CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Cao tốc dài 90km nối TP. Bắc Kạn và Cao Bằng được đề xuất thực hiện từ năm 2023, tạo sức bật về hạ tầng giao thông cho hai tỉnh miền núi nghèo nơi vòng cung Đông Bắc...
Tuyến Quốc lộ 3 qua địa phận TP. Bắc Kạn thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình và Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương đầu tư và bố trí vốn thực hiện dự án đầu tư đoạn tuyến cao tốc từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về sơ bộ phương án tuyến, điểm đầu từ Km0+00 nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn. Điểm cuối dự kiến Km90+00 tại ngã ba dốc Công an tỉnh Cao Bằng. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 90 km, trong đó đoạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Kạn khoảng 60,5 km, Cao Bằng khoảng 29,5 km.
Cao tốc từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng có chiều dài toàn tuyến khoảng 90 km, trong đó đoạn thuộc địa phận tỉnh Bắc Kạn khoảng 60,5 km, Cao Bằng khoảng 29,5 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14.100 tỷ đồng từ vốn vay ODA.
Dự kiến về quy mô tuyến cao tốc thuộc dự án nhóm A. Đường có 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24 m, chiều rộng mặt đường 22 m. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14.100 tỷ đồng từ vốn vay ODA. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027.
Trước đó, đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Cao Bằng về đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng.
Theo lãnh đạo hai địa phương, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, đoạn tuyến từ TP. Bắc Kạn đến TP. Cao Bằng chưa được đầu tư nên chưa phát huy hiệu quả của tuyến từ Hà Nội đến TP. Bắc Kạn.
Mặt khác, khu vực hai tỉnh có địa hình hiểm trở khiến kinh tế chậm phát triển. Cá biệt, nhiều nhà đầu tư cho rằng Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, du lịch Ba Bể... song giao thông bất thuận khiến các doanh nghiệp còn chần chừ khi lựa chọn Bắc Kạn là điểm đến đầu tư.
Với Cao Bằng, dù là tỉnh miền núi biên giới với rất nhiều tiềm năng phát triển kinh tế như có nhiều cửa khẩu Quốc tế thông thương với Trung Quốc, nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhưng do hạ tầng giao thông kém, dẫn tới làm hạn chế thông thương kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh.
Hiện nay, tuyến Quốc lộ 3 là trục xương sống quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của hai tỉnh và vùng Đông Bắc, là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội.
Tuy nhiên, những năm gần đây, tuyến Quốc lộ 3 đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình khoảng 40 km/h. Các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông khó khăn nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ách tắc giao thông cục bộ.
Dự án tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng được đề xuất đầu tư xây dựng sẽ phát huy tối đa nguồn lực đã đầu tư, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến cao tốc, đảm bảo đồng bộ, tránh gián đoạn, thúc đẩy sự liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh có tuyến đường đi qua và khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời góp phần bảo vệ vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh.
THEO VNECONOMY