CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Giá trị sản xuất của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
M&A NHIỀU THƯƠNG VỤ LỚNThị trường M&A ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam đang khởi sắc và phát triển mạnh mẽ. Trong những năm qua, đã có rất nhiều thương vụ M&A ngành thực phẩm (sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm) diễn ra và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới.
Điển hình là các thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty cổ phần Á Mỹ Gia…
Các giao dịch M&A được nhiều nhà đầu tư xem là cách hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng và giá trị các giao dịch M&A hoàn tất tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng bền vững trong những năm trở lại đây. Dự kiến, M&A còn tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đi vào thực thi.
Thông tin trên được Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu chia sẻ tại hội thảo “Xu hướng và công nghệ mới trong ngành thực phẩm chế biến”, do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức ngày 26/5/2023.
Các diễn giả tham dự hội thảo - Ảnh: PT.Theo thống kê của Bộ Công Thương, giá trị sản xuất của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm chiếm tỷ trọng 19,1% trong nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC, cho biết với tỷ trọng giá trị sản xuất cao cho thấy ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có nhiều thế mạnh với nhiều thương hiệu lớn, thị trường ổn định và có khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp nước ngoài và còn nhiều dư địa cho sự phát triển. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm không nhiều (gần 01% tổng số doanh nghiệp cả nước).
Do đó, cần giữ vững thị trường và thị phần của ngành thực phẩm chế biến là điều mà các doanh nghiệp nội cần chú trọng.
CẦN GIA TĂNG SẢN PHẨM CHẾ BIẾNTheo TS Lê Minh Hùng, Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn, để ngành thực phẩm chế biến, trong đó có chế biến rau củ quả thì việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản sau thu hoạch là rất cần thiết. Ngành này cũng đang có sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Hùng cho biết thêm, rau củ quả đã đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,34 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,3 tỷ USD; rau quả chế biến đạt hơn 1 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu rau quả chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả từ 26% trong năm 2021 (923 triệu/3,52 tỷ USD) đã tăng lên đạt 30,4% năm 2022 (1 tỷ /3,34 tỷ USD).
Đối với chế biến thuỷ sản, hiện cả nước có trên 847 nhà máy chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó 692 nhà máy có mã xuất khẩu đi châu Âu. Số lượng này lớn hơn 1,4-4,0 lần so với các nước Thái Lan, Ấn Độ và Indonesia.
Theo ông Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thức ăn và sau thu hoạch Thủy sản (APOTEC), Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, điều này đã giúp cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt kỷ lục 11 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, các sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng chiếm 65-70%, sản phẩm hải sản khai thác chiếm 30-35% tổng giá trị kim ngạch.
Đối với mặt hàng chế biến nông sản từ gạo, như: mì gạo, bún khô, hủ tiếu không, phở khô… là những sản phẩm mà khách hàng châu Âu rất thích, do bảo quản được lâu và quan trọng là các sản phẩm này không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các quốc gia trên thế giới như: Safoco, Sa Giang, Thiên Nhiên Xanh, Nàng Hương…
Theo ông Võ Công Thức, Giám đốc Chất lượng Tập đoàn Lộc Trời, chất lượng gạo Việt ngày càng cải thiện và là đầu vào đảm bảo cho các thực phẩm chế biến bún, mì, hủ tiếu, phở khô... xuất khẩu.
Ngay như Tập đoàn Lộc Trời đã phối hợp với một số địa phương triển khai mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”. Ðây là mô hình cải tiến quy trình sản xuất nhằm tiết giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc sử dụng giảm 20% thông qua việc đồng bộ cơ giới hóa.
“Nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân…”, ông Thức nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), điều này mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển.
Tuy nhiên, nếu không chuẩn bị tốt để cạnh tranh với dòng sản phẩm thực phẩm chế biến đa dạng của các nhãn hiệu quốc tế, thì những doanh nghiệp nội có thể sẽ là “miếng mồi” trong phương thức thâm nhập và khai thác thị trường nội địa Việt Nam thông qua việc M&A của các doanh nghiệp ngoại.