CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dự thảo Luật Đầu tư: Nhiều quy định còn… chung chung

Invest Global 14:45 24/06/2020

Dự thảo Luật Đầu tư: Nhiều quy định còn… chung chung

Đỗ Huyền

Dù đã trải qua hơn 2 năm lấy ý kiến và soạn thảo nhưng nhiều Đại biểu Quốc hội vẫn khẳng định, nhiều quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư còn mơ hồ, khó thực hiện.

Chiều ngày 26/5, tiếp tục kỳ họp thứ 9, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Danh mục, ngành nghề tiếp cận thị trường không rõ ràng

Danh mục, ngành nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 9 gồm 2 nhóm: ngành nghề đầu tư nước ngoài chưa được tiếp cận thị trường và ngành nghề đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường.

Theo Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết – Đoàn đại biểu tỉnh An Giang, quy định này là tạo điều kiện của Nhà nước cho các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh các nước đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư như hiện nay. Đồng thời giúp cho các nhà đầu tư biết được các danh mục đầu tư được dễ dàng.

Tuy nhiên, quy định tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Điều 9 còn chung chung và giao cho Chính phủ cụ thể hoá thành danh mục sẽ khó thực hiện và sẽ không có hành lang pháp lý cụ thể hóa Luật này.

Do đó, dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ hơn tiêu chí, nguyên tắc, thời điểm công bố thời gian thực hiện thủ tục và cách xử lý khi xảy ra các xung đột giữa các luật cũng như quy định ảnh hưởng, tiếp cận các nhà đầu tư xử lý tình huống cũng như vi phạm trường hợp phát sinh để tạo môi trường thu hút các nhà đầu tư thuận lợi hơn và quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài một cách hiệu quả hơn.

Bổ sung quy định về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư

Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật quy định tập trung vào 3 lĩnh vực: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu và ưu đãi về tài chính, đất đai.

Nhận xét về quy định này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, cho rằng thực tế thời gian qua, nước ta liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách nên đã thu hút nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài.

Tuy nhiên, các ưu đãi đã bộc lộ nhiều bất cập như các văn bản pháp luật còn chồng chéo nên gây khó khăn cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.

Bên cạnh việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách về thuế phức tạp, dễ tạo cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm thuế phải nộp, gây bất công bằng trong việc huy động thuế giữa các đối tượng phải nộp.

Ngoài ra, chính sách ưu đãi không ổn định nên doanh nghiệp không tính trước được hiệu quả kinh doanh trong chung và dài hạn cũng là nguyên nhân hạn chế việc thu hút đầu tư trong nước cũng như nước ngoài, thúc đẩy nền phát triển nền kinh tế.

Với bất cập trên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ về nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi theo hướng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quyết định mà phải đảm bảo tính ổn định vĩ mô, sự ổn định và minh bạch, cụ thể hóa các luật, tránh sự chồng chéo trong các quy định của pháp luật.

“Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư phân bổ nguồn lực, thu hút đầu tư có chọn lọc, mức đầu tư giữa các vùng miền không nên có sự cào bằng. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư dự án mới ở các địa phương nhưng phải có sự kiểm soát chặt chẽ”, bà Mai nhìn nhận.

Góp ý vào vấn đề trên, đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, nêu quan điểm: Bên cạnh những quy định, chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư thì dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) cần đề cập tới việc nghiên cứu, bổ sung chế tài với nhà đầu tư không thực hiện cam kết thì phải thực hiện thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để việc thực hiện đúng đối tượng một cách hiệu quả. Về danh mục ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư tại khoản 3 Điều 16 nên thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, chứ không nên để Chính phủ có thể sửa đổi những danh mục này.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan