CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dự thảo Luật Đầu tư: Chưa có quy định đổi mới đột phá!
Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Dự thảo Luật Đầu tư chỉ tiếp cận theo hướng sửa sai chứ chưa có quy định đổi mới đột phá.
- Qua 5 năm thi hành Luật Đầu tư 2014, cơ quan soạn thảo (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho rằng phải sửa luật do trong quá trình xúc tiến đầu tư thời gian qua cho thấy, vẫn còn nhiều thủ tục, cơ chế “trói chân” doanh nghiệp khi việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự mạnh mẽ. Đối chiếu mục tiêu với nội dung dự luật, chủ trương này đã được cụ thể hóa chưa, thưa ông?
Việc sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hiện nay là cần thiết vì qua hơn 5 năm thực hiện, dù chưa phải là thời gian quá dài nhưng các luật này đã bộc lộ nhiều bất cập. Riêng về Luật Đầu tư thì có thể thấy nhiều bất cập về tính đồng bộ, thống nhất trong các quy định về đầu tư, kinh doanh; nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục về đầu tư từ chấp thuận chủ trương đầu tư đến đăng ký đầu tư, thực hiện các hình thức đầu tư,…
Với dự thảo Luật Đầu tư hiện nay, Luật chỉ sửa đổi theo hướng sửa sai, chưa phải là những sửa đổ mang tính đổi mới, chưa thật sự mang tính đột phá, chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Điều này cũng có thể thấy ngay từ đầu, “các nhà làm luật” chỉ muốn sửa chữa nhỏ, sửa cả Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trong một dự thảo luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư nhưng sau đó có quá nhiều ý kiến đề nghị phải sửa đổi toàn diện hơn vì có quá nhiều bất cập nên mới có Dự thảo sửa đổi như hiện nay.
Ngoài ra, sự chống lấn của Luật Đầu tư lên các luật khác hay nói cách khác chính là sự bất cập, mâu thuẫn không thống nhất của Luật Đầu tư với các luật khác, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng.
- Thưa ông, sự chồng lấn này không phải có từ dự thảo lần này mà có từ trong luật cũ và sự không thống nhất từ các luật liên quan. Tại sao Dự thảo lại không thể khắc phục?
Bản thân dự thảo này cũng không khắc phục được vì vấn đề còn nằm ở luật khác.
Chẳng hạn các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư của nhà đầu tư có đề nghị giao đất, cho thuê đất chồng lấn với các quy định của Luật Đất đai, đấu thầu,…
Vừa qua, VCCI cũng đã có báo cáo về việc chồng chéo pháp luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, thể hiện rõ các điểm chồng chéo này.
- Dự thảo Luật đầu tư sửa đổi yêu cầu dự án có vốn đầu tư từ 10 nghìn tỉ đồng trở lên phải trình Thủ tướng thông qua, theo ông, điều này có cần thiết và hợp lý?
Quy định này nhằm thu hẹp phạm vi dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; phân cấp mạnh mẽ cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư dưới 10.000 tỉ đồng.
Quy định này sẽ tạo sự chủ động cho UBND cấp tỉnh, tạo sự thuận lợi cho các dự án đầu tư lớn trong việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư, không cần mất quá nhiều thời gian để trình lên Thủ tướng chấp thuận. Tuy vậy, con số chênh lệch 5.000 tỉ đồng (từ quy định 5.000 tỉ đồng đến 10.000 tỉ đồng) là một con số rất lớn, là một số tiền rất lớn nên cũng cần cân nhắc kỹ.
- Dự thảo Luật lần này có nhiều sửa đổi về ưu đãi đầu tư. Theo ông, những ưu đãi này đã đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của môi trường đầu tư trong tương lai?
Tinh thần của luật vẫn là tạo sự thuận lợi cho hoạt động đầu tư, có chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp. Luật Đầu tư chỉ quy định những chính sách chung về ưu đãi đầu tư.
Còn việc hưởng ưu đãi đầu tư cụ thể thì còn phải thực hiện theo luật riêng như Luật thuế, Luật Đất đai,… Dự thảo luật mở rộng, bổ sung nhiều dự án thuộc trường hợp ưu đãi đầu tư như dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo; đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ngoài ra, Dự thảo Luật còn bổ sung chính sách mới ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt. Do đó, theo tôi, chính sách về ưu đãi đầu tư đang được mở rộng.
-Vậy, ông có đóng góp như thế nào để dự thảo Luật lần này được hoàn thiện hơn?
Theo tôi, cũng như nhiều ý kiến khác, dự thảo lần này chỉ mang tính sửa sai, sửa chữa câu từ, chưa có quy định đổi mới đột phá. Nếu sửa Luật Đầu tư thì phải sửa từ gốc, từ vấn đề có cần tồn tại một Luật Đầu tư riêng, Luật Doanh nghiệp riêng hay không.
Từ thực tiễn áp dụng, Luật Đầu tư thực tế chỉ áp dụng chủ yếu đối với nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động đầu tư ra nước ngoài; nhà đầu tư trong nước thì vẫn theo Luật Doanh nghiệp. Các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong Luật Đầu tư chủ yếu mang tính chất tuyên bố chính sách, còn thực hiện cụ thể, để hưởng ưu đãi, hỗ trợ cụ thể thì vẫn theo luật riêng, luật chuyên ngành.
Do đó, tôi đồng tình với ý kiến đề xuất nên bỏ Luật Đầu tư đi, chỉ giữ lại các quy định về đầu tư kinh doanh và hợp nhất vào Luật Doanh nghiệp; còn các quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, hãy để các luật chuyên ngành điều chỉnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, dự thảo sửa đổi lần này đã trình đến Quốc hội chờ thông qua rồi thì đề xuất này khó có thể thực hiện ngay được. Trước mắt cứ sửa sai trước đã, còn hướng đến hoàn thiện hơn thì cần thời gian, lộ trình thực hiện sau.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: báo Diễn đàn Doanh nghiệp.