CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Dự thảo Luật PPP: Nhà đầu tư ngoại lo ngại “giấy phép” con

Invest Global 10:22 12/06/2020
25-5-GS-Nguyen-Mai-5490-1590399491.jpg

Dự thảo Luật PPP có 3 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm (Ảnh: TL)

Dự án Luật PPP sẽ được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV lần này. Vậy đâu là điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm, thưa ông?

Hiện nay còn 3 vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước quan tâm. Trước hết, đó là vấn đề bảo lãnh. Đầu tư PPP là sự phân chia lợi ích giữa nhà đầu tư với Chính phủ. Với đầu tư PPP, không có nhà đầu tư nào bỏ 100% vốn, ngoài phần vốn do nhà đầu tư bỏ ra, Nhà nước có thể đóng góp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau.

Hiện nay, theo tôi được biết, sắp xếp giữa nhà đầu tư, Chính phủ với ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng luôn luôn quan tâm bảo vệ, thu hồi vốn, không để nợ quá hạn, nhưng trong đầu tư PPP việc tính toán thu hồi vốn khó hơn nhiều. Nếu chúng ta không có cơ chế rõ ràng, giao cho một đầu mối đứng ra xử lý thì rất khó giải quyết.

Thứ hai, về chia sẻ lợi ích của dự án, dự thảo có đề cập đến hai khả năng: lãi hoặc lỗ nhiều hơn phương án trong hợp đồng. Trong Quốc hội có quan điểm cho rằng, đây là cơ chế thị trường, lời ăn lỗ chịu.

Cách nói này không sai, tuy nhiên, như lĩnh vực giao thông rất khó có thể dự báo chính xác được lưu lượng phương tiện lưu hành trên quãng đường cụ thể nào đó tại một thời điểm nhất định. Do đó, rủi ro là câu chuyện các dự án nói chung gặp phải, các dự án PPP cũng phải tính đến điều này. Vì vậy, trong hợp đồng PPP cần có một điều khoản rõ ràng cho câu chuyện này.

Thứ ba là cơ chế đấu thầu. Hiện nay chúng ta chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực giao thông. Một trong những nguyên nhân là câu chuyện "lobby" trong đấu thầu. Nếu xem xét lại hồ sơ đấu thầu từ trước đến nay, tôi cho rằng, ít nhất 50% hồ sơ vi phạm đấu thầu.

Chúng tôi đã đề nghị cần có một tổ chức huy động được các chuyên gia hàng đầu có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm công tác về đường bộ để xem xét dự án PPP, sau đó thành lập hội đồng độc lập để đấu thầu các dự án. Nếu làm được như vậy sẽ tạo cơ chế đấu thầu tốt, đảm bảo sự minh bạch thì nhà đầu tư nước ngoài mới vào cuộc.

25-5-Du-thao-Luat-PPP-4654-1590399491.jp

Luật PPP cần đảm bảo sự minh bạch mới thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào cuộc (Ảnh: TL)

Nhiều nhà đầu tư lo ngại, sau khi được Quốc hội thông qua Luật PPP sẽ lại rơi vào tình trạng "rừng" giấy phép con khiến cho câu chuyện này sẽ lại "tắc" và khó cho nhà đầu tư. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là hiện nay đang có tình trạng là luật chung chung, Nghị định của Chính phủ cũng chỉ giải quyết một số vấn đề và lại phải chờ Thông tư ban hành thì Luật mới chính thức có hiệu lực.

Thực tế đã có nhiều trường hợp Thông tư không phù hợp, thống nhất với Nghị định, bởi người làm Luật không phải là Chính phủ hay Quốc hội mà là các Bộ, có một số điều các Bộ không đưa được vào Luật thì sẽ đưa vào Nghị định, hoặc Thông tư. Đây là điều mà các nhà đầu tư e ngại nhất.

Từ năm 2011 chúng ta đã bắt đầu có Nghị định cho phép làm thí điểm đầu tư PPP, nhưng đến nay qua 10 năm, chúng ta không có một tổng kết đầy đủ để thể chế hóa một cách chi tiết, công khai, minh bạch, rõ ràng, đủ lòng tin cho nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

The tôi, nếu chúng ta khắc phục được điều này thì sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án PPP.

Thưa ông, dự thảo Luật PPP đang quy định cứng 5 nhóm lĩnh vực đầu tư. Theo ông, những lĩnh vực nào Nhà nước nên làm và lĩnh vực nào dành cho nguồn lực PPP?

Để trả lời câu hỏi này tôi xin lấy ví dụ, gần đây, Bộ Công Thương đề nghị cho tư nhân tham gia truyền tải điện. Có hai ý kiến về vấn đề này. Một là, truyền tải điện là an ninh quốc gia, tư nhân không được làm. Ý kiến khác cho rằng, truyền tải điện không phải là an ninh quốc gia. Hiện nay vấn đề này đã được quyết định trong giai đoạn đầu, trục truyền tải điện cao áp 500KV thì nhà nước làm, có thể làm theo hình thức BT, còn truyền tải điện từ đường dây 500KV này vào các hộ sử dụng, các khu công nghiệp thì để tư nhân làm.

Do vậy, về lĩnh vực đầu tư, tôi cho rằng nên kiên định thực hiện chủ trương nhà nước chỉ làm những dự án liên quan an ninh quốc phòng, còn lại những gì doanh nghiệp tư nhân làm được, nhà đầu tư nước ngoài làm được thì nhà nước không cần làm, để tập trung nguồn lực có hạn của nhà nước vào những gì cần tới vai trò của nhà nước. Đây là chỉ dẫn rất quan trọng, câu chuyện PPP cũng vậy.

Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Trang (thực hiện)

Nguồn: Thời báo Kinh doanh

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan