CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: Thanh khoản VN30 chỉ chiếm 46% tổng thanh khoản VNIndex, là mức thấp nhất suốt nhiều tháng qua. VN30-Index có thời điểm giảm tới gần 8 điểm, với dòng tiền bị rút mạnh để chảy sang các nhóm tăng nóng như logistics, phân bón, dầu khí, xi măng.
Ảnh: Trọng Hiếu.
Tiếp đà hưng phấn từ phiên giao dịch 9/8, VN-Index mở cửa tăng mạnh ngay từ những phút đầu tiên, thậm chí có thời điểm chỉ số chính tăng tới 10 điểm. Dù vậy, sự hứng khởi không duy trì được lâu. Thị trường sau đó chịu áp lực bán mạnh và đà tăng ngày càng bị thu hẹp. Thậm chí, VN-Index trong phiên chiều đã chạm mức giá đỏ 2 lần.
Sự đuối sức của nhóm VN30 là nguyên nhân chính gây áp lực lên chỉ số. Dòng tiền bị rút đi rõ rệt khỏi các cổ phiếu bluechip để chảy vào các nhóm đang tăng nóng thời gian quan, như logistics, phân bón, dầu khí.
Chốt phiên 10/8, chỉ số VN-Index tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm, trong khi VN30-Index giảm 3,42 điểm (0,23%) xuống 1.494,41 điểm.
Giá trị giao dịch của VN-Index đạt gần 23.009 tỷ đồng. Đáng chú ý, thanh khoản của VN30 chỉ đạt gần 10.600 tỷ đồng, tương đương 46% của VN-Index, là mức thấp nhất trong vài tháng gần đây.
Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn diễn biến thiếu tích cực, thì các nhóm còn lại giao dịch khá khả quan, với 217 mã tăng, áp đảo so với 157 mã giảm trên HOSE.
Trong khi đó, HNX-Index và UPCOM đều diễn biến khá tích cực khi đều chốt phiên ở mức điểm cao nhất ngày giao dịch. Cụ thể, HNX-Index đóng cửa đạt 335,08 điểm, tăng 1,33%; UPCOM tăng 1,29% lên 90,53 điểm.
Về diễn biến nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản (-0,44%) giảm mạnh nhất phiên hôm nay. Có thể thấy, đa số các mã trụ ảnh hưởng tới thị trường điều đóng phiên trong sắc đỏ như VHM (-0,3%), VIC (-0,1%), NVL (-1,3%), PDR (-0,7%)…Một số mã Midcap cũng điều chỉnh như DIG (-1,6%), KBC (-1,9%), FLC (-1,3%)….
Cùng với đó, nhóm thép sau thời gian hồi phục cũng đã điều chỉnh nhẹ trong phiên hôm nay, với HPG (-0,6%), HSG (-0,1%). Trong khi các mã NKG (+0,6%), TLH (+0,6%), VGS (+5,7%), TVN (+4,8%)….vẫn tăng điểm khá tốt.
Tương tự, nhóm ngân hàng cũng giao dịch khá phân hóa khi các cổ phiếu lớn VPB (-0,8%), MBB (-0,8%), TCB (-0,4%), STB (-0,3%) giảm điểm. Ở chiều ngược lại, VCB (+0,7%), BID (+0,3%), TPB (+0,3%), HDB (+0,1%0, CTG (+0,3%) là những mã tăng điểm, ngoài ra có thể kể đến một số mã cỡ vừa và nhỏ tăng tốt như BVB (+7%), NVB (+6,8%), ABB (+5,3%), BAB (+4,5%), PGB (+4%), NAB (+3,4%)…
Ở nhóm chứng khoán, đa phần các cổ phiếu lớn đều hạ nhiệt với HCM (-0,2%), VND (-1,3%), VCI, MBS đứng ở giá tham chiếu… Duy có SSI tăng 0,2%. Giống ngân hàng, nhiều mã chứng khoán cỡ vừa và nhỏ tăng tốt như BMS, PHS tăng trần, TCI (+4,3%), HAC (+3,4%), DSC (+3,1%), SBS (+3%)… cũng chốt phiên trong giá xanh.
Dù các cổ phiếu trụ chịu áp lực giảm điểm, nhưng các mã trong nhóm hóa chất, phân bón, cảng biển, dầu khí giao dịch khá sôi động. Đây là những nhân tố giúp chỉ số giữ được sắc xanh phiên thứ 2 liên tiếp.
Cụ thể, các mã DGC (+3,2%), LIX (+1,9%), CSV (+1,7%), HVT (+1,4%)… thuộc nhóm hóa chất tăng tốt; nhóm cảng biển chưa có dấu hiệu giảm nhiệt với MVN, HAH, VOS tăng trần, VNA tăng 12,1%; nhóm xi măng với BCC, HOM, HT1 tăng trần, BTS (+5,8%) đóng phiên trong sắc xanh.
Đáng chú ý, sắc xanh cũng áp đảo ở nhóm dầu khí khi đồng loạt các mã PVS (+7,5%), PVD (+6,5%), OIL (+6,3%), BSR (+6,2%), PVC (+5,4%), PVB (+4,3%), PSH (+3,4%), GAS (+3,2%), PLX (+1,7%) chốt phiên tăng điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, NĐTNN sau nhiều phiên mua ròng đã quay đầu bán ròng 570,47 tỷ đồng trong phiên, trong đó tập trung vào các mã HPG (-159,3 tỷ đồng), SSI (-148,8 tỷ đồng), VIC (-86,2 tỷ đồng), DPM (-70,4 tỷ đồng)…. Ở chiều ngược lại, NĐTNN tập trung mua ròng VHM (+409,2 tỷ đồng), PLX (+69,1 tỷ đồng), STB (+23,6 tỷ đồng),….
NĐTNN cũng bán ròng 5,2 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 25,37 tỷ đồng trên UPCOM.
Trong phiên, thị trường phái sinh biến động đảo chiều liên tục, tác động đáng kể đến tâm lý ở thị trường cơ sở, chênh lệch cao - thấp nhất lên đến 22 điểm. Chốt phiên, ưu thế thuộc về phe short với basis cho hợp đồng VN30F12108 âm 2,31 điểm, khối lượng giao dịch gần 274 nghìn hợp đồng.
THEO NHÀ ĐẦU TƯ