Nam sẽ hạn chế được việc phải nhập khẩu lạm phát từ thế giới. "Thị trường chứng khoán Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra những nhịp điều chỉnh chung theo thị trường thế giới tuy nhiên sẽ tích lũy phục hồi sau đó", PSI đánh giá.
Đáng chú ý, đội ngũ phân tích PSI đưa ra dự đoán với kịch bản cơ bản VN-Index sẽ tiếp tục giao dịch tích lũy trong vùng điểm 1.165-1.365, với mức P/E forward tương ứng từ 11,4 đến 13,3.
Đối với kịch bản lạc quan, PSI dự phóng VN-Index sẽ giao dịch trong vùng 1.400-1.550 điểm, P/E forward tương ứng 13,7 đến 14,7.
Ngược lại, với kịch bản thận trọng, chỉ số chính có thể giao dịch trong vùng 1.080-1.150 điểm với mức P/E forward hấp dẫn 10,6 đến 11,2 lần.
PSI đưa ra một số kịch bản có thể đến với VN-Index