CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ
Với đòn bẩy từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), xuất khẩu rau quả sang thị trường EU từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Đó là nhận định của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.
Thưa ông, vừa qua, ngành nông nghiệp liên tiếp tổ chức lễ xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang EU. Gần đây nhất, nhóm hàng rau quả gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất sang EU được hưởng ưu đãi thuế. Ông đánh giá thế nào về triển vọng tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng rau quả sang EU từ nay đến cuối năm?
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc giảm mạnh.
Với thị trường EU, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020, khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến cắt giảm về 0%. Thuế được xóa bỏ đồng nghĩa mặt hàng rau củ quả của Việt Nam sẽ rẻ hơn so với các nước đối thủ. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các mặt hàng rau, quả của Thái Lan, Trung Quốc, khi họ chưa có hiệp định thương mại tự do với EU.
Dự báo, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Thuế quan được xóa bỏ, nhưng hàng hóa xuất sang EU vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, đặc biệt là hàng rào kỹ thuật. Theo ông, cần những định hướng, giải pháp gì để tận dụng lợi thế từ EVFTA và gia tăng xuất khẩu rau quả sang EU?
Dù EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS (các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm) linh hoạt, nhưng EU là thị trường rất khó tính với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm… rất khắt khe. Nếu vi phạm, doanh nghiệp sẽ bị trả hàng, gây thiệt hại không chỉ đối với riêng doanh nghiệp, mà với cả ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc sản xuất an toàn theo hướng GAP là yêu cầu bắt buộc.
Tuy nhiên, khối lượng rau quả đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của Việt Nam còn thấp, nên không đủ hàng để doanh nghiệp cung ứng cho thị trường châu Âu. Hiệp định đã mở, thuế cũng đã giảm, nhưng có đủ nguyên liệu để xuất khẩu hay không lại là câu chuyện khác. Hiện tại, diện tích cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP chỉ khoảng 7,2%. Con số này khá khiêm tốn.
Trong khi đó, EU chỉ chấp nhận rau quả có chứng nhận GlobalGAP, nên lượng rau quả đủ tiêu chuẩn để xuất sang thị trường này càng ít hơn.
Do vậy, để phát triển bền vững, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và đưa nông sản Việt tới được với các thị trường “khó tính”, đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt, người sản xuất bất kể ở quy mô lớn hay nhỏ đều phải tham gia vào chuỗi giá trị nông sản, trong đó, chất lượng và an toàn thực phẩm là yếu tố tiên quyết.
Đón bắt xu hướng này, người dân cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang trồng cây trái theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Tính đến hiện tại, diện tích đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những điểm yếu ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và kết quả xuất khẩu của rau quả Việt Nam hiện nay là vấn đề bảo quản. Chúng ta cần làm gì để cải thiện điều này, thưa ông?
Vấn đề chúng ta đang gặp khó trong xuất khẩu rau quả hiện nay là nguyên liệu đầu vào không đủ, muốn bán nhiều nhưng không có nguyên liệu. Bên cạnh đó, công nghệ bảo quản cũng chưa tốt, chỉ được khoảng 30 - 40 ngày.
Thời gian vận chuyển bằng đường biển sang châu Âu mất khoảng 3 tuần, cộng thêm 4 - 5 ngày chờ để kiểm tra chất lượng. Như vậy, hoa quả Việt khi đến được châu Âu chỉ có thể để được khoảng 10 ngày, nên chỉ có thể phân phối ở các thành phố gần cảng, mà chưa thể đi sâu vào nội địa. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không thì chi phí rất cao, làm tăng giá thành sản phẩm và giảm sức cạnh tranh.
Chính vì những lý do này, nên hàng rau quả xuất sang châu Âu chủ yếu là hàng chế biến, chiếm khoảng 2/3 tổng số lô hàng. Nhưng, công nghệ chế biến của Việt Nam đã quá cũ và chế biến chưa sâu, nên sức cạnh tranh của nông sản chế biến tại thị trường thế giới nói chung và châu Âu nói riêng chưa tốt. Trong khi đó, công nghệ chế biến, bảo quản của Thái Lan hơn mình rất nhiều, họ chỉ thua Việt Nam ở thuế nhập khẩu.
Theo tôi, để phát huy được thế mạnh về ưu đãi thuế từ EVFTA, các doanh nghiệp phải xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến các yếu tố quan trọng khác như tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường, quan tâm hơn đến vấn đề nghiên cứu thị trường, tìm hiểu từng nước, từng vùng đang cần mặt hàng nào. Về vấn đề này, Nhà nước cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó, cần phát huy vai trò của các tham tán thương mại tại EU.
Với đòn bẩy từ EVFTA, tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang EU liệu có bù đắp được sự sụt giảm của thị trường truyền thống? Xuất khẩu rau quả năm 2020 có thể cán đích 4 tỷ USD không, thưa ông?
8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, châu Âu chỉ nhập khẩu 165 triệu USD, con số còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước trong 8 tháng (3 tỷ USD).
Nếu từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau quả sang EU tăng 20% như dự báo, thì kim ngạch cũng chỉ đạt khoảng 200 triệu USD. Ngoài ra, các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản dù có tăng trưởng so với năm ngoái, nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ, nên không đủ bù đắp mức sụt giảm của thị trường Trung Quốc.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay có thể giảm khoảng 10% so với năm 2019, dự kiến kim ngạch đạt khoảng 3,4 tỷ USD.
Nguồn Báo Đầu Tư