CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Thí điểm lúa phát thải thấp: thu nhập tăng, phát thải giảm vậy nhân rộng ra sao?

Invest Global 15:23 09/07/2024

(KTSG Online) – Mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho kết quả tích cực cả về hiệu quả kinh tế lẫn bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để mô hình này có thể nhân rộng lên một triệu héc ta như kỳ vọng, ngoài sự vào cuộc của doanh nghiệp, cần phải tăng cường hơn nữa “số lượng lẫn chất lượng” của hợp tác xã- một chủ thể quan trọng tham gia đề án 1 triệu héc ta…

Hợp tác xã Tiến Thuận thu hoạch lúa trong mô hình thí điểm lúa 1 triệu héc ta ở ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Để có cơ sở triển khai đại trà trên toàn vùng ĐBSCL, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan triển khai 5 mô hình thí điểm, có điều kiện đất khác nhau ở 5 địa phương trong vùng, bao gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Mô hình thí điểm đầu tiên đi đến giai đoạn thu hoạch do hợp tác xã Tiến Thuận (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ) triển khai với quy mô khoảng 50 héc ta cho kết quả khá tích cực cả về hiệu quả kinh tế lẫn bảo vệ môi trường…

Tăng hiệu quả kinh tế, phát thải giảm mạnh

Là đơn vị trực tiếp sản xuất và cho kết quả đầu tiên của đề án 1 triệu héc ta, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc hợp tác xã Tiến Thuận cho biết, ban đầu khi triển khai mô hình rất hồi hộp, nhưng kết quả mang lại ông và các thành viên rất hài lòng. “Áp dụng quy trình sản xuất của đề án không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân khi chi phí đầu tư giảm, ít tốn công phun thuốc hơn xưa”, ông cho biết.

TS Nguyễn Văn Hùng, Chuyên gia cao cấp của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) cho biết, các mô hình thí điểm (5 mô hình) của đề án đều áp dụng theo quy trình canh tác, nhưng kết quả sẽ phụ thuộc vào từng vùng đất, tức phụ thuộc vào điều kiện môi trường đất, kinh tế- xã hội…

Cũng chính lý do nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã chọn 5 địa phương có điều kiện sản xuất khác nhau để thí điểm nhằm có được kết quả tốt nhất.

Đối với vùng đất chọn thí điểm ở huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ có đặc điểm là đất phèn ở mức độ vừa phải, năng suất lúa bình quân nơi đây trong vụ hè thu khoảng 5,9 tấn/héc ta (lúa tươi).

Tuy nhiên, khi áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác của đề án 1 triệu héc ta, thì kết quả mang lại cho người nông dân thực tế ra sao về chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế lẫn giảm phát thải khí nhà kính?

Theo ông Hùng, áp dụng quy trình kỹ thuật của đề án 1 triệu héc ta (áp dụng sạ hàng), nông dân giảm được 60 kg giống/héc ta so với phương pháp sạ lan, tương đương tiết kiệm được 1,2 triệu đồng/héc ta, trong khi lượng phân đạm giảm được 30 kg/héc ta, tương đương 0,7 triệu đồng/héc ta. “Riêng chi phí đầu vào của giống và phân giảm được 1,9 triệu đồng/héc ta”, ông nói.

Trong khi đó, vị chuyên gia của IRRI cho biết, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật là yếu tố không ảnh hưởng nhiều đến phát thải khí nhà kính, nhưng tác động đến sức khoẻ của người nông dân, chất lượng cây trồng và công lao động. Tuy nhiên khi áp dụng phương pháp sạ hàng giảm số lần phun thuốc so với sạ lan từ 2-3 lần (sạ lan 9 lần phun/vụ, trong khi sạ hàng 6-7 lần phun/vụ).

Còn về năng suất, mô hình thí điểm đề án 1 triệu héc ta cho năng suất lúa tươi (ẩm độ 30%) đạt từ 6,13-6,51 tấn/héc ta (tuỳ áp dụng kỹ thuật sạ hàng không vùi phân, sạ hàng đều có vùi phân hoặc sạ hàng biên có vùi phân). Trong khi ruộng đối chứng năng suất 5,89 tấn/héc ta, tức mô hình thí điểm cho năng suất cao hơn từ 0,24-0,62 tấn/héc ta.

Đối với hiệu quả kinh tế, theo ông Hùng, do giảm chi phí đầu tư trong khi năng suất tăng nên nông dân tham gia mô hình tăng lợi nhuận từ 1,3-6,2 triệu đồng/héc ta, tương đương lợi nhuận tăng thêm khoảng 50-280 đô la Mỹ/héc ta. “Đây là thông số của 1 vụ, nhưng có thể tin cậy do chúng tôi làm tất cả các nghiệm thức đều lặp lại và làm ở diện rộng, có minh chứng từ thực hành các công nghệ liên quan”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, về phát thải khí nhà kính, áp dụng quy trình canh tác của đề án 1 triệu héc ta, di chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng cho kết quả lượng phát thải là 2 tấn Co2 tương đương (Co2-e)/héc ta. Trong khi đó, đối với nông dân sản xuất theo phương pháp ngập liên tục kết hợp đốt rơm, thì phát thải khoảng 5 tấn Co2-e/héc ta; sản xuất ngập liên tục kết hợp vùi rơm, lượng phát thải là 15 tấn Co2-e/héc ta

Theo ông Hùng, nông dân trong hợp tác xã Tiến Thuận khi áp dụng quy trình canh tác của đề án 1 triệu héc ta, nhưng vùi rơm, thì lượng phát thải khoảng 8 tấn Co2-e/héc ta.

Từ kết quả trên cho thấy, áp dụng quy trình 1 triệu héc ta, chuyển rơm ra khỏi đồng ruộng giúp giảm được 13 tấn Co2-e/héc ta so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp vùi rơm rạ; giảm 3 tấn Co2-e so với áp dụng tưới ngập liên tục kết hợp đốt rơm và giảm 6 tấn Co2-e so với áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ, nhưng vùi rơm.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp có tham gia vào mô hình thí điểm đề án 1 triệu héc ta, ông Phan Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền khi trao đổi với KTSG Online nhấn mạnh, kết quả thí điểm là cơ sở để nhân rộng mô hình. “Từ kết quả này, rõ ràng chúng ta thấy từ năng suất, chi phí đầu tư lẫn hiệu quả kinh tế, thì mô hình thí điểm tốt hơn. Quan trọng là lượng phát thải giảm rất lớn”, ông cho hay.

Mô hình thí điểm cho hiệu quả kinh tế tăng, lượng phát thải giảm mạnh.Ảnh: Trung Chánh

Cách nào nhân rộng kết quả thí điểm?

Theo tìm hiểu của KTSG Online, toàn bộ sản lượng lúa được sản xuất ra từ mô hình thí điểm trong đề án 1 triệu héc ta của hợp tác xã Tiến Thuận đã được Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật ký hợp đồng thu mua với mức giá 7.050 đồng/kg (lúa tươi, giao xuống ghe tại ruộng).

Câu hỏi nhận được sự quan tâm hiện nay là làm sao để nhân rộng mô hình của đề án lên 1 triệu héc ta như mục tiêu kỳ vọng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông đặt ra?

Ông Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, UBND các địa phương nên chủ trương xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể gắn với đề án 1 triệu héc ta để có kế hoạch hỗ trợ người dân phát triển số thành viên hợp tác xã cũng như tuyên truyền thay đổi nhận thức người nông dân.

“Chúng ta có thể xây dựng mô hình hợp tác xã điểm để người nông dân coi đó làm theo, kết nối hỗ trợ người dân áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới như: cơ giới máy sạ cụm, máy bay không người lái hay kỹ thuật mới trong quá trình sản xuất”, ông Hải gợi ý.

Theo ông Hải, từ đề án kinh tế tập thể, các địa phương có thể hình thành nghị quyết Hội đồng nhân dân theo định hướng đặc thù nhằm hỗ trợ các hợp tác xã đủ năng lực làm dịch vụ cho các doanh nghiệp như: cho mượn đất công để làm nhà kho, nhà máy sấy, sơ chế chế biến hoặc kho chứa vật tư. “Chúng ta có thể kết nối hỗ trợ cho các hợp tác xã để làm việc với các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp kỹ thuật, tiêu thụ”, ông cho biết.

Để nhân rộng mô hình, ông Tâm cho rằng, dù kết quả thuận lợi, nhưng còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, quan trọng nhất là cần truyền tải để người nông dân thấy, hiểu được kết quả của mô hình. “Chương trình nào cũng vậy, nông dân không theo, không thực hiện, thì không thể triển khai được”, ông nói.

Ông Tâm dẫn chứng, muốn nông dân chuyển đổi tư duy gieo sạ từ 120 kg giống/héc ta xuống còn 60 kg/héc ta cũng phải truyền thông rất nhiều. “Muốn triển khai được, thì phải truyền thông, đồng bộ dữ liệu này”, ông nói.

Ngoài ra, ông Tâm cho rằng, cần phải có sự tham gia mạnh mẽ của doanh nghiệp, bởi có nông dân, có cơ quan chỉ đạo, nhưng thiếu sự đồng hành của các doanh nghiệp cũng không thể triển khai nhanh và bền vững được. “Đó là những điều chúng ta cần vận động thực hiện”, ông nhấn mạnh.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan