CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Dù đã có những điều chỉnh về khung pháp lý, nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất khiến các nhà đầu tư e ngại khi thực hiện các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam.
Ông Phạm Duy Khương - Giám đốc điều hành Công ty Luật ASL LAW.
Môi trường tiềm năng
Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang tích cực cải thiện chính sách đầu tư thông qua việc tham gia các hiệp định song phương và đa phương, điển hình là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thông qua việc sửa đổi hai luật quan trọng là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư và chất lượng quản trị doanh nghiệp. Điều này đã giúp Việt Nam trở thành một môi trường tiềm năng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư và cơ sở sản xuất của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đặt tại Trung Quốc có sự chuyển hướng sang những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, M&A được coi là công cụ hữu hiệu giúp các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận và đầu tư vào thị trường Việt Nam với chi phí rẻ hơn và tận dụng được những lợi thế sẵn có để tránh gặp phải các khó khăn khi phải thích nghi với văn hóa và môi trường kinh doanh mới.
Hoạt động M&A có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng nhìn chung là thông qua các giao dịch chuyển nhượng, sự chuyển giao về quyền sở hữu tài sản, các dự án đầu tư của doanh nghiệp, toàn bộ cơ sở sản xuất - kinh doanh, phần vốn góp hoặc cổ phần của chủ sở hữu doanh nghiệp theo hợp đồng với chủ thể là người bán, người mua, người môi giới hoặc cung cấp dịch vụ cho các bên. Trên cơ sở các giao dịch chuyển nhượng này, người mua có thể thâm nhập các thị trường mới, giảm bớt các đối thủ cạnh tranh hoặc đa dạng hóa thị trường của họ.
Dẫn đầu các thương vụ giao dịch M&A tại Việt Nam trong năm 2019 là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Điển hình như thương vụ Tập đoàn SK Group (Hàn Quốc) đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6,1% cổ phần của Vingroup. Trước đó, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại cổ phần của Masan Group.
Với những điểm sáng như vậy, hoạt động M&A được kỳ vọng sẽ ngày càng sôi động hơn nữa, góp phần tạo thêm động lực phát triển kinh tế, cũng như thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, viễn thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dược phẩm và giáo dục đang trên đà phát triển và trở thành những ngành “hot” tại Việt Nam.
Thị trường năng lượng sôi động
Trước nhu cầu sử dụng năng lượng điện ngày càng cao, Chính phủ đã đưa ra những chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 55/NQ-TW về định hướng Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã thúc đẩy và mở ra nhiều hướng đi mới cho các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng sạch. Chính điều này đã tạo động lực cho hàng loạt thương vụ M&A diễn ra trong lĩnh vực năng lượng với dòng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đây, các nhà đầu tư thường e dè khi quyết định bỏ ra một lượng vốn lớn đầu tư vào ngành năng lượng điện, nhưng lại khó thu hồi vì giá điện rất thấp. Tuy nhiên, việc ban hành hai chính sách về giá là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về giá điện của các dự án điện mặt trời (FIT - Feed in Tariff) và Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về biểu giá FIT hỗ trợ phát triển các dự án điện gió có thể giúp nhà đầu tư thu hồi vốn nhanh với giá điện hợp lý hơn, góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư mới vào phát triển năng lượng.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được hưởng nhiều ưu đãi khi đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Lý do là dòng vốn nước ngoài được hưởng lãi suất thấp và tài sản được định giá hợp lý giúp các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng Việt Nam một cách dễ dàng hơn.
Bộ Công thương khẳng định, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác theo cơ chế thị trường và quy định của Luật Đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài có thể mua lại, sáp nhập một công ty năng lượng để sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty đó tại Việt Nam.
Có thể thấy, dường như không có bất kỳ rào cản nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận thị trường năng lượng tại Việt Nam và điều này đã góp phần thúc đẩy các thương vụ M&A phát triển.
Một số thương vụ tiêu biểu có thể kể đến là Tập đoàn năng lượng Banpu có trụ sở tại Thái Lan và chi nhánh kinh doanh điện lực là Banpu Power (BPP) vừa liên kết mua Nhà máy Điện gió Mũi Dinh có công suất 37,6 MW ở tỉnh Ninh Thuận trong một thỏa thuận trị giá 66 triệu USD (tương đương 2.065 tỷ đồng); hay Gulf International Holding thông báo sẽ thực hiện việc mua lại Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Điện Xanh Gia Lai (DGI) - bên phát triển và vận hành 2 dự án phong điện với tổng công suất 100 MW.
Giải mã các bất cập
Tuy nhiên, dù thực hiện sửa đổi các luật và ban hành các chính sách cởi mở hơn nhằm thu hút vốn đầu tư để cải thiện hoạt động M&A, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập khiến các nhà đầu tư e ngại khi đầu tư vào Việt Nam dưới hình thức này. Các quy định của pháp luật về M&A nằm rải rác và bị chồng chéo trong các văn bản pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Cạnh tranh và chưa có quy định thống nhất khiến việc thực hiện các hoạt động M&A gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số quy định chưa rõ ràng của Luật Cạnh tranh được cho là rào cản cho việc thực hiện các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đặc biệt, các thương vụ M&A dẫn đến nắm giữ thị phần từ 30% đến 50% trong một “thị trường liên quan” phải được thông báo cho Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương). Các giao dịch dẫn đến thị phần kết hợp trên 50% bị cấm (trừ một số trường hợp nhất định).
Tuy nhiên, “thị trường liên quan” là gì chính là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Mặc dù thị trường liên quan được quy định trong Luật Cạnh tranh, được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan, nhưng trên thực tế, rất khó xác định được hai yếu tố cấu thành của thị trường liên quan. Và quyết định của các cơ quan chức năng còn rất chủ quan khiến các nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn trong các thương vụ M&A.
Thêm vào đó, để tiến hành các hoạt động M&A, việc xác định được công ty mục tiêu tiềm năng đáp ứng các yêu cầu và mong muốn của nhà đầu tư là rất quan trọng. Tại thị trường Việt Nam, thông tin về doanh nghiệp mà nhà đầu tư hướng tới còn rất hạn chế và không có công cụ tìm kiếm hữu ích với nguồn dữ liệu đáng tin cậy để nhà đầu tư có thể thu thập thông tin. Trong khi đó, các công ty muốn được sáp nhập hoặc bán thường che giấu thông tin kinh doanh bất lợi, các khoản nợ hoặc các tranh chấp, kiện tụng, khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro khi không nắm được thông tin từ phía công ty mà họ dự định đầu tư.
Thủ tục phê duyệt các giao dịch M&A tại Việt Nam cũng khá rườm rà, khi hầu hết các giao dịch cần phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Quá trình phê duyệt trong thực tế có thể lên đến nhiều tháng, đặc biệt, nếu M&A liên quan đến lĩnh vực kinh doanh có điều kiện thì thời gian sẽ dài hơn bởi phải chờ nhiều cơ quan khác nhau phê quyệt.
Từ những hạn chế trên, để tiến tới phát triển hoạt động M&A, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống hành lang pháp lý thống nhất cho hoạt động này, từ đó tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thương vụ này với các quy định rõ ràng về quản lý, trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể tham gia các thương vụ M&A.
NGUỒN BÁO ĐẦU TƯ