CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Doanh nhân sáng chế ra máy trợ thở MV20 lại tiếp tục làm khẩu trang diệt virus

Invest Global 10:29 21/08/2021

Năm ngoái, những chiếc máy trợ thở do ông nghiên cứu, chế tạo đã được chuyển về Việt Nam. Còn năm nay, ông cùng các cộng sự tiếp tục thực hiện dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”…


Ông Trần Ngọc Phúc là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch và Tổng Giám đốc Công ty Metran, đồng thời là chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản. Năm nay 73 tuổi, ông được ví là "cha đẻ" của máy hô hấp nhân tạo tần số cao Hummingbird, máy trợ thở đa năng Eliciae MV20, và giờ đây là sản phẩm vừa hoàn thiện có tên gọi “Khẩu trang không khí của tương lai”.

Năm 2020, kết quả đánh giá từ London về Nhật Bản cho thấy nếu nước này không triển khai máy thở vào điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tỷ lệ tử vong có thể lên đến con số 400.000 người. Ông Phúc khi đó đã sớm được Chính phủ Nhật Bản đặt hàng sản xuất chiếc máy thở đặc trị căn bệnh hô hấp này. 

Khi Việt Nam đang cần sự trợ giúp trong công cuộc phòng chống dịch, ông mong muốn góp một phần công sức cho Việt Nam bằng tri thức và uy tín 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất máy thở. Và cuối cùng, chiếc máy thở MV20 đã được ra đời với tất cả tâm huyết và hy vọng của ông.

Ông Trần Ngọc Phúc - Chủ tịch Metran Japan trong lễ chuyển giao 2.000 máy trợ thở cho Việt Nam hồi tháng 4/2020.

MV20 là dòng máy thở được sản xuất với các chức năng hữu hiệu nhất, tiên phong kết hợp hai chức năng xâm lấn và không xâm lấn. Nhà phát minh khuyến cáo nên sử dụng chức năng xâm lấn để điều trị Covid-19 nhằm tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân và các y bác sĩ.

Trong quá trình chế tạo máy trợ thở đa năng MV20, ông đã khéo léo cho lồng ghép các chức năng để trong thời kỳ đại dịch thì máy có thể chữa trị bệnh nhân Covid-19, còn thời bình thường là công cụ hữu hiệu cho các bệnh viện tuyến huyện chữa bệnh liên quan đến hô hấp ở mức nhẹ. Khi bệnh nhân được điều trị ở giai đoạn bệnh chưa trở nặng, áp lực quá tải lên các bệnh viện tuyến trung ương cũng từ đó được giảm bớt.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm ứng dụng ở Việt Nam, những sáng chế của ông Trần Ngọc Phúc còn là giải pháp dành cho cộng đồng trên toàn thế giới, trong đó phải kể đến dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”. Dự án này chứa đựng tâm huyết của ông cùng các đồng sự trong việc sáng tạo sản phẩm khẩu trang ứng dụng công nghệ, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, thuận tiện cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phối, có bộ lọc diệt virus...

Khẩu trang này có đặc điểm như chất liệu silicon, bộ lọc không khí an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường không khí xung quanh. Khoang khẩu trang tạo áp lực dương, đảm bảo không khi chưa lọc khuẩn không thể xâm nhập vào hệ hô hấp. Mặt khác, thiết bị đi kèm được nối bằng một ống dẫn khí với khẩu trang có tích hợp tia tử ngoại diệt virus bám trên bề mặt cùng khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh. 

Sản phẩm khẩu trang mới của Metran sẽ có khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh qua kết nối Wi-Fi và Bluetooth. Trong tương lai sản phẩm sẽ được bổ sung thêm cảm biến đo áp lực không khí, ô nhiễm không khí, thân nhiệt của người sử dụng. Các dữ liệu có thể được đưa lên Cloud (đám mây) để từ đó tiến hành phân tích, bảo vệ cho người dùng.
Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ thích hợp để kháng virus SARS-CoV-2 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5. Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mạn tính (COPD), giúp họ tự bảo vệ bản thân trong môi trường không khí, một chủ đề mà ông Phúc đã bỏ công nghiên cứu từ nhiều năm về trước. “Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng,” ông Phúc chia sẻ.

Khác với sản phẩm bằng vải hoặc dùng một lần, khẩu trang được làm bằng tấm nhựa y tế trong suốt chống mờ, không thẩm thấu để ngăn các giọt bắn từ miệng đọng lại và thoát ra ngoài. Ông Trần Ngọc Phúc phát triển ba phiên bản dùng cho hoạt động sinh hoạt hàng ngày, vùng dịch bệnh và môi trường nhiều khí độc (nhà máy, hầm than), phù hợp với mọi lứa tuổi trong từng điều kiện môi trường khác nhau. Trong đó, khẩu trang dùng trong vùng dịch và môi trường khí độc được tích hợp thêm màng lọc hoặc màng chắn zeolite tăng cường bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh.

Chiếc khẩu trang “của tương lai” này không chỉ kháng virus SARS-CoV-2 mà còn có thể lọc được bụi mịn 2.5.

Còn nhớ, hồi tháng 4/2020, khi đó Covid-19 ở giai đoạn cao điểm, ông Phúc phối hợp một số doanh nghiệp trong nước triển khai dự án hỗ trợ 2.000 máy thở MV20 đưa về Việt Nam phục vụ chống Covid-19.

Với dự án khẩu trang thoáng khí, diệt virus mới này, hiện ông Phúc cùng các cộng sự đang trao đổi với một số doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất, với mong muốn giúp người dân và các y bác sĩ có thể sử dụng luôn loại khẩu trang này. Theo ông Phúc, khẩu trang giúp khí hít vào được lọc hiệu quả 99,9%, lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn lọc N95. Bộ khí thở cũng có đai đeo tùy chỉnh, lý tưởng cho sử dụng hằng ngày, kể cả tập thể dục và vận động mạnh, vì thế có thể hỗ trợ rất tốt cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Ông Trần Ngọc Phúc (tên tiếng Nhật là Kazufuku Nitta) sinh năm 1947 trong một gia đình thương nhân khá giả. Năm 1968, ông Trần Ngọc Phúc sang Nhật theo học ngành hóa công nghiệp tại Đại học Tokai. Tốt nghiệp đại học năm 1974, ông thực tập cho công ty Senko Ika tại Nhật Bản - công ty chuyên phát minh và sản xuất thiết bị dụng cụ y tế. Năm 1982, ông Trần Ngọc Phúc đã thành lập Công ty Metran tại Bunkyo-ku, gần Đại học Tokyo và hiện nay Công ty đã chuyển về Thành phố Kawaguchi, Tỉnh Saitama (cách Thủ đô Tokyo khoảng 30 km).

THEO VNECONOMY

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan