CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của mặt hàng này, đưa giá đường thô hợp đồng tháng 10 lên mức cao lịch sử. Thị trường tiếp tục lo ngại về việc nguồn cung ở mức thấp tại Thái Lan và khả năng cấm xuất khẩu đường tại Ấn Độ.
Hiện tượng thời tiết El Nino khiến lượng mưa thấp hơn mức bình thường tại khu vực sản xuất đường chính của Ấn Độ và Thái Lan, hai quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Điều này được dự đoán sẽ khiến sản lượng giảm sâu so với niên vụ trước. Thậm chí, sản lượng thấp đang cho thấy khả năng Ấn Độ sẽ quyết định cấm các nhà máy xuất khẩu đường bắt đầu từ tháng 10 nhằm đảm bảo nhu cầu trong nước.
Trong niên vụ sắp tới, nhiều khả năng Ấn Độ cũng sẽ không có đủ đường để phân bổ cho hạn ngạch xuất khẩu. Hiện Ấn Độ chỉ cho phép các nhà máy xuất khẩu 6,1 triệu tấn đường trong niên vụ hiện tại tính đến ngày 30/9.
Tại Thái Lan, theo Bloomberg, ông Rangsit Hiangrat, Giám đốc Hiệp hội ngành công nghiệp mía đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corporation) cho biết, sản lượng sẽ giảm 18% xuống còn khoảng 9 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024. Thời tiết nắng nóng và khô hạn khắc nghiệt có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những năm tới.
Thái Lan là nước xuất khẩu đường số 2 thế giới nên việc sản lượng đường của nước này sụt giảm sẽ càng gây thêm áp lực cho thị trường toàn cầu.
Ông Rangsit dự báo xuất khẩu đường của nước này sẽ giảm xuống còn 6 triệu tấn vào năm tới từ mức 8 triệu tấn trong năm nay. Theo Bộ thương mại Thái Lan, doanh số bán hàng ở nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2023 đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng mía ở Thái Lan dự kiến sẽ giảm xuống 82 triệu tấn trong niên vụ 2023/2024 từ mức 93,9 triệu tấn trong niên vụ hiện tại do tình trạng thiếu nước ở các khu vực sản xuất trọng điểm.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong tháng 6, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2022-2023. Sản lượng lũy kế từ đầu vụ đã ép được 9,7 triệu tấn mía sản xuất được 941.373 tấn đường các loại. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2021-2022, sản lượng mía ép đạt 144% và sản lượng đường đạt 136%. Đây đồng thời là niên vụ thứ hai tăng trưởng liên tiếp của ngành đường.
Để đảm bảo đủ nhu cầu, hàng năm, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp tiến hành xem xét, cấp hạn ngạch cho nhập khẩu đường để sử dụng trong nước theo đúng các cam kết về hội nhập.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thường xuyên triển khai các giải pháp kiểm soát thị trường để hạn chế tối đa đường nhập lậu qua biên giới. Do đó, tình trạng này đã giảm tương đối mạnh trong thời gian qua.
Ngành đường Việt Nam đang chuẩn bị vào vụ sản xuất mía 2023-2024. Do đó, một thị trường đường ổn định sẽ là yếu tố quan trọng nhằm bảo đảm đầu ra của chuỗi liên kết giữa người sản xuất, các nhà máy đường và tiêu thụ.
Chính vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất mía đường cần chung tay bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo nhu cầu sử dụng và giữ giá bán đường hiện nay. Đặc biệt, các đơn vị không để giá đường tăng thêm nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích và tuyệt đối không thực hiện hoặc tiếp tay với các hành vi găm hàng, đẩy giá.
Về lâu dài, nhằm xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa, bảo đảm lợi ích của người sản xuất, nhà máy đường, đơn vị sản xuất trong ngành thực phẩm và người tiêu dùng thì các cơ quan chức năng cần ổn định giá đường ở mức hợp lý; giá thu mua mía bảo đảm người sản xuất có thu nhập tương đương hoặc cao hơn so với cây trồng cạnh tranh tại địa phương.
Từ đó, người dân mới yên tâm phát triển cây mía, tránh việc giảm diện tích dẫn đến thiếu hụt nguồn cung mía, bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường. Mặt khác, cần tăng cường liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; hình thành các vùng sản xuất tập trung, sử dụng các giống mía mới, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, biện pháp thâm canh tiên tiến để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía và thu nhập cho người sản xuất...