CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

[Gặp gỡ thứ Tư] TS. Võ Trí Thành: 'Một năm không dễ dàng với điều hành chính sách tiền tệ'

Invest Global 15:46 31/03/2021

TS. Võ Trí Thành nhận định, măm 2021 sẽ là một năm không dễ với điều hành chính sách tiền tệ khi vừa phải đáp ứng mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế lại vừa đảm bảo không để xảy ra rủi ro, bong bóng tài sản, xa hơn là hệ lụy nợ xấu cho ngân hàng. 

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hinh kinh tế - xã hội quý I/2021 cho biết, tính đến thời điểm 19/3/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,54%; tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47%. Trong khi đó, vốn chảy vào thị trường chứng khoán lại tăng mạnh. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước tính đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên, tăng 155% so với bình quân năm trước.

Không chỉ thị trường chứng khoán chứng kiến mức tăng trưởng ngoạn mục, thị trường bất động sản cũng cho thấy dấu hiệu tăng "nóng". Giá đất nền theo ghi nhận tại các địa phương có mức tăng chóng mặt, có nơi giá đất tăng gấp đôi chỉ trong vài ba tuần. Hà Nội, TP.HCM cũng có nhiều nơi giá đất tăng 15-20% chỉ trong nửa tháng.

Những hiện tượng trên dẫn tới lo ngại về một thị trường tài chính thiếu bền vững, kịch bản bong bóng tài sản có thể một lần nữa lặp lại như thời điểm 2009. Những hiện tượng trên đặt ra bài toán lớn cho điều hành chính sách tiền tệ từ nay tới cuối năm 2021. Để làm rõ hơn những thách thức và mong muốn đi tìm lời giải cho vấn đề trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.

Theo ông, những hiện tượng như huy động, tín dụng tăng thấp, tiền đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản trong quý I/2021 có đáng lo ngại?

TS. Võ Trí Thành: Trước tiên cần hiểu rằng, trong môi trường lãi suất thấp, hoạt động kinh doanh khó khăn, tiền đổ vào chứng khoán và bất động sản là có thể hiểu được. Nhưng có thể thấy tín dụng tăng trưởng thấp thì tiền từ tín dụng đổ vào 2 thị trường trên có tăng thì cũng không quá lớn. Cùng với đó, về chính sách cũng đã có những quy định rất cụ thể như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn hay có sự giám sát tỷ lệ cho vay bất động sản, cho vay đầu tư chứng khoán nên tín dụng vào 2 kênh đầu tư này là không quá lo ngại.

Tuy nhiên, có thể thấy, nguồn tiền từ trong dân đang đổ mạnh vào chứng khoán và bất động sản. Trong môi trường lãi suất thấp, trước đây thay vì gửi ngân hàng toàn bộ thì nay họ mang ra đầu tư chứng khoán, bất động sản khi thấy có cơ hội kiếm lời. Điều này thể hiện qua con số tăng trưởng huy động quý I thấp. Xu hướng này là tự nhiên và khó có thể tránh khỏi.

Điều này có đáng lo ngại không? Theo tôi, về cơ bản thị trường tài chính đang có vấn đề nhưng không phải ở mức độ nghiêm trọng. Điều này đỏi hỏi sự khéo léo của chính sách tiền tệ, nới lỏng tới mức nào, khi nào cần thắt chặt một chút; Quy định lộ trình vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thế nào cho hợp lý; nhìn nhận thế nào về cho vay bất động sản; nhìn nhận lại vấn đề huy động trái phiếu doanh nghiệp ra sao là những vấn đề lớn đang đặt ra cho các cơ quan quản lý.

Vậy theo ông giải pháp là gì, làm sao có thể điều hành chính sách tiền tệ vừa hỗ trợ tăng trưởng nhưng lại vẫn kiểm soát được rủi ro? Trong thời gian gần đây, một số ngân hàng thuộc nhóm Big 4 rục rịch tăng lãi suất huy động, liệu đây có phải là xu hướng trong thời gian tới?

TS. Võ Trí Thành: Có thể nói năm nay là một năm không dễ dàng với điều hành chính sách tiền tệ. Có những cái cần điều chỉnh, nhưng khó ở chỗ là làm sao vẫn phải gắn với phục hồi; phát triển thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản nhưng vẫn phải hạn chế rủi ro.

Lạm phát quý I năm nay rất thấp nhưng nhìn về phía trước còn nhiều thách thức. Thách thức ở chỗ tiền rẻ đang nhiều dễ gây lạm phát. Thứ 2 là tác động từ bên ngoài như giá dầu tăng. Mức tăng giá dầu thế giới của quý I năm nay là không ai dự báo trước được. Ngoài ra còn những rủi ro khác chưa biết được như giá các mặt hàng chăn nuôi, nông sản. Các dự báo năm nay đều cho rằng lạm phát có thể kiểm soát quanh 3,5-4%.

Còn về tăng lãi suất trên thị trường hiện nay có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là cơ bản ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn muốn hỗ trợ nền kinh tế, nên lãi suất có tăng cũng chỉ mang tính ngắn hạn và duy trì ở mức vừa phải, tương đối dễ chịu để vừa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhưng cũng không để xảy ra rủi ro.

Thứ hai là bản thân hành xử của các ngân hàng thương mại. Có thể họ kỳ vọng lạm phát lên, tín hiệu phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ hơn thì nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp sẽ tăng như vậy cần vốn và họ tăng lãi suất để huy động vốn.

Về cơ bản có thể thấy NHNN không muốn đảo chiều chính sách tiền tệ mà vẫn muốn hỗ trợ phục hồi, không muốn tăng lãi suất, nhưng dư địa giảm lãi suất huy động ở thời điểm hiện tại cho tới cuối năm theo tôi là rất thấp.

Vậy còn mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% và việc NHNN đang cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng "theo quý" đang thể hiện điều gì, thưa ông?

TS. Võ Trí Thành: Từ "linh hoạt" được nhắc đến nhiều nhất và đặc biệt được nhấn mạnh trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% vẫn đấy nhưng sẽ là rất linh hoạt. 

Thế giới và cả Việt Nam đang trải qua những biến động lớn, thay đổi theo từng tháng. Vì thế, cấp hạn mức tín dụng có lẽ đã không còn vai trò trong quản lý. Năm 1996 chúng ta từng áp dụng hạn mức tín dụng sau đó năm 1998 chúng ta bỏ. Khoảng 15 năm trở lại đây chúng ta áp dụng trở lại. Nhưng khi thị trường đi vào hoạt động mượt mà thì nên bỏ chỉ tiêu này.

Hiện nay, NHNN vẫn điều hành dựa trên tổng mức tăng tín dụng nhưng linh hoạt trước các diễn biến, cố gắng vừa góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng phải làm sao khéo léo không gây vỡ trận về vĩ mô.

Doanh nghiệp đang phục hồi nên ít nhiều phải nới lỏng chính sách tiền tệ, còn doanh nghiệp chưa kịp phục hồi đã thắt chặt tiền tệ lại, nâng lãi suất thì e rằng doanh nghiệp sẽ chết hết. Tuy nhiên, nới quá không khéo lại dẫn tới lạm phát, nợ xấu, bong bóng tài sản. 

Còn một gói kích thích kinh tế lần 2, theo ông có nên được triển khai sớm trong năm nay?

TS. Võ Trí Thành: Tôi nghĩ là vẫn cần và sẽ có nhưng cách nói của Chính phủ là bổ sung chính sách hỗ trợ. Gói hỗ trợ cũng cần gắn với nghệ thuật điều hành, cải cách và hỗ trợ phục hồi. Để làm tốt cũng không hề đơn giản. Ngay cả ở Mỹ cũng đang có tranh cãi rằng có nên thêm gói hỗ trợ hay không và bao thì vừa. Rõ ràng điều hành chính sách tiền tệ đang là bài toán chung của toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Theo tôi, quan trọng vẫn là không đảo chiều chính sách, dựa trên tín hiệu của thị trường điều hành linh hoạt đủ để hỗ trợ nền kinh tế nhưng không tạo rủi ro tài chính quá lớn.

NGUỒN NHÀ ĐẦU TƯ

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan