CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu bán lẻ, Savills Việt Nam cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu bán lẻ, Savills Việt Nam
Thưa bà, EVFTA có ý nghĩa thế nào với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
EVFTA là động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh cơ hội phục hồi sau đại dịch. EU với 27 nước thành viên, tổng dân số khoảng 500 triệu người và thu nhập bình quân đầu người hàng năm khoảng 32.900 USD sẽ giúp doanh nghiệp Việt đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Để nắm bắt cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá thương hiệu thông qua các hình thức trực tuyến và giao dịch điện tử, thay cho xúc tiến thương mại truyền thống.
Theo bà, khó khăn mà các doanh nghiệp Việt sẽ phải đối mặt khi xuất khẩu hàng hóa sang EU là gì? Các doanh nghiệp phải làm gì để giải bài toán mở cửa thị trường EU?
Các FTA thường có tổng thời gian thực thi cam kết kéo dài 10 năm, trong khi EVFTA chỉ trong 7 năm. Trong đó, nhiều điều khoản và thỏa thuận sẽ thực hiện trong vòng 2 đến 3 năm. Đây là thách thức, các doanh nghiệp cần hiểu để có kế hoạch đúng đắn.
Các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ với nguồn lực còn hạn chế. Trong khi đó, lộ trình thực hiện hiệp định nhanh sẽ là sức ép lớn cho họ.
Mặt khác, các doanh nghiệp còn những điểm yếu cần khắc phục như nhiều hàng hóa chưa đạt chất lượng, mẫu mã kém đa dạng, giá cả còn cao, thiếu sự liên kết chuỗi sản xuất phân phối trong nước. Trong khi EU là một thị trường khó tính, yêu cầu cao về chất lượng. Khi tham gia thị trường EU, doanh nghiệp sẽ đối mặt với các hàng rào kỹ thuật và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Do vậy, để có thể tận dụng lợi thế của EVFTA, các doanh nghiệp nên tập trung vào những mặt hàng chủ lực vốn là thế mạnh như nông sản, thực phẩm. Tìm hiểu nhu cầu thực tế và hành vi tiêu dùng của người dân EU để xuất khẩu cho đúng, trúng.
Bên cạnh đó, phải tăng cường mối liên kết giữa sản xuất và phân phối để thắt chặt quan hệ cung - cầu, tìm kiếm cơ hội và đẩy mạnh các kênh phân phối mới.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU, thị trường trong nước sẽ hưởng những lợi ích và đối mặt với những khó khăn nào, đặc biệt là trong câu chuyện cạnh tranh ?
Người tiêu dùng là đối tượng hưởng lợi đầu tiên khi có thể tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ EU với giá thành hợp lý hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo áp lực cho các nhà sản xuất trong nước phải không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm để không mất thị phần ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp phân phối Việt Nam sẽ tiếp cận những nguồn hàng chất lượng cao nhập khẩu từ các nước thành viên của EU, từ đó nâng cao năng lực trong hoạt động kinh doanh trên thị trường trong nước. Hơn thế, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ quản lý tiên tiến trong các hoạt động thương mại từ EU.
Bên cạnh nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nội địa theo hướng lập các hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài, cũng như đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định theo cam kết của EVFTA.
Nguồn Báo Đầu Tư