CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Sáng 25/10, tại diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số", ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để phát triển trong nền kinh tế số.
Theo ông Trịnh Minh Anh, kinh tế số của Việt Nam đang trên đà phát triển, tạo ra những mô hình kinh doanh phi truyền thống, từ việc đăng ký kinh doanh, sử dụng hóa đơn điện tử cho đến bán lẻ trực tuyến, bất động sản hay ngân hàng. Ngay trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam ký kết trong những năm gần đây cũng có chương riêng về thương mại điện tử.
"Trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu đối với việc truyền dẫn điện tử; không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kỹ thuật số tương tự nhau và cam kết thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số và tôn trọng quyền tự do thỏa thuận phương thức chữ ký số… tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn thuận lợi hơn", ông Trịnh Minh Anh nói thêm.
Toàn cảnh Diễn đàn "Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số".Nắm bắt cơ hội phát triển từ kinh tế số, ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các lĩnh vực như thương mại điện tử, thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử, các giải pháp ngân hàng điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam gặp không ít khó khăn, thách thức trong nền kinh tế số như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu công nghệ và nhân lực công nghệ thông tin có trình độ cao... Trong khi đó, khung pháp lý, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin vẫn đang tiếp tục hoàn thiện.
"Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số để bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và sự phát triển của cuộc Cách mạng lần thứ tư, tránh tụt hậu về công nghệ đang là yêu cầu cấp bách, cần cả vai trò của Nhà nước và tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp", ông Trịnh Minh Anh nhận định.
Theo Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, Chính phủ cần quán triệt quan điểm "đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo" và thực hiện có kết quả các chủ trương, nhiệm vụ về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đây chính là điều kiện thiết yếu để tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số.
Cùng với đó, đẩy nhanh chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, phát huy tính tiên phong của doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ kỹ thuật số là nội dung quan trọng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phát triển những lĩnh vực theo xu hướng số hóa như năng lượng tự động, hệ thống giao thông vận tải; đào tạo từ xa, quản lý giảng dạy và học tập trực tuyến; quản lý hồ sơ bệnh án, điều trị bệnh trực tuyến; hệ thống quản lý nông - lâm - ngư nghiệp từ xa, thương mại điện tử được chuyển đổi số…
Ông Trịnh Minh Anh phát biểu tại diễn đàn.Bên cạnh đó, cần phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng số; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và kiểm soát những hình thức thanh toán trực tuyến, nhất là những giao dịch xuyên quốc gia. Chủ động hoàn thiện hệ thống hạ tầng thanh toán số song song với việc thống nhất, đồng bộ phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để giao dịch trên toàn quốc.
Đối với các doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Anh cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số, điều tiên quyết là phải chủ động đổi mới, sáng tạo, nắm bắt kịp thời các công nghệ mới; chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ những yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, ứng dụng cách thức mới để phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ số thành công phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh, trình độ năng lực của từng doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp nên có phương thức, hướng đi riêng và cách thức chuyển đổi sao cho phù hợp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tìm kiếm. cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ, phát triển các phương thức kinh doanh mới. Doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh thì càng tham gia tốt hơn vào nền kinh tế số và có cơ hội trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.