CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nghiệp Việt e dè rót vốn làm thức ăn chăn nuôi

Invest Global 14:19 28/09/2022

Theo đó, nói đến mảng chăn nuôi heo, chế biến thịt phải kể tới những cái tên như Masan, Dabaco, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Hùng Nhơn… nhưng khi đề cập tới mảng thức ăn chăn nuôi, người ta chỉ nhớ tới những doanh nghiệp FDI như De Heus, C.P, Japfa Comfeed…

Khối nội chỉ chiếm 40% thị phần

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá Việt Nam đang có quy mô ngành chăn nuôi nằm trong nhóm dẫn đầu Đông Nam Á với năng lực sản xuất cơ bản đáp ứng nhu cầu thực phẩm thị trường nội địa và một phần cho xuất khẩu; ngành chăn nuôi hiện đóng góp 25,2% GDP cho ngành nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng khá cao, dư địa còn lớn về năng suất, chất lượng và thị trường. Sản phẩm chăn nuôi heo ngoài đáp ứng thị trường nội địa thì đã có xuất khẩu, như: thịt heo choai, heo sữa...

-9527-1664268943.png

Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm khoảng 40% sản lượng thức ăn chăn nuôi. 

Tuy nhiên, báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng cho thấy năm 2019, cả nước có 265 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đến năm 2021 là 269 cơ sở (doanh nghiệp FDI 90 cơ sở, trong nước 179 cơ sở), tập trung nhiều nhất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam Bộ. Tổng công suất thiết kế của 269 cơ sở là 43,3 triệu tấn, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 51%, trong nước chiếm khoảng 49%.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp của cả nước năm 2019 đạt 18,9 triệu tấn, đến năm 2021 đạt 21,9 triệu tấn, tăng 15,9%; trong đó doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 60%, doanh nghiệp trong nước khoảng 40% về sản lượng.

Điều này cho thấy, dù sở hữu số lượng nhà máy nhiều hơn doanh nghiệp FDI nhưng rõ ràng thị phần của khối nội khiêm tốn hơn. Một trong những thương vụ đáng chú ý trong năm 2021 là Masan bán toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi cho Tập đoàn De Heus của Hà Lan. Sau thương vụ trên, De Heus sở hữu tới 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại những tỉnh thành trọng yếu của cả nước. Cùng với đó, tập đoàn C.P, Japfa Việt Nam... cùng nhau chi phối thị phần. Được biết, hiện Japfa có 6 nhà máy với sản lượng 1,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm (dự kiến tháng 11 tới đưa vào vận hành thương mại thêm 1 nhà máy)…

Thực tế, không phải là doanh nghiệp Việt Nam không nhìn thấy tiềm năng từ ngành thức ăn chăn nuôi, nhưng có lẽ những khó khăn về nguồn nguyên liệu là lý do khiến khối nội e dè. Ông Phan Ngọc Ấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc BaF Việt Nam, chia sẻ đang có định hướng phát triển mạnh mảng chăn nuôi, sắp tới sản xuất thêm thức ăn chăn nuôi và bán một phần cám ra thị trường. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp này lo lắng nhất là giá nguyên liệu sản xuất thức ăn vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

“Chúng tôi đã tham gia các cuộc họp với Cục Chăn nuôi nhưng còn băn khoăn về giải pháp nguyên liệu. Hiện nay, ngô nội nhiều nhưng không dùng cho sản xuất thức ăn trong nước được, đa số vẫn phải đi nhập khẩu với giá đắt đỏ, có thời điểm lên tới 16.000 đồng/kg”, ông Ấn cho biết.

Phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu

Thời gian qua, phụ thuộc nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn là vấn đề được nhắc tới nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi gần 6,6 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác. Ví dụ, năng suất ngô của Việt Nam chỉ 4,8 tấn/ha nhưng của các nước sử dụng nguồn giống chuyển gen, năng suất tới 9 tấn/ha. Đậu tương của Mỹ 1 cây có tới 132 quả nhưng của Việt Nam chỉ được chưa đến 70 quả.

-8498-1664268943.png

Sản xuất thức ăn chăn nuôi gặp khó khi phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. 

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông tin thêm, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT và các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.

Trong khi đó, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi dự báo năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc. Theo đó, các doanh nghiệp cần tăng cường dự trữ nguyên liệu. Thông thường tỷ lệ dự trữ nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi của các nước là trên 21%. Điều này vô cùng quan trọng vì nó đảm bảo ổn định giá thành hệ thống chăn nuôi khi xảy ra khủng hoảng về giá.

Ông Chinh cũng cho biết thời gian qua, một số tập đoàn chăn nuôi có tiềm lực về vốn đã thường xuyên phải mua chung khối lượng hàng lớn để tiết kiệm chi phí nhằm giảm giá thành thức ăn chăn nuôi. Đây cũng là lợi thế của khối ngoại khi có chuỗi cung ứng, sản xuất gắn mật thiết với các công ty ngoại ở nước ngoài.

Trước thực tế Việt Nam tự chủ được 40% nguyên liệu, còn lại 60% phụ thuộc vào nhập khẩu, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng Việt Nam có lợi thế làm nông nghiệp, một năm xuất khẩu gần 50 tỷ USD nông sản, vì vậy việc không sản xuất được nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là điều đáng tiếc, nên tập trung vào các loại nguyên liệu mà Việt Nam có lợi thế để mở rộng diện tích.

Đồng thời, rõ ràng trong một thị phần cạnh tranh khốc liệt này, việc các doanh nghiệp nội chen chân vào sau cũng rất khó khăn. Do vậy, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích khối nội đầu tư vào những phân khúc khác như chế phẩm probiotic, enzym, thảo dược, các loại khoáng đa lượng, khoáng vi lượng và các loại thảo dược... Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính để tiết kiệm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Lê Thúy

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan