CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Nhàđầutư: "Các doanh nghiệp châu Âu không hề chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn, mà là dịch chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam", Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh khẳng định.
Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh. Ảnh: Hanoimoi.
Sáng 19/10, Thành ủy - UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP. Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19".
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch EuroCham Nguyễn Hải Minh cho biết, khảo sát của Eurocham cuối tháng 8/2021 đã cho thấy 91% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực, 76% có kết quả kinh doanh không tốt, gần 30% rất tồi tệ do hệ quả của thời gian giãn cách xã hội tháng 6 đến tháng 8.
Ông Minh chia sẻ rằng: "Nhìn lại thời gian qua, trước tiên phải nói rằng giãn cách xã hội trong hoàn cảnh dịch bùng phát là cần thiết, cộng đồng doanh nghiệp hoàn toàn thấu hiểu và tuân thủ. Khảo sát của Eurocham cũng cho thấy các doanh nghiệp đồng tình với phần lớn nguyên tắc chống dịch của Chính phủ. Chúng tôi cũng thấu hiểu Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là trung tâm chính trị và kinh tế của Việt Nam, vì vậy quan điểm thận trọng là hợp lý".
Trong thời gian bùng phát dịch, có nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp đã kiến nghị, ví dụ về 3 tại chỗ, giấy đi đường, về tình trạng đóng cửa gây hạn chế lưu thông hàng hóa. Theo đó, khảo sát các doanh nghiệp châu Âu cho thấy, 70% cho rằng vận tải, cung ứng, là tác nhân lớn nhất ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, tất nhiên trên thực tế Hà Nội là 1 trong những địa phương tạo điều kiện tốt cho lưu thông hàng hóa liên tỉnh và hiện nay phần lớn các địa phương, đặc biệt tại Hà Nội đã mở cửa và xã hội trở lại bình thường.
Vì những lý do đứt quãng chuỗi cung ứng, trong thời gian qua có đến 18% doanh nghiệp phải chuyển dịch sản xuất sang quốc gia khác, 16% đang cân nhắc chuyển dịch.
Dù vậy, Phó Chủ tịch EuroCham cũng đặc biệt khẳng định rằng: "Đây không phải là chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn và mà là dịch chuyển dịch nguồn cung ứng và đơn hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài. Doanh nghiệp châu Âu không rút vốn khỏi Việt Nam".
Đại diện EuroCham bày tỏ, trong những ngày qua, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng vì đã có nhiều bước nởi lỏng trong hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. EuroCham hoan nghênh Chính phủ Việt Nam đã ban hành quy tắc thích ứng COVID-19 mới.
Theo đó các biện pháp phòng chống dịch được quy định cụ thể, áp dụng thống nhất trên toàn quốc tuỳ theo cấp độ dịch của từng khu vực. Tuy nhiên, Nghị quyết 128 yêu cầu đánh giá khu vực theo cấp phường, xã, vì vậy Bộ Y tế cần có bản đồ đánh giá cấp độ dịch cho từng khu vực. Tại các địa phương, cũng có rất nhiều chuyển biến tích cực trong thực tế, trong đó Hà Nội cũng chính thức mở cửa trở lại và có thể thấy sự nhộn nhịp của thành phố những ngày qua.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị thủ tục nhập cảnh cho nhà đầu tư chuyên gia; nhiều doanh nghiệp làm thủ tục mất rất nhiều thời gian.
Trong lúc chờ đợi Chính phủ thay đổi quy định hiện hành, Eurocham đề xuất Hà Nội rà soát lại quy trình, từ lúc tiếp nhận hồ sơ, và cắt bỏ một số thủ tục không cần thiết (vì người nhập cảnh vẫn phải cách ly y tế tập trung và xét nghiệm âm tính). Ngoài việc kiến nghị Bộ LĐTB&XH có hướng dẫn cụ thể hơn, với địa phương, Eurocham cũng kiến nghị việc người nước ngoài đã được cấp phép nay không thay đổi gì vẫn ở lại Việt Nam làm việc, thì nên xem xét gia hạn mà không cần làm thủ tục mới.
Một vấn đề lớn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI là thuế và hải quan, nhìn chung đã có nhiều cải cách trong những năm gần đây. Dù vậy, các doanh nghiệp FDI cũng cho rằng, trong quá trình thực thi vẫn còn một số điểm cần lưu ý về cách diễn giải các quy định thuế hoặc có một số trường hợp hồ sơ hoàn thuế bị kéo dài...vì vậy, đại diện Eurocham mong muốn lãnh đạo TP. Hà Nội sớm đưa ra phương án hỗ trợ, qua đó thúc đẩy hơn nữa vốn đầu tư FDI trên địa bàn thành phố.
"Chúng tôi tin rằng, đầu tư từ châu Âu sang Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Hà Nội là điểm đến tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cải cách như năm qua sẽ là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội và Việt Nam trong tương lai", ông Nguyễn Hải Minh nhấn mạnh.
THEO VNECONOMY