CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Tại Quyết định 2614/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở Hà Nội năm 2023 ban hành mới đây, TP.Hà Nội chủ trương thúc đẩy công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn gắn với chỉnh trang, tái thiết đô thị, tái định cư, phục vụ lợi ích công cộng.
Giúp người dân an cư lạc nghiệp
Với mục tiêu xây dựng, phát triển Thủ đô hướng đến đô thị xanh, văn hiến, văn minh, thông minh, hiện đại, trong năm 2023, TP.Hà Nội đặt chỉ tiêu diện tích nhà bình quân đầu người đạt 28,2 m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở đạt khoảng 6,9 triệu m2.
Trong đó, dự kiến chỉ tiêu phát triển nhà ở riêng lẻ đạt 4,5 triệu m2, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo dự án khoảng 2,465 triệu m2, gồm khoảng 2,339 triệu m2 sàn nhà ở thương mại; khoảng 0,032 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; khoảng 0,094 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, việc đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, xây nhà ở tái định cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP.Hà Nội đặc biệt quan tâm, với mục tiêu cốt lõi hướng đến nâng cao đời sống, tạo điều kiện an cư lạc nghiệp cho người dân.
Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ.
Đơn cử, tại Ba Đình, địa phương đang có 217 nhà chung cư đã xuống cấp. Thời gian qua, quận đã tổ chức triển khai đo đạc, lập xong bản đồ hiện trạng 1/500 các khu tập thể, như: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh. Đồng thời, hoàn thành di dời các hộ dân khỏi 2 nhà nguy hiểm cấp D là Đơn nguyên 1,3 Tập thể Bộ Tư pháp và Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã có những động thái quyết liệt, nhưng công tác cải tạo, xây mới chung cư cũ vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, đặc biệt là những vấn đề về hài hòa quyền lợi của người dân, chủ đầu tư, vấn đề bố trí nhà ở tái định cư...
Trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chỉ rõ, có nhiều bất cập khi chung cư là sở hữu của người dân nhưng lại quy định cải tạo bằng đầu tư công, hay việc người dân đóng góp kinh phí kiểm định nhà chung cư.
“Bây giờ đang muốn cải tạo chung cư, thỏa thuận với người dân để người ta vui vẻ rời đi, lại bảo người ta góp tiền để kiểm định thì vô lý. Chỗ này không cần thiết, mà Nhà nước nên đứng ra làm”, ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Khơi thông những điểm nghẽn
Trước thực tế diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng muốn an toàn cho người dân thì Nhà nước phải có trách nhiệm, nguồn vốn dành cho việc cần thiết thì Nhà nước bỏ ra và nên rộng rãi.
Cải tạo chung cư cũ phải gắn với tái thiết đô thị và quy định thời hạn sở hữu chung cư mới giải quyết được vấn đề. Thay vì cách làm cải tạo từng tòa chung cư thì nên cải tạo chung cư theo từng khu.
Về giải pháp, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, nơi nào có 4 - 5 tòa chung cư cũ, mỗi tòa 4 - 5 tầng thì khi đầu tư xây dựng lại chỉ làm 1 - 2 tòa và làm cao tầng hơn, còn bên dưới để làm không gian thương mại và dịch vụ, tầng hầm, bãi đỗ xe… Làm như vậy, người dân sẽ có không gian sống bảo đảm hơn và nhà đầu tư cũng có lợi ích, còn cách làm cuốn chiếu như hiện nay là không ổn.
Khẳng định việc cải tạo chung cư phải gắn với tái thiết đô thị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng trường hợp nếu sở hữu chung cư không có thời hạn, đến lúc công trình xuống cấp, hỏng hóc và yêu cầu Nhà nước phải có trách nhiệm thì cần phải tính toán lại.
Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, 10 khu chung cư cũ được thành phố ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân).
Thực tế, thời gian qua, việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ được cả người dân và các ban, ngành TP.Hà Nội đồng tình, nhất quán. Tuy nhiên, người dân cũng mong muốn được đảm bảo song song giữa nghĩa vụ và quyền lợi.
Bà Trần Thị Hương, trú tại khu tập thể Thành Công, chia sẻ việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là điều rất cần thiết, vì không ai muốn ở nhà cũ, hư hỏng, tường vôi bong tróc. Nhưng phải đảm bảo tiến độ, lợi ích thỏa đáng cho người dân.
Trong khi đó, ở góc nhìn chuyên gia, ông Lê Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam, khẳng định để đẩy nhanh quá trình cải tạo chung cư cũ, cần phải có biện pháp cụ thể để giải quyết, đặc biệt là các khu có đặc thù khó khăn.
Trong đó, cần có thêm tiêu chí độ khó khăn của mỗi dự án để từ đó thành phố có những cơ chế đặc thù cho một số dự án (như xem xét việc điều chỉnh quy hoạch để được nâng tầng hoặc mở thêm đường giao thông, hỗ trợ chủ đầu tư được nhận thêm đất trống khác để bù đắp...).
Cùng với đó, các địa phương cần khẩn trương tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực có nhà chung cư cần cải tạo, xây dựng lại để các nhà đầu tư có cơ sở tham gia xây dựng phương án đầu tư, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án.
Mỹ Chí