CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
(TBTCO) - Ngày 22/8/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”.
Tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn, bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều trở ngại, thách thức, gây áp lực lớn đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Trước tình hình đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại hội thảo. Ảnh: C.TMặc dù thời gian qua ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, tuy nhiên, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6. Tính chung cả 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,3%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (9,54%), điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế - giải quyết vấn đề này sao cho có hiệu quả là một thách thức lớn của ngành Ngân hàng.
Mổ xẻ nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn thời gian qua, các chuyên gia cho rằng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp bị giảm sút và giải pháp hướng đến là khắc phục các khó khăn. Ông Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết, khi nền kinh tế khó khăn suy giảm thì đầu tiên là phải nghĩ đến việc cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. “Do đó, chúng ta nên nhấn mạnh đến các giải pháp cải cách môi trường và hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Cung nói.
Theo đó, ông Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, chúng ta có thể sử dụng các giải pháp kích thích tổng nhưng nguyên tắc là phải kịp thời và đúng đối tượng. Đồng thời, việc khuyến khích đầu tư tư nhân cũng là một giải pháp hợp lý, nhưng cũng cần kiểm soát tăng cung tiền ở mức vừa phải, không nên tăng quá 10% vì tỷ lệ cung tiền/GDP của Việt Nam cũng đã ở mức khá cao.
Bà Hà Thị Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho rằng, bên cạnh các giải pháp của NHNN và ngành Ngân hàng, rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, phối hợp, triển khai của các bộ, ngành, địa phương (về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản…).
Đồng thời, cũng cần sự vào cuộc của các hiệp hội, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động... nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.
Chí Tín
\ ' + sourceLink + ' \ \