CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Các khu đô thị vệ tinh xung quanh TPHCM đang hình thành nhanh chóng nhờ hàng loạt công trình giao thông được đẩy mạnh tiến độ đầu tư, giúp gia tăng khả năng kết nối liên vùng và phát triển kinh tế – xã hội.
Phối cảnh “thành phố bên sông” Waterpoint tọa lạc ngay mặt tiền đường ĐT 830 và bao quanh ba mặt bởi sông Vàm Cỏ Đông.
Điểm nóng khu Đông và khu Tây
Từ nay đến năm 2025, TPHCM và các tỉnh lân cận sẽ đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo ra sự kết nối liên vùng xuyên suốt để làm đòn bẩy phát triển kinh tế – xã hội, tăng tốc độ đô thị hóa. Có thể kể đến như cao tốc Bến Lức – Long Thành; metro Bến Thành – Suối Tiên; mở rộng quốc lộ 1 đoạn TPHCM – Long An, quốc lộ 50; nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, khép kín đường Vành đai 2, Vành đai 3…
Giai đoạn này, TPHCM cũng ưu tiên đầu tư đường Vành đai 4, cầu Cần Giờ và ba đường trên cao gồm tuyến Cộng Hòa – Điện Biên Phủ, tuyến An Sương – nút giao trạm 2 (TP. Thủ Đức) và tuyến Cộng Hòa – Nguyễn Văn Linh… Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng đang nghiên cứu đầu tư tuyến cao tốc Tân Sơn Nhất – Tân An để hợp cùng tuyến cao tốc Thủ Đức – Mộc Bài và cao tốc Bến Lức – Long Thành hình thành vành đai giao thông ôm trọn xung quanh TPHCM.
Hệ thống giao thông hiện đại nói trên sau khi hoàn thành chắc chắn sẽ kích hoạt và đẩy nhanh hơn nữa sự ra đời của các khu đô thị vệ tinh theo Quy hoạch phát triển vùng đô thị TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, điểm nóng phát triển đô thị chính là các tỉnh giáp ranh TPHCM như Long An, Đồng Nai…, hai khu vực đang được ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng nhiều nhất.
Nhà phố thương mại phân khu Aquaria đang được Tập đoàn Nam Long bàn giao cho khách hàng.
Trên thực tế, thời gian gần đây, các dự án phát triển đô thị vệ tinh đã vô cùng nhộn nhịp kéo theo sự sôi động của thị trường bất động sản vùng ven. Nếu ở phía Đông TPHCM xuất hiện một loạt dự án “khủng” như Izumi City, Aqua City, Long Hưng City, Swan Park, Swan Bay thì khu Tây TPHCM cũng không kém cạnh với các dự án như T&T Millennia, The Sol City. Nổi bật nhất là dự án Waterpoint do tập đoàn Nam Long và các đối tác gồm Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản), TBS Group và Tân Hiệp Invest phát triển tại Bến Lức, Long An, với quy mô lên đến 355ha được ví như “thành phố bên sông” Vàm Cỏ Đông với hệ sinh thái tiện ích phong phú, đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu sống – học tập – làm việc – giải trí và mua sắm cho khoảng 30.000 người.
Waterpoint cũng chính là dự án khu đô thị vệ tinh kiểu mẫu lớn nhất đang phát triển tại phía Tây TPHCM và đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng chính cùng hệ thống tiện ích như hệ thống câu lạc bộ cộng đồng ven sông – Bến du thuyền Rivera 1, Aquaria, Country Club tổ hợp thể dục thể thao 3ha; tổ hợp dịch vụ thương mại – giải trí – hệ thống bus nội khu và liên vùng; vịnh nước ngọt 8,6ha; rạp chiếu phim ngoài trời; hệ thống vận hành an ninh; công viên nội khu; câu lạc bộ từng phân khu Rivera 1, vườn Nhật Aquaria 1…
Theo các chuyên gia, các dự án bất động sản vệ tinh sẽ là xu hướng chủ đạo của thị trường trong giai đoạn sắp tới. Bởi nhờ hệ thống hạ tầng phát triển, vấn đề giao thông đã được giải quyết khá tốt, các ranh giới hành chính sẽ dần bị xóa nhòa. Tâm lý người dân cũng không còn tập trung vào các khu vực đô thị hiện hữu vì e ngại môi trường ô nhiễm, tình trạng kẹt xe, ngập nước triền miên.
Thời cơ của bất động sản Long An
So với Bình Dương và Đồng Nai, thời gian vừa qua thị trường bất động sản Long An dường như chậm phát triển hơn vì điều kiện đặc thù nhưng tình hình đang dần thay đổi một cách tích cực. Giai đoạn 2021 – 2025, Long An cũng dành nhiều ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng. Nhiều trục giao thông mang tính liên kết vùng đã được hình thành như tuyến ĐT 830, đường Vành đai TP.Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; trục động lực kết nối TPHCM – Long An – Tiền Giang; Cảng quốc tế Long An và trục hạ tầng giao thông – đô thị kết nối với TPHCM…
Cùng với đó, các tuyến đường quan trọng như ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B… cũng được Long An xây dựng hoàn thiện, tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư những năm vừa qua.
Bất động sản Long An thu hút đông đảo khách hàng quan tâm tìm hiểu khi có dự án mới được công bố.
Theo thống kê, Long An hiện đang dẫn đầu khu vực ĐBSCL và đứng thứ 9 cả nước về thu hút vốn FDI. Đến nay, Long An đang có 2.113 dự án đầu tư trong nước được cấp phép và 1.124 dự án FDI.
Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp và 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 13.500ha và con số này vẫn đang tăng lên. Đáng chú ý, phần lớn khu công nghiệp trên địa bàn Long An là khu công nghiệp sạch và tỷ lệ lấp đầy lên đến 89%, góp phần thu hút hàng chục ngàn lao động, chuyên gia từ khắp nơi đến làm việc.
Ở đâu hạ tầng và công nghiệp phát triển thì bất động sản sẽ tăng trưởng nhanh chóng. Theo đó, bất động sản Long An cũng được hưởng lợi lớn nhất khi hệ thống hạ tầng được đầu tư ngày càng mạnh mẽ, triển vọng thu hút FDI sáng sủa. Và những chủ đầu tư có tầm nhìn sâu rộng, chuẩn bị quỹ đất từ sớm và đủ tiềm lực triển khai dự án sẽ thu hút được nhiều khách hàng, tạo nên sự lan tỏa phát triển cho khu vực xung quanh.
Đặc biệt, trong bối cảnh bất động sản Long An được xem là “vùng trũng” về giá khi so sánh với Bình Dương, Đồng Nai thì khi hạ tầng, công nghiệp phát triển sẽ tạo nên biên độ tăng giá tốt hơn. Đây là yếu tố rất quan trọng mà các nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm để tối ưu hóa lợi nhuận, đồng thời hứa hẹn mở ra giai đoạn đột phá cho thị trường bất động sản Long An.