CỔNG THÔNG TIN VÀ ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Khối ngoại mua ròng: Chỉ báo cho sự phục hồi của chứng khoán?

Invest Global 13:53 28/11/2022

Khối ngoại “lội ngược dòng”

Sau chuỗi ngày giảm sâu, VN-Index đã dần hồi phục trong các phiên giao dịch vừa qua, đáng chú ý là chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp (16/11 – 18/11). Tính từ mức đáy của tháng 11, VN-Index tăng gần 3,4%. Trong đà hồi phục của chỉ số chính, khối ngoại là điểm sáng khi liên tục mua ròng cổ phiếu. Xét riêng tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng khoảng hơn 8.840 tỷ đồng. Thậm chí, động thái mua ròng diễn ra trong bối cảnh VN-Index giảm điểm rất mạnh và xuyên thủng nhiều ngưỡng kháng cự quan trọng. Có thể nói dòng tiền khối ngoại đã đóng góp không nhỏ cho quá trình hồi phục vừa qua của VN-Index.

Ở chiều ngược lại, tính riêng trên sàn HoSE, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng tổng cộng hơn 12.000 tỷ đồng trong 2 tuần trở lại đây. Cụ thể, họ bán ròng 5.555 tỷ đồng tuần 7/11-11/11; và bán hơn 7.000 tỷ đồng tuần tiếp theo 14/11-18/11. Việc vốn nội bán quá mạnh xuất phát từ tâm lý tiêu cực của các nhà đầu tư và phần nào đã ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số.

khoi ngoai mua rong chi bao cho su phuc hoi Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài trong khoảng 20 phiên gần đây tập trung chủ yếu vào những mã có vốn hoá lớn và rải đều vào các nhóm ngành như ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản, năng lượng… chứ không tập trung vào riêng một ngành nào. Cụ thể, đó là các mã KDH – bất động sản (936,4 tỷ đồng), VHM - bất động sản (713,6 tỷ đồng), STB – ngân hàng (743,3 tỷ đồng), MSN – tiêu dùng (707,6 tỷ đồng), VNM – tiêu dùng (576,8 tỷ đồng), SSI – chứng khoán (527 tỷ đồng), POW – năng lượng (337 tỷ đồng), FRT – bán lẻ (307,3 tỷ đồng), VRE – bán lẻ (284,2 tỷ đồng), CTG – ngân hàng (277,6 tỷ đồng), BID – ngân hàng (270,6 tỷ đồng)…

Theo quan sát, hầu hết mã cổ phiếu nằm trong danh sách mua ròng kể trên đều ghi nhận tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại tăng so với đầu năm (so sánh phiên 23/11 và phiên 5/1). Cụ thể, tỷ lệ này tại KDH tăng từ 32,28% lên 35,11%; VNM ghi nhận từ 54,6% lên 55,69%; STB là 17,68% lên 22,88%; POW từ 2,85% lên 4,13%; FRT từ 19,25% lên 24,64%... Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài cũng bán ròng một số mã, như EIB – ngân hàng (3.309 tỷ đồng), HPG - thép (702,3 tỷ đồng), KBC – BĐS khu công nghiệp (273 tỷ đồng), NVL – bất động sản (177,7 tỷ đồng)….

Bên cạnh đó, thống kê FiinGroup cho thấy, các quỹ ETF nước ngoài đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam trong 2 tuần trở lại đây liên tục ghi nhận dòng tiền vào ròng, tổng cộng đạt hơn 4.400 tỷ đồng. Xét riêng tuần 14/11 – 18/11, các quỹ ETF nước ngoài vào ròng 1.504 tỷ đồng, trong đó dòng vốn của Đài Loan (Fubon FTSE Vietnam ETF), dòng vốn từ Mỹ (VanEck Vietnam ETF và iShares MSCI Frontier and Select EM ETF) vào ròng lần lượt là 578 tỷ đồng và 626 tỷ đồng. Riêng trong ngày 18/11, quỹ VanEck Vietnam ETF vào ròng 114,7 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so tổng mức vào ròng ngày trước đó.

Dù thận trọng hơn, song các quỹ ETF trong nước cũng vào ròng 835 tỷ đồng. Trong đó, hai quỹ do Dragon Capital quản lý là VFMVN Diamond ETF và VFM VN30 ETF vào ròng hơn 895 tỷ đồng. Riêng quỹ VFMVN Diamond ETF vào ròng tuần thứ 7 liên tiếp, tổng giá trị lũy kế hơn 1.880 tỷ đồng.

Dòng tiền lớn tiếp sức cho thị trường

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, quyết định mua vào của nhà đầu tư nước ngoài thường dựa trên nhiều tiêu chí. Trong đó, phương pháp thường sẽ là “top-down” (từ trên xuống). Cụ thể, ban đầu họ đánh giá rủi ro về mặt vĩ mô, địa chính trị; sau đó là mức độ ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán. Tiếp theo, nhà đầu tư dựa vào các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, cân nhắc chọn các nhóm ngành, cổ phiếu. Thông thường, họ sẽ không phân bổ quá 30% danh mục vào một nhóm ngành.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài còn xem xét từ góc độ chỉ số tài chính và cân nhắc về mức định giá của cổ phiếu. “Tôi cho rằng nhà đầu tư nước ngoài mua ròng liên tục trong thời gian vừa qua do họ đánh giá mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang thấp so với các thị trường khác”, ông Minh nói.

Có thể thấy, việc thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm quá mạnh trong thời gian vừa qua đã khiến các chỉ số P/E và P/B về mức thấp nhất 10 năm qua. Trong khi vốn nội với tâm lý tiêu cực liên tục bán ra, thì dòng tiền ngoại nhiều khả năng đánh giá, cổ phiếu đang ở vùng giá hấp dẫn nên thực hiện việc mua ròng.

Ông Petri Deryng - Nhà quản lý quỹ của Pyn Elite Fund cũng có những đánh giá tích cực khi cơ quan quản lý mới đây đã đưa ra các giải pháp khôi phục niềm tin vào thị trường tài chính. Bên cạnh đó, tình hình tài chính các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam vẫn rất tích cực. Số liệu cho thấy lãi ròng toàn thị trường quý III/2022 tăng 17,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 11,3% so với cùng kỳ của quý II/2022. Theo đánh giá từ Pyn Elite Fund, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong năm 2022 dự kiến đạt 20-25%. Sang năm 2023, tỷ lệ này dự báo đạt 18%.

Đáng chú ý, triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn rất tích cực khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm tới. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội chuyển từ trạng thái thích ứng sang phát triển nhanh và ổn định hơn. Đây được đánh giá là thuận lợi cơ bản để nền kinh tế tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trong năm 2023. Đó cũng là lực hút để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn vào Việt Nam.

Thảo luận

Đăng nhập để gửi thảo luận

Tham luận cùng người đăng

Tham luận liên quan