CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán: Cơ hội và thách thức

Invest Global 08:00 26/08/2021

Sau một thời gian tăng liên tục, liệu dòng tiền còn đủ sức để “nâng đỡ” thị trường? Câu hỏi càng trở nên cấp thiết hơn khi TTCK Việt Nam đang bước vào nhịp điều chỉnh.

Bài viết này sẽ đánh giá sâu hơn về dòng tiền trên TTCK, tiềm năng của nguồn “động lực” này với thanh khoản thị trường và đưa ra một số kiến nghị giải pháp góp phần đưa thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn.


Cập nhật diễn biến thị trường

Sau khi cán mốc lịch sử ngày 2/7/2021 (VNIndex và HNINdex đạt 1.420.27 điểm và 328 điểm), TTCK Việt Nam đang trải qua đợt điều chỉnh đã sớm được dự báo trước đó. Tính đến hết ngày 30/7/2021, VNIndex và HNXIndex lần lượt giảm 7,7% và 4% so với mức đỉnh 2/7/2021 song vẫn là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Thanh khoản mặc dù giảm khoảng 18,3% so với mức đỉnh tháng 6 (29.700 tỷ đồng/phiên) nhưng vẫn ở mức cao tương đương mức trung bình 6 tháng đầu năm (24.300 tỷ đồng/phiên, gấp 3,2 lần bình quân năm 2020); vốn hóa thị trườngcổ phiếu tính đến hết tháng 6/2021 đạt 109% GDP (nếu tính cả thị trường trái phiếu lên tới 132,4% GDP), tăng 23,2% so với đầu năm.

Diễn biến dòng tiền trên TTCK

Cùng với mức định giá hấp dẫn hiện nay (P/E ở mức 17 lần, dù không quá rẻ song hấp dẫn hơn hầu hết các thị trường ASEAN), dòng tiền trên TTCK từ cả 3 kênh quan trọng là dòng tiền thực (chủ yếu từ cá nhân), cho vay margin và dòng vốn ngoại đã “hợp lực” tạo nên sự bứt phá của TTCK trong thời gian qua. Dòng tiền trên TTCK đã và đang có sự chuyển biến về chất, đặc biệt dòng tiền thực của nhà đầu tư trong nước (dòng vốn nội) ngày càng khẳng định sức mạnh và vị thế, không quá phụ thuộc vào dòng vốn ngoại hay vay ký quỹ.

Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản cá nhân trong nước mở mới (F0) đã đạt mức kỷ lục 620.000 tài khoản trong 6 tháng đầu năm, gấp 1,6 lần cả năm 2020. Có bốn lý do chính lý giải cho sự tham gia mạnh của dòng vốn mới trên TTCK: (i) Lãi suất tiền gửi ngân hàng khá thấp, nên một số nhà đầu tư rút ra hoặc không gia hạn tiền gửi tiết kiệm và chuyển sang đầu tư chứng khoán; (ii) Hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, dẫn tới DN, cá nhân dùng nguồn tiền “nhàn rỗi” để đầu tư chứng khoán; (iii) Đầu tư chứng khoán hiện nay được cho là mang lại mức sinh lời khá (VNIndex và HNXIndex sau khi điều chỉnh vẫn tăng 55% và 19% so với đầu năm); và (iv) Việc nhà đầu mở nhiều tài khoản mới tại các công ty chứng khoán (CTCK) khác nhau để giảm áp lực dư nợ vay ký quỹ tăng cao tại các CTCK.

Đáng chú ý, trong bối cảnh khối ngoại bán ròng, niềm tin thị trường vẫn ở mức cao (chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) 5 năm đang ở mức thấp và khá ổn định (chỉ khoảng 105-110 điểm). Cùng với đó, khi TTCK bắt đầu bước vào vùng rủi ro và giảm điểm, dòng vốn nội đã sớm giảm bớt sự hưng phấn, thể hiện qua mức sụt giảm của thanh khoản tháng 7 (giảm khoảng 40-50% so với mức đỉnh). Điều này cho thấy sự trưởng thành hơn của nhà đầu tư nội sau khi đúc rút kinh nghiệm của giai đoạn biến động mạnh 2007-2008 và 2017-2018.

Diễn biến dòng tiền cũng cho thấy hoạt động cho vay ký quỹ (margin) đạt kỷ lục song vẫn trong tầm kiểm soát. Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) đã ghi nhận kỷ lục mới trong 21 năm phát triển của TTCK: theo UBCKNN, tổng dư nợ tại các CTCK tính đến cuối quý 2/2021 ở mức kỷ lục là 145 nghìn tỷ đồng, tăng 48,5% so với cuối năm 2020, tăng gấp 3 lần thời điểm đáy quý 1/2020, trong đó 26 CTCK có dư nợ margin trên 1.000 tỷ đồng và lãi cho vay margin quý 2/2021 lần lượt tăng 150% và 118% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, dư nợ margin vẫn trong tầm kiểm soát: (i) Dư nợ margin so với giá trị giao dịch bình quân là 5,5 lần, thấp hơn giai đoạn 2019-2020 trong khi giá trị giao dịch cao hơn 3,5-5,6 lần; (ii) Tỷ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu của các CTCK ở mức trung bình 155%, đảm bảo mức mức trần quy định (tối đa 200% vốn chủ sở hữu); (iii) Hầu như không có tình trạng căng thẳng thanh khoản cuối kỳ do “chạy đua” bù đắp dư nợ margin.

Một điểm đáng chú ý khác là, động thái bán ròng của khối ngoại ảnh hưởng không lớn tới thanh khoản thị trường và khả năng sớm mua ròng trở lại. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng 25,6 nghìn tỷ đồng (1,2 tỷ USD) trên TTCK Việt Nam, gấp 1,4 lần cả năm 2020. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đến thanh khoản và tâm lý thị trường không lớn như trước bởi giá trị bán ròng lớn về số tuyệt đối song tỷ trọng lại giảm. Nếu so với giai đoạn 2006-2007, giá trị giao dịch của khối ngoại chiếm tới 20-25% giá trị thị trường thì đến nay chỉ còn chiếm 9-10%. Động thái bán ròng của khối ngoại thực chất là cơ cấu lại danh mục đầu tư hơn là rút vốn và trạng thái mua ròng đang dần trở lại. Trong tháng 7 giá trị mua ròng của khối ngoại đạt 5.171 tỷ đồng, trong đó có sự tham gia của các quỹ đầu tư lớn toàn cầu như Asian GrowthCubs ETF (CUBS-Mỹ), Fubon FTSE Vietnam ETF, CTBCVietnam Equity Fund (Đài Loan)...

Với triển vọng tích cực về kinh tế và thị trường, hoàn toàn có thể kỳ vọng kịch bản mua ròng sẽ sớm trở lại từ nửa cuối năm 2021 và năm 2022 với quy mô và chất lượng cao hơn, cùng với dòng vốn nội “nâng đỡ” TTCK.

Cơ hội và thách thức với dòng tiền trên TTCK

Sau một thời gian tăng liên tục, dòng tiền trên TTCK đang chững lại cùng với một số nhịp điều chỉnh do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự chờ đợi diễn biến kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Với kinh tế vĩ mô, Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 theo 3 kịch bản: (i) Với kịch bản cơ sở: dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tháng 9/2021, tiêm chủng được đẩy mạnh và đạt miễn dịch cộng đồng muộn nhất vào quý 2/2022, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt từ 5,3-5,5%; (ii) Với kịch bản tích cực: dịch bệnh được kiểm soát cơ bản ngay trong tháng 8/2021; miễn dịch cộng đồng hết quý 1/2022, theo đó, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam có thể đạt 5,7-6%; (iii) Với kịch bản tiêu cực: đến hết tháng 10/2021, dịch bệnh mới cơ bản được kiểm soát, miễn dịch cộng đồng hết năm 2022; khi đó, tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ có thể từ 4,8-5%. Triển vọng năm 2022 sẽ sáng hơn, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6-7%. Lạm phát bình quân năm 2021 sẽ ở mức khá thấp (2,8-3%) mặc dù áp lực giá hàng hóa và lạm phát toàn cầu tăng, chủ yếu do sức cầu còn yếu và vòng quay tiền chậm, nhưng sẽ nhích dần lên 3,5-4% năm 2022 do lực cầu tăng mạnh trở lại, trong khi nguồn cung phục hồi dần.

Với triển vọng TTCK, cơ hội để dòng tiền trở lại và tăng ổn định trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở do:

- Khả năng sớm quay trở lại của khối ngoại khi TTCK Việt Nam được đánh giá là khả quan trongtrung - dài hạn với tăng trưởng kinh tế tích cực, nỗ lực kiểm soát tốt đại dịch, sức hấp dẫn về tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng nâng hạng lên thịtrường mới nổi.

- Dư địa mở rộng margin có thể đạt ít nhất 55.000 tỷ đồng (căn cứ trên kế hoạch tăng vốn năm 2021 của các CTCK) và có thể tăng cao hơn khi hệ thống bù trừ đối tác thanh toán trung tâm (CCP) cho phép tỷ lệ ký quỹ giảm xuống 10-20% thay vì 50% như hiện nay.

- Kết quả kinh doanh khả quan hơn của quý 4/2021sẽ là yếu tố hấp dẫn dòng tiền.

- Mặc dù đã được dự đoán trước (so với nền thấpcủa cùng kỳ 2020) song nếu P/E ở mức 14-15 lần thì vẫn là cơ hội để lựa chọn cổ phiếu tốt giá rẻ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư đã “lỡ sóng” tăng trong 7 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cần quan sát để có thể lựa chọn cổ phiếu của các nhóm của ngành và doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khả quan, tiềm năng tăng trưởng tích cực (tài nguyên cơ bản, bán lẻ, tài chính, ngân hàng, BĐS, công nghệ thông tin, dầu khí....).

Mặc dù vậy, thị trường vẫn đứng trước một số rủi ro, thách thức. TTCK vẫn sẽ khó tránh khỏi một số nhịp điều chỉnh tiếp theo từ nay đến hết năm 2021. Trên góc độ dòng tiền, có 3 rủi ro, thách thức lớn cần lưu tâm:

Thứ nhất là, dòng vốn tích lũy thực ngày càng giảm (tiết kiệm/GDP giảm từ mức 41,2% năm 2013 xuống còn khoảng 30,5% năm 2020, chênh lệch tiết kiệm - đầu tư cũng giảm từ mức 8,2 điểm % xuống mức âm 3,9 điểm %; tình trạng thất nghiệp, thu hẹp, ngừng trệ sản xuất, giảm thu nhập do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19). Do đó, nếu nhu cầu đầu tư tiếp tục tăng cao, tất yếu sẽ dẫn đến vay nợ nhiều hơn và rủi ro cao hơn.

Thứ hai, dòng vốn chiếm 85-90% thanh khoản thị trường là của các nhà cá nhân nhỏ lẻ, chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh, tâm lý đám đông và đòn bẩy tài chính còn cao.

Thứ ba, tính “hai mặt” của dư nợ margin đó là có thể giúp thị trường tăng trưởng nhanh, mặt khác có thể làm gia tăng rủi ro khi thị trường điều chỉnh (lịch sử giải chấp do các lệnh gọi ký quỹ “margincalls” năm 2007 đã khiến TTCK sụt giảm mạnh). Mặc dù, dư nợ margin vẫn đang trong tầm kiểm soát song nguy cơ đang lớn dần khi hệ số tổng dư nợ margin/vốn chủ sở hữu đang tăng mạnh (từ mức 93,3% quý IV/2020 lên mức 155% trong quý II/2021, nhiều CTCK tiệm cận/vượt trần quy định); hệ số dư nợ margin/giá trị giao dịch trung bình quý II/2021 dù thấp hơn giai đoạn 2019-2020 song lại là mức cao so với nhiều TTCK thế giới (khoảng 1,5-2,5 lần, Mỹ: 1,9 lần; Trung Quốc2,1 lần...).

Một số khuyến nghị

Để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và tăng dòng vốn chất lượng cho TTCK, góp phần cho sự phát triển bền vững dài hạn, Nhóm nghiên cứu 4 khuyến nghị:

Một là, tiếp tục kiểm soát dòng vốn vào chứng khoán, từ đó hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn: (i) Việc nới room tăng trưởng tín dụng cho các NHTM cần gắn với an toàn vốn (CAR), hiệu quả kinh doanh và nhu cầu tín dụng thực chất; (ii) Giám sát, yêu cầu các CTCK báo cáo thường xuyên về dư nợ margin [tính cả hoạt động mua lại (repos) cổ phiếu và hoạt động cho vay ba bên (có sự tham gia của TCTD), ngừng cấp margin với các mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ... nhằm đảm bảo an toàn, bền vững cho thị trường.

Hai là, tăng tính minh bạch thị trường, tăng nguồn cung chứng khoán chất lượng thông qua việc đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa gắn với niêm yết, tăng tỷ lệ huy động vốn qua TTCK; phân bố hợp lý kế hoạch tăng vốn, phát hành thêm cổ phiếu của các DN, ngân hàng, CTCK cần được phân bổ hợp lý, tránh tăng mạnh ồ ạt vào cùng một thời điểm; phát triển hệ thống xếp hạng tín nhiệm độc lập, công khai thông tin về xếp hạng của DN phát hành trái phiếu và thông tin về các đợt phát hành nhằm tăng TPDN có chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến phát hành cổ phiếu, trái phiếu nhất là tình trạng DN thua lỗ vẫn “làm bóng” kết quả kinh doanh để phát hành cổ phiếu, trái phiếu hút vốn.

Ba là, tăng cường kiến thức, năng lực đầu tư (đặc biệt đầu tư cá nhân): (i) Các nhà đầu tư cá nhân cần nâng cao kiến thức về đầu tư chứng khoán; tự ra quyết định đầu tư, đa dạng hóa danh mục đầu tư (lựa chọn các cổ phiếu, trái phiếu của các DN, ngành có tiềm lực tài chính và triển vọng tăng trưởng tốt). Trong giai đoạn TTCK đang ở vùng đỉnh, khả năng điều chỉnh cao, cần giảm đòn bẩy tài chính, giảm tỷ trọng danh mục và thận trọng quan sát thị trường hơn là các quyết định mạo hiểm, ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông.

Cuối cùng cần sớm ban hành Chiến lược phát triểnTTCK giai đoạn 2021-2030 gắn với đề án cơ cấu lại thị trường tài chính, cùng với giải pháp nâng hạng TTCK, đẩy mạnh chuyển đổi số và năng lực quản lý rủi ro hệ thống.

THEO NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan