CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải bài toán rủi ro giúp nhà đầu tư cá nhân

Invest Global 09:26 31/08/2021

Nhà đầu tư cá nhân được xem là đối tượng yếu thế trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Họ đang được các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, giới chuyên gia nỗ lực bảo vệ quyền lợi và giải giúp bài toán rủi ro...

Ảnh minh hoạ

Suốt thời gian qua, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, tỷ lệ phát hành ra công chúng chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Đồng thời, để việc phát hành thuận lợi, nhiều doanh nghiệp sử dụng “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp hai lần lãi suất huy động của ngân hàng.

RỦI RO VẪN BỦA VÂY


Bị lãi suất cao che bớt tầm nhìn, trong khi công cụ duy nhất để các nhà đầu tư nhận diện chất lượng trái phiếu cũng như năng lực trả nợ của doanh nghiệp là bản cáo bạch phát hành trái phiếu (OC), do quy định hiện hành không bắt buộc phải qua xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm hay bảo lãnh thanh toán.

Thế nhưng, chất lượng của bản cáo bạch này vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào “ý chí” của nhà tư vấn phát hành. Nếu nhà tư vấn trách nhiệm thì doanh nghiệp phát hành phải công bố các thông tin vô cùng chi tiết. Ngược lại, có nhà tư vấn rất sơ sài, yêu cầu doanh nghiệp chỉ cần công bố rất ít số liệu, đẩy rủi ro cho nhà đầu tư.


Nhằm siết lại thị trường, năm 2020, nhà quản lý đã ban hành một loạt chính sách quy định rõ về việc chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Các quy định mới phần nào đã cảnh báo cho tổ chức tư vấn phải cung cấp thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để họ có căn cứ ra quyết định.

Nhờ vậy, sức nóng của trái phiếu doanh nghiệp được giảm bớt, thị trường lọc bớt sản phẩm rác và ngăn nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tham gia.

Số liệu thống kê từ Bộ Tài chính cho biết, nửa đầu năm 2021, số lượng trái phiếu phát hành ra công chúng tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ. Đồng thời, tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên thị trường sơ cấp đã giảm một nửa so với cùng kỳ, chỉ đạt 5,7% tổng khối lượng đã phát hành (cùng kỳ 12,68%).

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, việc cơ quan quản lý bảo vệ nhà đầu tư là rất cần thiết, tất cả những đối tượng yếu thế, những đối tượng nhỏ lẻ đều cần được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh, mặc dù đã được bảo vệ tốt hơn quãng thời gian trước nhưng rủi ro vẫn bủa vây nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, trái phiếu doanh nghiệp không phải lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp, đương nhiên lãi suất cao thì rủi ro cao.

Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cơ hội và rủi ro là hai yếu tố luôn song hành. Theo đó, dù nhà điều hành có hạn chế đối tượng tham gia thị trường, tức hạn chế nhu cầu nhưng với bối cảnh rủi ro gia tăng vì dịch bệnh thì lãi suất trái phiếu cao vẫn được nhà đầu tư đón nhận.

“Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ lãi suất, trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Nếu từ giờ đến cuối năm, tình hình dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn, con số này có thể lên tới 100 nghìn doanh nghiệp. Và không ai dám chắc rằng, trong số đó không có những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu. Nguy cơ vỡ “bom nợ” trái phiếu đã dần hiện rõ, đặc biệt ở nhóm bất động sản”, ông Hiếu nhìn nhận.

Một số liệu do FiiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho biết hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay. Hệ số nợ vay ròng/EBITDA năm 2020 tăng lên tới 17,3 lần. Đây là mức rất cao nếu so với kỳ hạn bình quân 3,8 năm của các trái phiếu bất động sản. Do đó, khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ của nhóm doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành bất động sản nhà ở.

Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng dù đã có hành lang pháp lý khá chi tiết nhưng người mua trái phiếu doanh nghiệp vẫn bị bủa vây bởi bốn loại rủi ro chính.

Đầu tiên, trái phiếu chính phủ thường có mức độ rủi ro thấp nhất, vì Chính phủ có khả năng thu thuế hoặc phát hành tiền để trả nợ. Các doanh nghiệp không có quyền đó. Do vậy trong trường hợp bất khả kháng hoặc chủ quan, nhà đầu tư không thể thu hồi được lãi và nợ gốc thì gọi là rủi ro tín dụng.

Thứ hai, rủi ro thanh khoản. Mặc dù trái phiếu có thể giao dịch bán lại cho công ty chứng khoán, đơn vị phân phối hoặc trao tay nhưng cơ sở hạ tầng cũng như hành lang pháp lý chưa có nên chưa thể đảm bảo quyền lợi lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, thanh khoản thị trường vẫn ở mức khiêm tốn với tỷ lệ luân chuyển chỉ ở mức 0,08 lần, rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực.

Thứ ba, rủi ro định giá về lãi suất trên cơ sở đã điều chỉnh rủi ro, tức lãi suất phải tương xứng với rủi ro.

Thứ tư, rủi ro khác bao gồm rủi ro lãi suất tiền gửi, tái đầu tư, mua lại, bảo lãnh, lạm phát, bất ổn kinh tế, thảm họa hay đại dịch…

LÀM SAO ĐỂ CHỌN TRÁI PHIẾU TỐT

Vậy câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để nhà đầu tư cá nhân chọn được trái phiếu doanh nghiệp tốt, tránh rủi ro?

Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư như bỏ tiền ra mua trái phiếu, gửi tiền tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản, trái phiếu… Để đưa ra quyết định nhà đầu tư phải tự hiểu về bản thân, phải có bức tranh về tình hình tài chính cá nhân của mình để tránh trường hợp bỏ tất cả trứng vào một rỏ. Bởi lẽ, không một kênh đầu tư nào, sản phẩm đầu tư nào chỉ có lợi nhuận mà không có rủi ro.

“Thường các công ty tư vấn sẽ giúp nhà đầu tư phân tán rủi ro vào nhiều kênh đầu tư khác nhau. Khi nhà đầu tư đã chấp nhận được rủi ro để đem một phần tài sản bỏ vào thị trường trái phiếu thì lúc đó mới tiếp tục bàn đến câu chuyện lựa chọn loại trái phiếu để phù hợp khẩu vị rủi ro”, ông Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo ông Quỳnh, nếu chỉ đặt ở góc độ rủi ro, rất dễ để tìm loại trái phiếu an toàn. Trong đó, nhà đầu tư có thể chọn các doanh nghiệp đã có uy tín, thương hiệu, hoạt động trên thị trường trong một thời gian dài. Về phương thức phát hành nên chọn trái phiếu phát hành công chúng, thậm chí có xếp hạng tín nhiệm thì càng tốt.

Ngoài ra, hiện có nhiều trái phiếu doanh nghiệp được ngân hàng bảo lãnh thanh toán hoặc ngân hàng quản lý tài sản bảo đảm. “Bản thân ngân hàng là các tổ chức tài chính chuyên nghiệp, họ đã đồng ý bảo lãnh như vậy có nghĩa trái phiếu đó có mức độ an toàn cao”, ông Quỳnh nói.

Tuy nhiên, vị Tổng thư ký trên cũng lưu ý, nếu tìm một trái phiếu vừa phù hợp với khẩu vị rủi ro, điều kiện tài chính, kỳ vọng lãi suất của nhà đầu tư cá nhân thì câu chuyện sẽ phải rẽ sang hướng khác.

“Những trái phiếu của doanh nghiệp chưa có tên tuổi, chưa có thương hiệu và chỉ được bảo lãnh phát hành thì các nhà tư vấn tài chính thường xếp vào loại có mức độ rủi ro tương đối cao. Do đó mức lãi suất mới đạt 12 - 13%/năm”, vị Tổng thư ký nhấn mạnh.

Với phương diện chuyên gia tư vấn tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ lắng đọng ở hiện tại thông qua ham muốn lãi suất cao, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới.

“Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng”, ông Hiếu đưa ra khuyến nghị.

THEO VNECONOMY

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan