CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn | Báo Công Thương

Invest Global 14:04 29/09/2023

Nông sản 29/09/2023 12:50 Theo dõi Congthuong.vn trên

Để đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu chúng ta phải hình thành các chuỗi cung ứng nông sản và có sự liên kết chặt chẽ.

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam lại có giá trị và khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hàng nông sản còn chưa cao, do 80% các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu ở dạng nông sản thô, hàm lượng chế biến thấp.

Giải pháp nào thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn?
Các đại biểu tham dự Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn”

Phải cạnh tranh mạnh với các nước

Tại Diễn đàn “Phát triển chuỗi cung ứng sản xuất nông nghiệp an toàn” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 29/9, TS. Từ Minh Thiện - Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Dịch vụ Thái Bình Dương đã chia sẻ 5 nhu cầu của thị trường gồm: Thứ nhất, giá cả phải thực sự cạnh tranh. Theo ông Từ Minh Thiện, nông sản hiện nay đang cạnh tranh rất mạnh, đặc biệt là cạnh tranh với giá của nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan…

Thứ hai, phải có khả năng cung cấp thường xuyên, đúng thời hạn. Thứ ba, có khả năng cung cấp số lượng lớn (ngành nông nghiệp của Việt Nam rất đa dạng, nhưng khả năng cung cấp số lượng lớn là chưa tốt). Thứ tư, phải có chất lượng tốt, vị ngon phải đồng đều và bao bì phải đảm bảo. Thứ năm, là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Thiện cho biết, xu hướng tiêu thụ thực phẩm trên thế giới hiện nay chúng ta phải cố gắng xâm nhập được vào các thị trường ngách. Đồng thời, giao thoa giữa 3 vấn đề là sức khỏe, thuận tiện, thích thú. Đây là giá trị cốt lõi của sản phẩm, phải có sự khác biệt.

Các sản phẩm nông sản muốn có chỗ đứng trước hết phải tạo được sự khác biệt

Các giải pháp thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng

Về thực trạng chuỗi cung ứng nông sản hiện nay, TS. Từ Minh Thiện cho rằng, hiện nay việc đầu tư cho sản xuất nông sản chưa có nhiều và chưa dám đầu tư mạnh vì sản xuất nông sản khá bấp bênh. Do đó, cần phải tính được tổng cầu của tất cả thị trường rồi mới ra được kế hoạch sản xuất.

Ngoài ra, Việt Nam có rất nhiều chính sách nhưng để tiếp cận chính sách không dễ, nhất là đối với người nông dân. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế. “Cần nhiều tiềm năng để phát triển chuỗi cũng như để đạt được hiệu quả cao. Các giải pháp cần được triển khai đồng bộ, xuyên suốt và linh hoạt. Trong giai đoạn đầu, vai trò nhà nước cũng như các Viện, Trường có ý nghĩa và tác động quan trọng trong việc hình thành và duy trì các thành viên trong liên kết theo chuỗi giá trị thông qua các chính sách ưu đãi vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật và thị trường. Sau đó, sẽ giảm dần các hỗ trợ về tài chính, chỉ còn các hỗ trợ về mặt kỹ thuật, về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Để dần dần, các chuỗi sẽ được hình thành và vận hành theo hướng tự giác, dựa trên hiệu quả kinh tế và sự hợp tác tự nguyện giữa các thành viên”- ông Thiện đề xuất.

Một vấn đề khác quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản là logistics (gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm). Trong đó, với hạ tầng cứng, theo ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistic Việt Nam (VLA), Nghiên cứu Đề án Logistics đã được Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn đề xuất (hệ thống trung tâm logistics 3 cấp: Trung tâm logistics tại các vùng sản xuất, Trung tâm logistics nông nghiệp gắn với thị trường trượng điểm, Trung tâm logistics phục vụ xuất nhập khẩu nông sản). Đề án này được Bộ trưởng phê duyệt và trình Thủ tướng nên các tỉnh có thể áp dụng.

Tuy vậy với hạ tầng mềm, theo ông Dũng, nhiều người chưa quan tâm. “Điểm cực thiếu đó là công nghệ thông tin, chưa có áp dụng nào phù hợp để hỗ trợ liên kết nông sản. TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh xung quanh cần hình thành một mạng lưới vừa sản xuất và tiêu thụ. Trong thời đại này tất cả nhu cầu đều được dự đoán trước nên cần có những hệ thống thông minh để thực hiện”- ông Dũng nêu ý kiến.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Nỗ lực tham gia chuỗi giá trị nông sản

Ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với nhiều sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu cao như cà phê, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, hoa quả,… Đây là những mặt hàng nông sản chủ lực có tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những mặt hàng này luôn là thế mạnh của Việt Nam bởi các lợi thế cạnh tranh quốc gia mang lại.

Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/07/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tuy vậy, theo đánh giá của Viện Công nghệ sau thu hoạch, do trình độ phát triển và chi phí đầu tư cho công nghiệp chế biến còn thấp nên tỷ lệ sản phẩm nông sản chế biến đạt chất lượng quốc tế mới chỉ đạt khoảng trên dưới 10% và số doanh nghiệp chế biến nông sản đăng ký chất lượng sản phẩm hiện mới dừng ở tỷ lệ khoảng 15%.

Chính vì vậy, để tham gia chuỗi cung ứng hàng nông sản an toàn và bền vững, trước hết nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp qua việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng, nâng cao hiệu lực hợp đồng và hoàn thiện khung pháp lý và các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước tạo điều kiện cho liên kết phát triển.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam phải tự vận động đi lên bằng cách đầu tư thích đáng cho công nghệ, liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đồng thời, với vai trò là trung tâm chuỗi, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng cần có sự kết nối chặt chẽ với các thành viên khác trong chuỗi.

Việc này sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu hình thành các chuỗi cung ứng nông sản để có thể đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của các nước nhập khẩu.

Mai Ca

 
 

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan