CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Công nghệ áp dụng phải đồng bộ với quá trình cải cách thủ tục hành chính để tạo ra những thay đổi thực sự vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và các đối tượng có liên quan.
Bám sát nhu cầu và lợi ích của người dân và doanh nghiệp
Triển khai Chính phủ điện tử từ năm 2000 và sau 20 năm, vị trí của Việt Nam trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc vẫn ở mức trung bình, theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc. Hai năm qua, Việt Nam tăng một bậc, xếp thứ 88 trong tổng số 193 quốc gia và lãnh thổ được đánh giá. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ được xếp hạng ở vị trí thứ 6, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines.
Tại hội thảo “Phát triển Chính phủ điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến hướng đến Chính phủ số - Mô hình và giải pháp công nghệ” được tổ chức mới đây, các chỉ số được báo cáo cho thấy vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh có tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt chuẩn mức 4 (mức độ dịch vụ công toàn diện, cung cấp đầy đủ thông tin, triển khai và thao tác hoàn toàn trực tuyến) dưới 10%, trong khi con số mục tiêu là 30% trong năm 2020 và 80% vào năm 2025. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới kết quả “khiêm tốn” nói trên?
Ông Nguyễn Thành Lợi – Chuyên gia cao cấp phụ trách phát triển thanh toán trực tuyến, Văn phòng Chính phủ cho hay, dịch vụ công trực tuyến hiện đã có cả ngàn dịch vụ nhưng số các dịch vụ phổ biến, thường được người dân, doanh nghiệp sử dụng, có số lượng hồ sơ tiếp nhận nhiều nhất thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở một góc nhìn khác, ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT FPT, đặt ra câu hỏi: “Vì sao các hoạt động khác như thể thao, văn hóa lại được cấu trúc, phân bổ ngân sách rõ ràng trong khi lĩnh vực trọng điểm như CNTT – Chuyển đổi số lại chưa được quy hoạch một cách chiến lược?”.
Ông Trương Gia Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT FPT, đặt câu hỏi mở cho các diễn giả.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng, các nước trong khu vực ASEAN chi trung bình cho CNTT là 1,3-1,5% GDP, các nước phát triển chi khoảng 2-2,5% GDP. Trong khi Việt Nam mới chỉ ở mức 0,3-0,4% GDP và cũng chưa “danh chính ngôn thuận” mà nằm trong các nguồn chi khác.
Với mục tiêu lớn đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo khung pháp lý, đường hướng phát triển rõ ràng cho Chính phủ điện tử. Tuy nhiên, điểm mấu chốt chính là tốc độ, là quá trình thực thi, để nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm phát triển hạ tầng chính phủ số dựa trên thế mạnh của mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng Internet, trung tâm dữ liệu, công nghệ mới… bám sát nhu cầu và lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Lời giải cho bài toán này là gì?
Những đề xuất thực tiễn hướng tới Chính phủ số hùng cường trong tương lai
Trong khuôn khổ Hội thảo trên, trong vai trò điều phối phiên tọa đàm cấp cao “Giải pháp công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến và phát triển chính phủ số”, ông Trương Gia Bình đã trao đổi, thảo thuận hai vấn đề chính: “Làm sao để người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong các dịch vụ công trực tuyến?” và “Giải pháp thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số”.
Các đại biểu tham dự phiên Tọa đàm
Theo các đại biểu, việc đầu tiên phải làm để phát triển Chính phủ số là phải đơn giản hóa thủ tục hành chính đi kèm với chuyển đổi số. Thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa hơn nữa thì lúc đó, công nghệ mới tạo được đòn bẩy cho quá trình xử lý, giải quyết nhanh, “mượt” các thủ tục, vấn đề của người dân, doanh nghiệp.
Từ kinh nghiệm triển khai chính phủ điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Thiên Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa thiên Huế cho biết, cần kết hợp giữa cải cách thủ tục hành chính và công nghệ để người dân thấy tiện lợi nhất. Dịch vụ công trực tuyến tốt thì người dân sẽ sử dụng, do đó cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính cho những dịch vụ mà người dân đang cần nhất.
Việc cần làm tiếp theo là xây dựng hệ thống luật pháp để tạo nền tảng cho công nghệ phát triển. Ví dụ như Hàn Quốc, 1 trong 10 nước phát triển nhất về Chính phủ điện tử đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thiết kế nhiều chương trình để tạo hành lang pháp lý hỗ trợ phát triển 3 yếu tố cơ bản là: công nghệ, nguồn nhân lực và các tiêu chuẩn Chính phủ điện tử.
Đặc biệt cần xây dựng định mức chi tiêu cố định cho CNTT trên tổng thu nhập GDP, làm cơ sở cho các bộ, ban ngành áp dụng, tuân thủ. Theo các đại biểu đề xuất, mức ngân sách phù hợp nên tiệm cận mức 1% tổng thu nhập GDP để tạo động lực và đòn bẩy cho các dự án, hoạt động trọng điểm của quốc gia.
Nguồn Báo Đầu Tư