CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
DNVN - Áp dụng quy định của Dự thảo một cách máy móc sẽ là vô lý đối với các trường hợp ngoài tầm kiểm soát của sàn và vô hình chung đẩy các sàn vào thế khó khi mà vấn đề hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề chưa thể xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn xã hội.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong cung cấp điện nông thôn và hải đảo / Sản xuất và xuất khẩu cà phê vẫn gặp khó
Đây là một trong những ý kiến góp ý đáng chú ý về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử (TMĐT).
Bộ Công Thương đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 52 với mục tiêu đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để TMĐT bị lợi dùng trở thành phương thức thực hiện hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật; đồng thời đảm bảo môi trường kinh doanh cạnh tranh công bằng, minh bạch.
Bộ Công Thương đã tổ chức 3 hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định, trong đó hai hội thảo đầu tiên diễn ra tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hồi đầu 11/2020. Và hội thảo lần thứ ba diễn ra hôm 14/01 vừa qua tại Hà Nội.
Tại hội thảo góp ý dự thảo Nghị định 52 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hôm 14/01/2021 tại Hà Nội, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi tập trung vào 4 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020, cụ thể: Thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong TMĐT; quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội và quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài.
Các chuyên gia, đại diện đến từ doanh nghiệp, hiệp hội đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định về các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 52 bao gồm vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được bày bán tràn lan trên mạng, cũng như thực tiễn thi hành pháp luật về TMĐT trong thời gian vừa qua.
Và một trong những ý kiến góp ý cho dự thảo được phân tích sâu đến từ Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW.
Dự thảo can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp TMĐT
Với khoản 11 (a) Điều 36, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, dự thảo đã can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp thương mại điện tử.
Khoản 11, điều 36 quy định: Đối với những sàn giao dịch thương mại điện tử bán lẻ có tích hợp chức năng đặt hàng và thanh toán trực tuyến, ngoài các nghĩa vụ trên, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm: Cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước công cụ tra cứu các thông tin liên quan tới người bán để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Liên đới trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử nếu không thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các khoản 8, 9 Điều này.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW phát biểu tại Hội thảo góp ýDự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52.
Theo ông Nguyễn Thanh Hà: Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước, có thể hiểu việc yêu cầu cung cấp công cụ này là để phục vụ các biện pháp quản lý trong quá trình thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, điều này gây ra mối lo ngại lớn từ phía các doanh nghiệp vì quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân được cụ thể hóa theo Luật định, cụ thể là theo Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Luật Dân sự 2015.
"Hơn nữa, trong Dự thảo của Nghị định có rất nhiều quy định thể hiện rõ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu. Ngoài ra, Dự thảo cũng đã có quy định về nghĩa vụ tham gia giải quyết khiếu nại, phản ánh và tranh chấp liên quan đến sàn giao dịch thương mại điện tử tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Từ góc độ của các doanh nghiệp, việc phải bố trí nguồn nhân lực, vật lực để xây dựng và duy trì công cụ theo Dự thảo cũng là một gánh nặng không hề nhẹ", Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích.
Bên cạnh lo ngại về tính pháp lý của quy định, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng cho rằng, các vấn đề nêu trên đặt ra câu hỏi liệu việc xây dựng và cung cấp công cụ quản lý theo Dự thảo có thực sự cần thiết và là biện pháp duy nhất để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh một số doanh nghiệp thương mại điện tử cũng đã có cơ chế hợp tác nhanh, hiệu quả với cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm phối hợp/cung cấp thông tin kịp thời trong công tác phòng/chống tội phạm hoặc hỗ trợ điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Dự thảo gây khó về vận hành cho doanh nghiệp TMĐT
Trong khi đó, với khoản 11 (d) Điều 36, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đánh giá là gây khó khăn về vận hành cho doanh nghiệp thương mại điện tử.
Khoản 11 (d) của Dự thảo buộc doanh nghiệp phải liên đới chịu trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn nếu không đảm bảo các nghĩa vụ được quy định trong Dự thảo. Việc kiểm soát hàng hóa, tuân thủ quy định pháp luật là việc mà các sàn TMĐT đều nghiêm túc thực hiện trong khả năng hợp lý của sàn, và các doanh nghiệp vận hành sàn TMĐT có quy trình xử lý ngay khi phát hiện được hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Nhưng áp dụng quy định của Dự thảo một cách máy móc sẽ là vô lý đối với các trường hợp ngoài tầm kiểm soát của sàn. Ví dụ, người bán dùng các thủ đoạn tinh vi để qua mặt hệ thống kiểm duyệt, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt đăng bán của sàn, và vô hình chung đẩy các sàn vào thế khó khi mà vấn đề hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm pháp luật vẫn là vấn đề chưa thể xử lý dứt điểm trong phạm vi toàn xã hội", Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhận định.
Với phân tích trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, đề nghị Ban soạn thảo phải phân tích 2 loại trách nhiệm pháp lý để cho rõ ràng. Đó là trách nhiệm của người bán hàng trên sàn thương mại điện tử đối với tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ được đăng bán trên sàn giao dịch TMĐT; và trách nhiệm của sàn giao dịch TMĐT trong tuân thủ các nghĩa vụ của sàn giao dịch TMĐT.
Cũng theo vị luật sư này, trách nhiệm của sàn và người bán cần phải được xem xét một cách độc lập với nhau theo các quy định pháp luật hiện hành. Nếu người bán vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch TMĐT thì tùy mức độ, hành vi vi phạm mà phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính theo quy định pháp luật có liên quan.
Tương tự trường hợp sàn giao dịch TMĐT vì một lí do nào đó. Ví dụ, người bán dùng các thủ đoạn tinh vi để qua mặt hệ thống kiểm duyệt, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt đăng bán của sàn không thể đảm bảo tuân thủ các nghĩa vụ của mình. Tùy tính chất và mức độ của hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật có liên quan nhưng sàn không thể chịu trách nhiệm cùng với người bán cho chính hành vi sai trái của người bán đó.
NGUỒN DOANH NGHIỆP