CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Góp phần tìm giải pháp khơi thông thị trường vốn, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, sáng ngày 17/03 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Toạ đàm "Giải pháp khơi thông thị trường vốn".
Chúng tôi xin giới thiệu bài tham luận của Ông Trần Thành Long , Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chủ đề: "Giải ngân vốn đầu tư công - khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế":
Từ đầu năm 2022 đến nay, tình hình thế giới biến động rất phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột Nga – Ucraina và phản ứng chính sách của các nước lớn; tình trạng lạm phát cao, đi kèm với chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều nền kinh tế lớn, làm suy yếu các hoạt động kinh tế và tiêu dùng, tăng trưởng tại nhiều nền kinh tế. Thị trường bất động sản ở một số quốc gia sụt giảm mạnh, tác động trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất; gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp... Cạnh tranh chiến lược, bất ổn địa chính trị, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu… ngày càng khó lường.
Trong nước, khó khăn, thách thức đang ngày càng gia tăng, đặc biệt từ quý IV/2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu chậm lại; 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 5,6%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,1%), thấp nhất trong cùng kỳ 2 tháng từ 2001 đến nay. Hầu hết các ngành công nghiệp chủ lực như dệt may, gỗ, điện tử, lương thực, thực phẩm… đều giảm hoặc tăng thấp.
Tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2023 đến ngày 24/2 chỉ tăng 0,77% so với cuối năm trước (thời điểm ngày 17/1 tăng 0,65%), cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế.
Hoạt động xuất khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do các thị trường lớn suy yếu. Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng năm 2023 giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước; mặc dù xuất khẩu sang Trung Quốc tăng (4,2%), nhưng không bù đắp được sự suy giảm tại các thị trường lớn khác như: Mỹ (giảm 21%), Hàn Quốc (giảm 5,7%), ASEAN (giảm 7,9%), EU (giảm 4,2%), Nhật Bản (giảm 5,9%)…
Trong khi đó, thị trường, doanh nghiệp bất động sản đối mặt với rất nhiều khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp từ Quý IV/2023 lớn, tạo áp lực rất lớn đối với kênh huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp và dòng vốn của nền kinh tế.
Ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 2,4%, dệt giảm 11%, sản xuất trang phục giảm 11,7%, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 13,6%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 0,3%...
Trong bối cảnh đó, đầu tư công vừa là động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KTXH, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa bổ sung nguồn vốn lớn, góp phần tháo gỡ thanh khoản, dòng vốn cho nền kinh tế.
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề quan trọng, có vai trò lớn trong phát triển KTXH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tính riêng năm 2022, đã ban hành 12 nghị quyết với 03 Nghị quyết chuyên đề, 4 công điện, 7 văn bản; tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; duy trì hoạt động của 6 tổ công tác do 4 Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm tổ trưởng để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và giải quyết, ứng phó kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Nhờ đó, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 đạt khoảng 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; khối lượng giải ngân đạt trên 541 nghìn tỷ đồng, là năm có lượng vốn giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 103 nghìn tỷ đồng so với năm 2021. Giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đến hết tháng 02 đạt trên 49 nghìn tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2022 khoảng 4,6 nghìn tỷ đồng (khoảng 10%).
Qua đó, đã góp phần cải thiện hiệu quả KTXH của đầu tư công, hệ số ICOR giảm dần, đạt 5,13% năm 2022. Nguồn vốn đầu tư công năm 2022 chiếm khoảng 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 5-6% GDP nhưng đóng vai trò là nguồn vốn “mồi” dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội phục vụ cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công
a) Một số tồn tại, hạn chế
Công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN hằng năm vẫn là khâu yếu, không sát với khả năng thực hiện. Hầu hết các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN cho các dự án còn chậm; chưa phân bổ hết nguồn vốn đầu tư phát triển từ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH…
Công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, chưa chủ động phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án chưa phù hợp dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần, vướng mắc giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thi công còn hạn chế làm chậm tiến độ dự án. Đây là công tác rất quan trọng, cần được làm từ sớm để bảo đảm dự án có thể được giao kế hoạch và giải ngân ngay khi có nguồn vốn.
Công tác chuẩn bị thủ tục cần thiết để giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 cho các dự án tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu chủ động, nhiều dự án chuyển tiếp đã quá thời gian bố trí vốn theo quy định nhưng chưa chủ động báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn, gia hạn Hiệp định.... Nhiều dự án đã có dự kiến kế hoạch, nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên không thể giao vốn để sớm triển khai thực hiện, dẫn đến tình trạng “vốn phải chờ dự án”.
Việc ban hành chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đầu tư công trong một số trường hợp còn chậm gây khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện. Đối với dự án không có cấu phần xây dựng, Luật Đầu tư công đã quy định các bộ quản lý chuyên ngành rà soát, ban hành đầy đủ các định mức để làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành về nội dung này. Tuy nhiên, đến nay nhiều bộ chưa ban hành, gây ra sự lúng túng trong việc áp dụng các định mức lập, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng.
Các văn bản hướng dẫn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa đầy đủ, một số văn bản còn có sự chưa thống nhất hoặc chưa phù hợp với một số quy định, cụ thể như dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia không phải phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư và lấy ý kiến các đơn vị này trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư.
Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế
Những tồn tại, hạn chế nêu trên do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện. Vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ, năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế; vương mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; nhiều dự án gặp khó khăn trong việc tìm bãi đổ thải trong quá trình thi công; cấp mỏ và khai thác vật liệu xây dựng; sự phối hợp giữa các cơ quan có trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023
Năm 2023, thế giới dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là trong nửa đầu năm. Trong nước, điều hành và tăng trưởng kinh tế cả năm đối mặt với thách thức lớn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; áp lực thanh khoản, trả nợ trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản tăng cao... các yếu tố này làm gia tăng rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính và nền kinh tế; áp lực điều hành kinh tế vĩ mô ngày càng lớn hơn. Trung Quốc mở cửa trở lại vừa là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu… nhưng cũng vừa là thách thức khi gia tăng áp lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, sản xuất, thị trường trong nước...
Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ nguồn lực cho nền kinh tế. Kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 có những thuận lợi hơn khi hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức: khối lượng công việc nhiều hơn, vừa giải ngân các dự án đã có trong kế hoạch trung hạn, vừa giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển KTXH; quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 130 nghìn tỷ đồng (khoảng 23%) so với kế hoạch năm 2022; các yếu tố như giá cả nguyên nhiên vật liệu dự báo biến động khó lường, nguồn vật liệu xây dựng vẫn còn khó khăn, vướng mắc, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của các nhà thầu…
Trong bối cảnh đó, để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm:
Một là bám sát, nhận diện và đánh giá tình hình, tăng cường năng lực dự báo, phản ứng chính sách. Chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực.
Hai là khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 được giao, bố trí đủ vốn theo tiến độ thực hiện cho dự án quan trọng quốc gia, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển KTXH.
Ba là nghiên cứu, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công… như thực hiện trước công tác kiểm đếm, đo đạc đất, phương án tái định cư nhằm nâng cao tính sẵn sàng, khả thi của dự án. Áp dụng các hình thức đấu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức Hợp đồng phù hợp theo quy định, tránh để tình trạng các nhà thầu có tâm lý chờ điều chỉnh giá đối với Hợp đồng trọn gói thi công.
Bốn là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công.
Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo dõi tiến độ, đôn đốc chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, giải ngân các dự án.
Năm là các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công; tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là việc giao mỏ nguyên vật liệu không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền; tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, công tác dân vận kịp thời. Cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quy định. Kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, nhiên vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Bảo đảm tiến độ, kế hoạch các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia phân cấp cho các địa phương là cơ quan chủ quản thực hiện dự án.
Sáu là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư.
(*) Ông Trần Thành Long , Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư